Một số sự kiện nổi bật ngành ngân hàng trong tuần qua

(Banker.vn) Mời quý độc giả cùng Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng trong tuần qua (2-6/8).

HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) phê duyệt việc triển khai tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Qua đó, nâng mức vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ.

Với số vốn điều lệ tăng thêm là 3.525 tỷ đồng, MSB dự kiến sử dụng vào việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống các điểm giao dịch; nâng cao năng lực tài chính để thích ứng với biến động của thị trường.

Vừa qua, TPBank đã được sự chấp thuận của cổ đông về việc chia vốn thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu (9,33% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho các nhà đầu tư chiến lược và chuyên nghiệp.

Ban lãnh đạo chia sẻ giá phát hành có thể là trung bình giá giao dịch cộng thêm premium (phần phải trả thêm để sở hữu cổ phiếu). Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc phát hành thành công sẽ giúp TPBank gia tăng vốn Cấp 1, củng cố tiềm năng tăng trưởng tín dụng cho các năm tới.

Sau khi có tân Chủ tịch, Ngân hàng Quốc dân (NCB) bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao mới. Cụ thể, từ ngày 3/8, bà Dương Thị Lệ Hà sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc thay cho ông Phạm Thế Hiệp. Ông Hiệp vẫn đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT ngân hàng. Đồng thời, HĐQT cũng bổ nhiệm vị trí Phó TGĐ đối với bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cập nhật về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), dự báo thận trọng lợi nhuận trước thuế năm nay là 12.548 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.

Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm sẽ dịu lại ở mức một chữ số từ nền so sánh cao trong quý III-IV/2020. Ban lãnh đạo ngân hàng có một số nhận định về triển vọng nửa cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Luật xử lý nợ xấu của các TCTD dự kiến sẽ được xây dựng dựa trên việc kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

NHNN ban hành Thông tư 11/2021 quy định về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...

Lưu Lâm (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục