Một số vấn đề pháp lý đối với tiền điện tử quốc gia

(Banker.vn) Trong bối cảnh toàn cầu gia tăng mạnh mẽ về các loại tiền điện tử của tư nhân, nhiều quốc gia đang cân nhắc về việc phát hành tiền điện tử quốc gia. Ở một số nước, NHTW đã tiến hành đến giai đoạn nâng cao của thử nghiệm tiền điện tử quốc gia như: Trung Quốc, Thụy Điển, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ...; còn một số khác đã chính thức phát hành tiền điện tử quốc gia như: Bahamas, Nigeria, Campuchia…
Tóm tắt: Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của tiền điện tử do các chủ thể phi Nhà nước phát hành cũng như việc hệ thống thanh toán trực tuyến có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các chủ thể cung cấp giải pháp thanh toán ngoài ngân hàng dẫn tới vai trò của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng trung ương (NHTW) có khả năng bị suy yếu. Một trong những vấn đề cấp bách được đặt ra là nếu không thể cấm đoán sự phát triển của các đồng tiền điện tử tư nhân, các NHTW sẽ phải quyết định triển khai những dự án tiền điện tử do chính mình phát hành để giảm thiểu rủi ro. Tiền điện tử quốc gia là phương tiện và giải pháp để NHTW củng cố và hiện diện mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến và làm giảm các nguy cơ bất ổn gây ra bởi sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán phi ngân hàng. Bên cạnh việc phân tích, khái quát chung về tiền điện tử quốc gia, bài viết làm rõ những vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang có ý định nghiên cứu và triển khai phát hành tiền điện tử quốc gia, từ đó đưa ra khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Từ khóa: Tiền điện tử; tiền điện tử quốc gia; NHTW.
 
LEGAL PROVISIONS ON NATIONAL CRYPTOCURRENCY
 
Abstract: The advent and rapid development of cryptocurrency issued by non-state actors as well as the fact that the online payment system tend to depend more and more on non-bank payment solution providers leading to the role of the banking system, especially the central bank, is likely to be weakened. One of the urgent issues raised is that if the development of private crytocurrencies cannot be banned, central banks will have to consider deploying their own cryptocurrency projects to minimize risks. National cryptocurrency is a mean and solution for the central bank to validate and strengthen its presence in the field of online payments and reduce the risks of instability caused by dependence on non-bank payment systems. In addition to providing a general analysis and overview of the national cryptocurrency, the article clarifies the legal issues posed in the context that Vietnam is intending to research and deploy the issuance of national cryptocurrency, thereby making recommendations to improve the law in this field.
 
Keywords: Digital currency, central bank digital currency, central bank. 

1. Khái quát chung về tiền điện tử quốc gia
 
1.1. Khái niệm tiền điện tử quốc gia
 
Trong bối cảnh toàn cầu gia tăng mạnh mẽ về các loại tiền điện tử của tư nhân, nhiều quốc gia đang cân nhắc về việc phát hành tiền điện tử quốc gia. Ở một số nước, NHTW đã tiến hành đến giai đoạn nâng cao của thử nghiệm tiền điện tử quốc gia như: Trung Quốc, Thụy Điển, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ...; còn một số khác đã chính thức phát hành tiền điện tử quốc gia như: Bahamas, Nigeria, Campuchia… 
 

Tiền điện tử quốc gia khác với một số loại tiền điện tử khác - loại tiền do tổ chức tư nhân phát hành, không phải tiền tệ hợp pháp và không đại diện cho quốc gia
 
Tuy vậy, hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chính thức về tiền điện tử quốc gia. Trong tài liệu nghiên cứu của các tổ chức thế giới như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements - BIS), Ủy ban Thanh toán và Cơ sở hạ tầng Thị trường (CPMI) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì khái niệm về tiền điện tử quốc gia được mô tả chi tiết như sau: 
BIS đưa ra giải thích tiền điện tử quốc gia là “một dạng tiền điện tử của NHTW khác với số dư trong tài khoản dự trữ hoặc tài khoản thanh toán truyền thống”1. Định nghĩa này phân biệt tiền điện tử quốc gia với tiền mặt vật chất (trái ngược với tiền điện tử quốc gia, là không ở dạng số hóa) và tiền điện tử thông thường (mặc dù ở dạng điện tử nhưng do ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tư nhân phát hành). 
 
CPMI và IMF có một định nghĩa tương tự nhau về tiền điện tử quốc gia. Các nhà nghiên cứu của hai tổ chức này đều nhấn mạnh rằng: “Tiền điện tử quốc gia là một dạng tiền mới của NHTW. Nghĩa là, một khoản nợ NHTW, được tính bằng một đơn vị tài khoản hiện có, đóng vai trò vừa là phương tiện trao đổi vừa là nơi lưu trữ giá trị”2
 
Một số quốc gia nghiên cứu phát hành tiền điện tử quốc gia cũng đưa ra quan điểm của mình về tiền điện tử quốc gia: NHTW Jamaica đưa ra giải thích về tiền điện tử quốc gia: “Tiền điện tử quốc gia là một dạng tiền tệ kỹ thuật số do NHTW phát hành và do đó nó được đấu thầu hợp pháp. Không nên nhầm lẫn với tiền điện tử được phát hành bởi tư nhân và không được hỗ trợ bởi cơ quan Trung ương. Tiền điện tử quốc gia được hỗ trợ hoàn toàn bởi NHTW - nhà phát hành duy nhất”3.
 
Như vậy, có thể thấy rằng, tuy có những cách giải thích khác nhau nhưng nhìn chung những quan điểm trên cũng đã đưa ra các nhìn nhận cơ bản giống nhau đối với tiền điện tử quốc gia. Qua việc tìm hiểu các quan điểm về định nghĩa của tiền điện tử quốc gia, ta có thể hiểu khái niệm về tiền điện tử quốc gia như sau: “Tiền điện tử quốc gia là đồng tiền pháp định do NHTW hay cơ quan có chức năng phát hành tiền tệ của quốc gia phát hành, nhằm mục đích quy định một hình thức tiền tệ mới được pháp luật thừa nhận tính hợp pháp, đảm bảo về mặt giá trị và được chấp nhận, sử dụng trong phạm vi toàn quốc”.
 
1.2. Đặc điểm của tiền điện tử quốc gia
 
Ở La Mã cổ đại, cố vấn pháp lý chính của hoàng đế đã mô tả cơ sở lý luận cơ bản cho đồng tiền do Chính phủ phát hành bằng cách sử dụng các thuật ngữ quen thuộc với các nhà kinh tế hiện đại: (i) Đơn vị tính giá trị hàng hóa và dịch vụ; (ii) Một phương pháp lưu trữ giá trị; (iii) Một phương tiện trao đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh tế và tài chính. Hơn nữa, các nhà luật học La Mã đã thừa nhận rằng, công dụng của tiền tệ không phụ thuộc vào bản chất vật chất của nó và hiệu quả của tiền tệ phụ thuộc niềm tin của công chúng vào sự quản lý của các cơ quan chức năng đối với hệ thống tiền tệ4.
 
Gần hai thiên niên kỷ sau đó, khi các thiết bị điện tử và mạng tốc độ cao trở nên phổ biến trên thực tế, các NHTW trên toàn cầu hiện đang tích cực khám phá khả năng thiết lập các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền5. Cũng giống như tiền giấy và tiền xu, tiền điện tử của NHTW có thể truy cập được trên toàn cầu và có giá trị như đồng tiền pháp định cho tất cả các giao dịch công khai và tư nhân. Do đó, tiền điện tử quốc gia về cơ bản khác với các dạng tiền ảo (như Bitcoin, Ethereum và Ripple) do các tổ chức tư nhân tạo ra và có giá thị trường biến động rất mạnh. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích các đặc điểm chính của tiền điện tử quốc gia với mục đích xây dựng một định hướng thiết kế loại tiền này. 
 
Thứ nhất, tiền điện tử quốc gia tồn tại dưới hình thức điện tử. Đây là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt tiền điện tử quốc gia với tiền xu, tiền giấy, tiền polymer. Nếu tiền xu, tiền giấy hay tiền polymer tồn tại trong môi trường vật chất, hữu hình và cảm nhận được thì tiền điện tử quốc gia tồn tại trong môi trường kỹ thuật số và vô hình. Do đó, có thể nhận xét rằng, đa số các đồng tiền điện tử quốc gia đều được xây dựng dựa trên công nghệ nền tảng Blockchain6.
 
Thứ hai, tiền điện tử quốc gia do NHTW hoặc cơ quan có chức năng phát hành tiền tệ của quốc gia phát hành nên đây là loại tiền có chủ quyền, được công nhận là một loại tiền tệ mới, hợp pháp và đại diện cho tiền tệ quốc gia. Tiền điện tử quốc gia khác với một số loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum hay Ripple - những loại tiền do tổ chức tư nhân phát hành, không phải tiền tệ hợp pháp và không đại diện cho quốc gia.
 
Thứ ba, tiền điện tử quốc gia có thể là một phương tiện trao đổi. Nó có thể là một dạng tiền tệ khác song song với tiền mặt bằng cách cung cấp một phương tiện trao đổi đơn giản và “chi phí thấp có thể được cung cấp trực tiếp bởi NHTW hoặc các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, sự khởi xướng của việc phát hành tiền điện tử quốc gia có thể sẽ tạo ra sự lỗi thời của tiền giấy và tiền kim loại”7.
 
Thứ tư, tiền điện tử quốc gia cũng có thể trở thành một phương tiện lưu trữ giá trị an toàn. Cũng giống như tiền giấy và tiền xu, ta có thể được gửi và giữ trong tài khoản tiền điện tử quốc gia trong một khoảng thời gian và giữ nguyên giá trị của nó. Nó thậm chí có thể kiếm được tiền lãi như được trả trong thời gian ngắn hạn như chứng khoán chính phủ, cung cấp một hình thức lưu trữ mới cho tài sản.
 
2. Một số vấn đề pháp lý về tiền điện tử quốc gia
 
Khái niệm về tiền điện tử quốc gia vẫn còn rất mới mẻ với đa số công chúng; đồng thời khả năng nhầm lẫn giữa tiền điện tử quốc gia và tiền điện tử của tổ chức tư nhân phát hành cũng là một vấn đề cần xem xét. Với những đặc điểm cơ bản về tiền điện tử quốc gia đã được chỉ ra ở trên, chúng ta không chỉ hình dung rõ hơn về một loại tiền tệ hợp pháp mới mà đồng thời còn phân biệt được tiền điện tử quốc gia so với tiền mặt truyền thống và tiền điện tử thông thường. Ngoài ra, những đặc điểm của tiền điện tử quốc gia cũng cho thấy ưu thế của tiền điện tử quốc gia so với các phương tiện thanh toán khác, từ đó có thể khẳng định rằng tiền điện tử quốc gia thích hợp để phát hành trong tương lai và cần được quy định thành một hình thức tiền tệ hợp pháp mới nhằm thay thế hoặc bổ sung tiền mặt pháp định hiện nay. Mặc dù vậy, xoay quanh vấn đề tiền điện tử quốc gia, vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét.
 
Thứ nhất, hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật chính thức nào quy định về tiền điện tử hay tiền điện tử quốc gia. Hiện tại, thuật ngữ “tiền điện tử”, “tiền điện tử quốc gia” tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ tồn tại dưới dạng một số ghi nhận chính thức về mặt chính sách, pháp luật liên quan đến tiền điện tử có thể kể đến như: Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 của Thống đốc NHNN về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
 
Hiện tại, tiền điện tử đã xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nên đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ phát sinh liên quan đến tiền điện tử, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân và hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền điện tử.
 
Thứ hai, nếu tiền điện tử quốc gia được ban hành thì các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay cũng cần được sửa đổi. Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt là văn bản điều chỉnh dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, văn bản này không đề cập đến khái niệm tiền điện tử quốc gia như là đồng tiền được phép trở thành phương tiện thanh toán hoặc quy định chi tiết các loại phương tiện thanh toán điện tử. Mặc dù có thể trong tương lai không xa, tiền điện tử quốc gia có thể được phát hành và dần trở nên phổ biến nhưng lại chỉ có số ít người hiểu rõ và phân biệt được tiền điện tử với các loại tiền kỹ thuật số khác. Điều này dễ dẫn đến việc người dùng đánh giá sai lệch hoặc có cách hiểu không thống nhất với nhau, gây ra trở ngại cho các bên trong việc sử dụng tiền điện tử quốc gia để thanh toán trong tương lai. Vậy vấn đề đặt ra là Việt Nam cần bổ sung quy định về tiền điện tử quốc gia trong các văn bản pháp luật điều chỉnh thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Thứ ba, về các quy định liên quan đến an toàn bảo mật với tiền điện tử quốc gia. Những năm gần đây, rất nhiều vụ lừa đảo nhắm đến người sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến nên đã dẫn đến việc người dân e ngại lựa chọn giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi có những người dân quan tâm đến tiền điện tử nhưng lại không nhận thức rõ được những rủi ro kèm theo. Báo cáo của ADVANCE.AI cho thấy, 71% gian lận trực tuyến xuất phát từ hành vi trộm cắp danh tính. Trong các giao dịch tiền điện tử, người dùng có thể giấu danh tính của mình, khiến các giao dịch này càng dễ bị lừa đảo hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tiền điện tử có thể làm tăng thêm nguy cơ lừa đảo8.
 
Hiện nay, ở nước ta cũng chưa có nhiều văn bản pháp luật quy định rõ về trách nhiệm pháp lý cũng như những vấn đề liên quan đến an toàn bảo mật của tiền điện tử, mới chỉ có Luật số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội về giao dịch điện tử… vì vậy cần phải thúc đẩy hơn nữa việc quy định rõ ràng các trách nhiệm pháp lý khi vi phạm vấn đề an toàn bảo mật. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần tìm hiểu kỹ hơn để bảo vệ các thông tin, danh tính của mình.
 
Tiền điện tử quốc gia có thể trở thành đối tượng của các phi vụ phi pháp và tội phạm mạng. BIS đã kêu gọi các NHTW tiếp tục nghiên cứu các sáng kiến kỹ thuật số và cẩn trọng xem xét các tác động của việc phát hành tiền điện tử quốc gia. Vì vậy, khi ban hành đồng tiền điện tử quốc gia, Việt Nam cũng cần xem xét để bảo mật an toàn thông tin của khách hàng, nếu giải pháp này được thực hiện tốt thì đồng tiền điện tử quốc gia sẽ thực sự là một biện pháp hữu ích trong việc thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai.
 
Thứ tư, về việc xác định tính chất tài sản của tiền điện tử quốc gia. Để xác định tính hợp pháp của bất kỳ loại tiền tệ nào thì xem xét nó có phải là một loại tài sản hay không. Về điều này, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Chứng khoán năm 2019 ở nước ta mới chỉ dừng lại ở việc xem xét tiền mặt pháp định là tài sản. 
 
Theo đó, tại khoản 1, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm về tài sản như sau: 
 
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Từ quy định này đã chỉ ra 04 đối tượng được công nhận là tài sản và được bảo đảm về mặt pháp lý trong các giao dịch dân sự. Một trong số đó là tiền. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như Luật NHNN năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về tiền. Hiện nay, tiền pháp định của Việt Nam tồn tại dưới dạng tiền giấy, tiền kim loại. 
 
Ngoài quy định ở Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là tiền cũng được quy định ở Luật Chứng khoán năm 2019. Tại khoản 1, Điều 88 Luật Chứng khoán năm 2019 về quản lý tài sản của khách hàng quy định như sau: “1. Tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý bao gồm tiền gửi giao dịch chứng khoán, chứng khoán lưu ký, lưu giữ tại công ty chứng khoán và các quyền có liên quan là tài sản thuộc quyền sở hữu của khách hàng, không phải là tài sản của công ty chứng khoán”.
 
Từ đó, có thể thấy rằng, các quy định pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc công nhận tiền mặt pháp định là tài sản. Tuy nhiên, với những đặc điểm về tiền điện tử quốc gia đã được trình bày trước đó, đây được xem là đồng tiền điện tử pháp định, đại diện cho quốc gia, do đó có thể hiểu tiền điện tử quốc gia mang đầy đủ tính chất để trở thành một loại tài sản theo quy định của pháp luật.
 
3. Khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về tiền điện tử quốc gia
 
Thứ nhất, cần có một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền điện tử quốc gia 
 
Hiện nay, ở Việt Nam, dưới góc độ pháp lý, thuật ngữ về tiền điện tử được xuất hiện tại khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, tuy nhiên chưa có sự giải thích thêm ở bất kỳ văn bản luật, văn bản dưới luật nào. Gần đây nhất, tại khoản 12 Điều 3 của Dự thảo thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đã đề cập đến khái niệm tiền điện tử như sau: “Tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”. Với khái niệm này đã chỉ ra tiền điện tử được quy định trong các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành là một lượng giá trị được lưu giữ trên các thiết bị điện tử.
 
Chính vì thế, việc đầu tiên khi hoàn thiện khung pháp lý về tiền điện tử quốc gia là cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền điện tử quốc gia để xác định phạm vi và đối tượng chịu sự quản lý. Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan để đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn và trong kỷ nguyên công nghệ số. 
 
Từ các quan điểm về tiền điện tử quốc gia trên thế giới, theo chúng tôi, có thể xây dựng khái niệm về tiền điện tử quốc gia như sau: “Tiền điện tử quốc gia là đồng tiền pháp định do NHTW hay cơ quan có chức năng phát hành tiền tệ của quốc gia phát hành, được pháp luật thừa nhận tính hợp pháp, đảm bảo về mặt giá trị và được chấp nhận, sử dụng trong phạm vi toàn quốc”. 
 
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về thanh toán không dùng tiền mặt 
 
Tại khoản 10 Điều 3 Dự thảo thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt đã quy định rõ 08 loại phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và dự liệu phương tiện khác được NHNN chấp thuận sử dụng trong giao dịch thanh toán như sau: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện dựa trên hình thức giấy hoặc điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được NHNN cấp Giấy phép phát hành và được sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, ví điện tử, tiền di động và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN”.
 
Ngoài ra, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần quy định về quy trình thanh toán bằng tiền điện tử thật cụ thể, rõ ràng nhằm có cơ chế quản lý, vận hành khi Nhà nước phát hành tiền điện tử quốc gia. 
 
Thứ ba, xây dựng các quy định về an toàn, bảo mật đối với tiền điện tử quốc gia
 
Tiền điện tử quốc gia và tiền điện tử của tổ chức tư nhân có điểm chung là đều được xây dựng dựa trên công nghệ nền tảng Blockchain. Tuy nhiên, tính an toàn, bảo mật của tiền điện tử quốc gia phải cao hơn các loại tiền điện tử còn lại. Hiện nay, quy định pháp luật Việt Nam về tiền điện tử còn tương đối hạn chế và đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống pháp luật hiện hành có các quy định về an toàn, bảo mật liên quan đến tiền điện tử như: Quyết định số 349/2002/QĐ-NHNN ngày 17/4/2002 của Thống đốc NHNN về xây dựng, cấp phát, quản lý và sử dụng mã khóa bảo mật trong hệ thống thanh toán điện tử ngân hàng; Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 10/01/2017 của Thống đốc NHNN về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ; Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025… 
 
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng, khi ban hành tiền điện tử quốc gia, chúng ta cần xây dựng các quy định về bảo mật an toàn như: Quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán bằng tiền điện tử quốc gia, quy định về quyền sao kê lịch sử thanh toán, quy trình giải quyết tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và có chế tài xử lý như: Chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như tổ chức thực hiện chuyển tiền, thanh toán tiền điện tử quốc gia cho những hoạt động bất hợp pháp… để có thể tạo ra một đồng tiền số pháp định thực sự đi vào đời sống của người dân. 
 
Thứ tư, cần xác định tiền điện tử quốc gia là tài sản
 
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi của người dùng khi thanh toán, sử dụng tiền điện tử quốc gia cũng như có cơ chế bảo đảm tính hợp pháp đồng tiền này thì cần coi đây là một loại tài sản theo quy định pháp luật hiện hành. Khi tiền điện tử quốc gia được phát hành, cần sửa đổi và bổ sung một số quy định pháp luật: (i) Quy định về tài sản tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần được sửa đổi theo hướng bổ sung khái niệm tài sản bao gồm đồng tiền điện tử quốc gia; (ii) Quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp của Việt Nam tại khoản 2 Điều 17 Luật NHNN năm 2010 cần bổ sung thêm tiền điện tử quốc gia do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Việc sửa đổi các quy định trên là cơ sở điều chỉnh các quy định về tài sản ở các văn bản luật khác có liên quan, từ đó góp phần tạo tiền đề pháp lý vững chắc cho sự ra đời của tiền điện tử quốc gia ở Việt Nam. Khi được công nhận về tính hợp pháp của một loại tài sản, tiền điện tử quốc gia sẽ được tham gia rộng rãi vào các giao dịch trao đổi, mua bán hàng hóa, từ đó thực sự đi vào đời sống của người dân.
 
Thứ năm, với quá trình chuẩn bị và nghiên cứu, cần đề xuất ban hành đồng tiền điện tử quốc gia 
 
Các vấn đề về kỹ thuật, pháp lý, tính chất và lợi ích trong việc nghiên cứu để phát hành đồng tiền điện tử quốc gia đang được cân nhắc. Cụ thể:
 
Về kỹ thuật, kỹ thuật Blockchain xây dựng trên nền mã nguồn mở, đã được chứng thực qua quãng thời gian dài và qua một số lượng khổng lồ (hơn một triệu) đồng tiền mã hóa đã phát hành đã chứng minh tính ổn định và đảm bảo của kỹ thuật Blockchain. Do đó, đồng tiền điện tử quốc gia hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ Blockchain để phát triển9.
 
Về pháp lý và tính chất của tiền điện tử quốc gia đã được các nước trên thế giới nghiên cứu và thử nghiệm bước đầu và đã có những thành công, do đó chúng ta có nhiều cơ hội để kế thừa.
 
Tiền điện tử quốc gia có nhiều lợi ích như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngăn chặn tội phạm rửa tiền, trốn thuế…
 
Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu về một loại tiền điện tử quốc gia phù hợp với đời sống kinh tế, xã hội của nước ta, tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hóa, trao đổi tài sản, cất trữ tài sản. Và đồng tiền điện tử quốc gia do NHNN phát hành là một sự lựa chọn đáp ứng được các yêu cầu đó. 
 
Những khuyến nghị xây dựng khung pháp lý về tiền điện tử quốc gia trên đây mang tính gợi mở nhằm giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể có những điều kiện thuận lợi nhất tiếp cận về tiền điện tử quốc gia, xây dựng cơ chế phát hành đảm bảo đây là một loại tiền tệ có thể lưu thông vận hành tốt trong xã hội, cũng như đảm bảo được vai trò quản lý loại tiền này.
 

1 Committee on Payments and Market Infrastructure (BIS) (2018), Markets Committee Papers, p.1.
2 Wouter Bossu, Masaru Itatani, Catalina Margulis, Aspects of Central Bank Digital Currency: Central Bank and Monetary Law Considerations, IMF Working Paper, p.6.
3 Prepares for central bank digital currency, Địa chỉ truy cập: https://jis.gov.jm/boj-prepares-for-central-bank-digital- currency/, truy cập ngày 16/4/2022.
4 Schumpeter (1954), p.67 được dịch từ đoạn văn bản sau của Pauls: “People, in handling money in everyday transactions, usually take a coin at its nominal value without any conscious thought of the commodity value of its materials”.
5 Ví dụ: Sveriges Riksbank có khung thời gian tăng tốc để quyết định có khởi chạy tiền điện tử quốc gia của mình (Boel 2016 và Skingsley 2016), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang thử nghiệm các thông số kỹ thuật (Fan, 2016) và NHTW Anh đang tiến hành một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm (Broadbent, 2016). Xem thêm gần đây quan điểm từ các quan chức tại NHTW châu Âu (Mersch, 2017) và Ngân hàng Norges (Nicolaisen, 2017).
6 Công nghệ Blockchain là hình thức phổ biến nhất để ghi lại và chia sẻ sổ cái phân tán. Do đó, có thể nhận xét rằng, đa số các đồng tiền điện tử quốc gia đều được xây dựng dựa trên công nghệ nền tảng Blockchain. Blockchain nắm giữ dữ liệu của các giao dịch xảy ra đồng thời trong các khối riêng lẻ - được liên kết theo trật tự thời gian, tạo thành một chuỗi tất cả các giao dịch được liên kết với nhau trong quá khứ. Với công nghệ hiện đại, Blockchain đã giúp cho việc triển khai tiền điện tử quốc gia trở nên dễ dàng hơn.
7 Michael D. Bordo and Andrew T. Levin (2017), Central Bank Digital Currency and the Future of Monetary Policy, https://www.hoover.org/sites/default/files/research/docs/17104-bordo-levin_updated.pdf, truy cập ngày 25/4/2022. 
8 Hữu Chiến (2021), Quản lý tiền điện tử: Cần hành lang pháp lý xuyên biên giới hiệu quả, https://bnews.vn/quan-ly-tien-dien-tu-can-hanh-lang-phap-ly-xuyen-bien-gioi-hieu-qua/188926.html, truy cập ngày 25/4/2022.
9 Nguyễn Đức Việt (2021), Hiện trạng về tiền điện tử pháp định trên thế giới và đề xuất chính sách cho Việt Nam, Hội thảo khoa học Quốc gia - Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, số 58, tr.887.

Tài liệu tham khảo:
 
1. BIS (2018), Committee on Payments and Market Infrastructure, Markets Committee Papers.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015 .
3. Hữu Chiến (2021), Quản lý tiền điện tử: Cần hành lang pháp lý xuyên biên giới hiệu quả.
4. Luật Chứng khoán năm 2019.
5. Luật NHNN năm 2010.
6. Michael D. Bordo and Andrew T. Levin (2017), Central Bank Digital Currency and the Future of Monetary Policy.
7. Norges Bank (2018), Central bank digital currencies, Norges Bank Papers.
8. Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
9. Nguyễn Đức Việt (2021), Hiện trạng về tiền điện tử pháp định trên thế giới và đề xuất chính sách cho Việt Nam, Hội thảo khoa học Quốc gia - Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam.
10. Prepares for central bank digital currency, https://jis.gov.jm/boj-prepares-for-central-bank-digital- currency/, truy cập ngày 28/4/2022.
11. Wouter Bossu, Masaru Itatani, Catalina Margulis, Aspects of Central Bank Digital Currency: Central Bank and Monetary Law Considerations, IMF Working Paper.

Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thùy Dung, Nguyễn Thị Vân
Trường Đại học Luật Hà Nội
Theo: Tạp chí Ngân hàng