Một số giải pháp phát triển hạ tầng hướng đến tăng trưởng bền vững trong bối cảnh “tốt nghiệp” ODA của Việt Nam

(Banker.vn) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance - ODA) là một nguồn ngoại lực quan trọng, đóng góp không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể trong nhận viện trợ tài chính do tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc "tốt nghiệp" ODA có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nhất định, chẳng hạn như áp lực gia tăng của các khoản nợ nước ngoài; tăng tác động đến phát triển xã hội.
Tóm tắt: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance - ODA) là một nguồn ngoại lực quan trọng, đóng góp không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể trong nhận viện trợ tài chính do tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc "tốt nghiệp" ODA có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nhất định, chẳng hạn như áp lực gia tăng của các khoản nợ nước ngoài; tăng tác động đến phát triển xã hội. Tuy nhiên, "tốt nghiệp" ODA đã mang lại những cơ hội nhất định cũng như tăng cường tính độc lập của Việt Nam trong huy động vốn, phát triển kinh tế. Nghiên cứu này đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình kinh tế của Việt Nam, qua đó góp phần khắc phục những khó khăn trong giai đoạn “tốt nghiệp" ODA. 

Từ khóa: "Tốt nghiệp" ODA, phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng, vốn ODA.
 
SOME SOLUTIONS FOR INFRASTRUCTURE DEVELOPMENT TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN THE CONTEXT OF ODA "GRADUATION" IN VIETNAM
 
Abstract: Official Development Assistance (ODA) is an important external resource, contributing to the socio-economic development and poverty reduction in Vietnam. Currently, Vietnam is witnessing a significant decline in financial aid due to economic growth. ODA "Graduation” means that the Vietnamese economy faces certain challenges such as the increasing pressure of foreign debts, impact on socio-economic development. Nevertheless, the ODA "Graduation" has brought certain opportunities such as enhancing Vietnam's independence in capital mobilization and economic development. This study provides recommendations to improve the economic situation of Vietnam and can help overcome difficulties in the ODA "Graduation” phase.
 
Keywords: ODA "Graduation", sustainable development, infrastructure, ODA loan. 

1. Đặt vấn đề
 
ODA là nguồn vốn viện trợ không hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi (cho vay lãi suất thấp) của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, tổ chức liên chính phủ, tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, tổ chức tài chính quốc tế  (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB) dành cho chính phủ và nhân dân các nước nhận viện trợ. Nguồn vốn này được thực hiện theo một cam kết hay một hiệp định vay vốn được kí giữa chính phủ nước đi vay (nước nhận đầu tư) và chính phủ, tổ chức cho vay. Ở các nước đang phát triển, hỗ trợ tài chính, đặc biệt là từ nguồn vốn ODA, chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường xá, năng lượng, cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường học...
 
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế hiện đại mới chỉ bắt đầu và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chưa ổn định và vững chắc. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm Việt Nam “tốt nghiệp" ODA vào tháng 7/2017, vốn ODA không còn là nguồn ưu đãi, mà là những khoản vay với lãi suất thương mại, dựa trên đàm phán, thỏa thuận1. Việc “tốt nghiệp” ODA có nghĩa là đất nước đã thoát “nghèo”, thể hiện sự tự lực vươn lên, phát triển năng lực nội tại của nền kinh tế. 



Cầu Nhật Tân - một trong những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ODA 
của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam
 
Xu hướng giảm vốn ODA đã có tác động không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình và hạn chế nguồn vốn đầu tư trên diện rộng. Xét trên mọi phương diện, vai trò của ODA không chỉ có ý nghĩa trong việc cung cấp các nguồn lực tiềm năng cho nền kinh tế Việt Nam mà còn có thể giúp đất nước hoàn thành tất cả các chỉ tiêu của Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Cần lưu ý rằng khi cắt giảm hoàn toàn nguồn vốn ODA, Việt Nam sẽ buộc phải tăng cường tính độc lập, tự chủ trong huy động vốn và hoạt động kinh doanh cả về nguồn lực đầu vào và đầu ra. Hơn nữa, Việt Nam phải có một loạt các bước sửa chữa cho quá trình chuyển đổi từ “dựa vào ODA” sang “không sử dụng ODA”, đặc biệt là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bài nghiên cứu sẽ tập trung đến tác động của việc cắt giảm ODA đối với nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị hay giải pháp đối với Việt Nam trước ngưỡng “tốt nghiệp” ODA.
 
2. Cơ sở lí luận và thực tiễn về sử dụng ODA cho phát triển kinh tế
 
2.1. Cơ sở lí luận
 
Theo khoản 19 Điều 3 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ, vốn ODA là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. Vốn ODA bao gồm các loại sau: (i) Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. (ii) Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Các phương thức cung cấp vốn ODA bao gồm: Chương trình, dự án, phi dự án, hỗ trợ ngân sách. 
 
Đã có một số nghiên cứu trước đây chỉ ra vai trò của ODA trong việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Theo Susan Horton (2019), để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững thì hỗ trợ phát triển nước ngoài là không đủ, cần phải có các quan hệ đối tác mới, bao gồm cả quan hệ đối tác khu vực công - khu vực tư nhân (PPP). Theo  Báo cáo Quốc gia tự nguyện của Việt Nam (Vietnam’s Voluntary National Review - VNR) về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ngày 04/7/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập rằng, một lượng lớn tài chính là bắt buộc để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được thành công trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam phải tăng cường huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, thúc đẩy tài chính công thông qua nâng cao hiệu lực của hệ thống và chính sách thuế, cải cách quản lí tài chính và nợ công, huy động vốn FDI, FII và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn “tốt nghiệp” ODA, bao gồm cải thiện việc sử dụng và quản lí ODA và huy động các nguồn lực từ các nguồn mới cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. 
 
Trong "Kế hoạch Chiến lược chung 2017 - 2021" ngày 05/7/2017 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đã đánh giá: “Các định chế tài chính quốc tế và ngân hàng phát triển tiếp tục hoạt động rất tích cực tại Việt Nam, tuy nhiên các khoản vay đang dần chuyển sang các khoản vay ít ưu đãi hơn trước đây. Mức độ viện trợ ODA giảm nói chung đã làm giảm sút nguồn vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực phát triển năng lực mềm, trong khi tài trợ và cho vay đầu tư vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cùng với đầu tư vào các ưu tiên thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể đạt được tiến bộ trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững…” (trang 50); và “Trong bối cảnh nguồn tài trợ ODA giảm mạnh tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ sẽ cần phải huy động nhiều hơn các nguồn lực ngay trong nước và từ các nguồn lực khác, trong khi quản lý một cách có chiến lược các khoản vay và nợ liên quan để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hỗ trợ kỹ thuật, phát triển năng lực và hỗ trợ tư vấn chính sách…” (trang 29).
 
Để hành động, Việt Nam phải tìm các nguồn lực khác, hấp dẫn hơn và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân ở cấp quốc gia và quốc tế, điều này có thể thúc đẩy Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững với tốc độ nhanh hơn. 
 
2.2. Một số kinh nghiệm sử dụng ODA để phát triển kinh tế
 
Kinh nghiệm thực tiễn từ Hàn Quốc 
 
Theo Văn phòng Điều phối chính sách Chính phủ của Hàn Quốc thì đất nước này đã nhận được ODA từ nước ngoài với tổng số tiền là 12 tỉ USD, từ các chương trình cứu trợ khẩn cấp đến các chương trình điều chỉnh cơ cấu. ODA đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Hàn Quốc. Sau chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), ODA là nguồn vốn duy nhất, vì nền kinh tế Hàn Quốc gần như bị tàn phá bởi chiến tranh. Trong thời kì đó, ODA chủ yếu được đầu tư dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi hơn và các hình thức viện trợ tài chính khác đến với Hàn Quốc, cho phép Hàn Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và thúc đẩy phát triển công nghiệp, vốn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Trong những năm 1970 và 1980, dự án tự tài trợ đã được thực hiện và giới thiệu cho các ngành công nghiệp nặng và hóa chất và ngày càng nhường chỗ cho các khoản vay quy mô lớn nhằm cải tổ cơ cấu kinh tế và công nghiệp tổng thể. Trong những năm 1990, Hàn Quốc đã trở thành một ví dụ hoàn hảo trong việc đảo ngược vị thế của mình từ một nước nhận ODA thành một nước tài trợ ODA.
 
Kinh nghiệm thực tiễn từ Thái Lan 
 
Thái Lan đã tích cực sử dụng viện trợ trong suốt những năm 1980, nhưng đã thành công trong việc tránh được tình trạng phụ thuộc nặng nề và kéo dài. Kinh nghiệm của Thái Lan trong hơn 40 năm hợp tác phát triển với các nước tài trợ, cùng với sự tiến bộ về kinh tế, xã hội và công nghệ, đã thúc đẩy Thái Lan chuyển đổi vai trò của mình từ nước nhận viện trợ sang nước tài trợ, đặc biệt là các nước láng giềng. Sự thay đổi trong chính sách của chính phủ Thái Lan vào năm 1989 - 1990 nhằm “chuyển chiến trường thành thương mại”, cũng làm cho vai trò của Thái Lan với tư cách là quốc gia tài trợ trở nên rõ ràng hơn. Đối với việc sử dụng viện trợ, Chính phủ Thái Lan rất nhạy cảm với tính ưu đãi của các khoản vay, cũng như lợi thế so sánh của các nhà tài trợ tương ứng. Giữa những năm 1970, Hoa Kỳ là nhà tài trợ song phương lớn nhất ở Thái Lan. Sau thất bại của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã kéo theo sự thay đổi lớn trong vai trò địa chính trị của Thái Lan trước mối quan ngại về an ninh của Hoa Kỳ và dẫn đến sự sụt giảm mạnh viện trợ của Hoa Kỳ. Sau đó, WB, ADB và Nhật Bản trở thành ba nhà tài trợ lớn nhất và theo đó viện trợ cho vay tăng lên. Để hỗ trợ các nỗ lực phát triển kinh tế và xã hội của Thái Lan, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 2,8 nghìn tỉ Yên cho Thái Lan cho đến năm 2018. Thông qua khoản vay ODA, hợp tác kĩ thuật và viện trợ không hoàn lại cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm sân bay quốc tế Suvarnabhumi, tàu điện ngầm, đường sắt và nhà máy lọc nước. Mặc dù Thái Lan đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đã “tốt nghiệp” ODA nhưng để phát triển bền vững, Thái Lan còn nhiều vấn đề cần giải quyết như phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cho ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy quản lí thiên tai bao gồm kiểm soát lũ lụt, năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt cũng cần phải giải quyết các vấn đề như xã hội già hóa và giảm thiểu sự chênh lệch giàu, nghèo.
 
2.3. Phương pháp nghiên cứu
 
Để thực hiện nghiên cứu, các phương pháp định tính sẽ được áp dụng bằng cách sử dụng thu thập dữ liệu định tính và phân tích các báo cáo từ các nguồn chính thức như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hợp quốc, cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế để khái quát việc sử dụng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tác động của nó đối với nền kinh tế. Phương pháp phân tích ma trận SWOT được sử dụng để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh “tốt nghiệp” ODA, từ đó đưa ra một số giải pháp để khắc phục những khó khăn và tận dụng các cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam sau khi “tốt nghiệp” ODA. 
 
3. Thực trạng về ODA đối với phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam

Quy mô kí kết và giải ngân vốn ODA cho giai đoạn 1993 - 2020 của Việt Nam nhìn chung có xu hướng giảm. Sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, chính sách hợp tác phát triển của các nhà tài trợ có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt các khoản ODA viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ODA với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, vốn ODA kí kết là 12,99 tỉ USD, giảm tới 51% so với giai đoạn 2011 - 2015, sang đến năm 2021, số vốn ODA kí kết là 328,17 triệu USD, chỉ bằng 59% so với năm 2020, trong đó tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài ước đạt 26,77%, thấp hơn nhiều so với cùng kì năm 2020 là 50,9%. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn ODA tại thời điểm hiện nay vẫn tiếp tục sụt giảm, 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao. Như vậy, có thể thấy rằng, nguồn vốn ODA hiện nay ở Việt Nam đang sụt giảm với tốc độ khá nhanh, đặt ra nhiều thách thức và cả cơ hội cho đất nước. (Hình 1)
 
Hình 1: Quy mô kí kết và giải ngân vốn ODA giai đoạn 1993 - 2020

                                                                                                  Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Mặc dù nguồn ODA có xu hướng giảm, tuy nhiên, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đóng góp quan trọng trong vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Giải ngân luồng vốn này vẫn chiếm 3,33% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và chiếm 18,08% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (trung bình giai đoạn 2016 - 2019) (Hình 2)

Hình 2: Tỉ trọng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài 
trong đầu tư phát triển (%)

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đối với ODA trong phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế ở Việt Nam, đây là lĩnh vực chiếm tỉ trọng ODA lớn nhất trong nhóm các lĩnh vực nhận ODA ở Việt Nam. Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế ở Việt Nam gồm: Giao thông vận tải và kho bãi; năng lượng; dịch vụ ngân hàng - tài chính; truyền thông; dịch vụ kinh doanh và các dịch vụ khác. Trong giai đoạn 2010 - 2017, đối với lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, tổng số vốn giải ngân ODA vào giao thông vận tải và kho bãi là lớn nhất, đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là năng lượng và dịch vụ ngân hàng - tài chính. Cũng giống như xu hướng chung của nguồn vốn ODA, nguồn vốn ODA đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế ở Việt Nam đã có sự giảm mạnh. (Hình 3)

Hình 3: Vốn ODA giải ngân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế ở Việt Nam 
giai đoạn 2010 - 2017 (triệu USD)

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

3.1. Điểm mạnh
 
ODA đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cả về nhân lực, công nghệ và đầu tư. Sự đóng góp của ODA cho phát triển kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận, nó cũng góp phần giúp cho đất nước có thể đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể ODA kể từ năm 2014, khi Việt Nam được đánh giá là nước có thu nhập trung bình vào năm 2010 và duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. “Tốt nghiệp” ODA có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, điều này có nghĩa là quốc gia đã sẵn sàng cho tăng trưởng kinh tế cao hơn. 
 
3.2. Hạn chế
 
Nguồn hỗ trợ tài chính ODA đang dần trở nên kém ưu đãi hơn, lãi suất tăng, thời hạn vay ngày càng giảm, điều kiện trái phiếu ngày càng ràng buộc. Việt Nam hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực trả nợ ngày càng lớn. Theo Bộ Tài chính, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước trả nợ ODA khoảng 1 tỉ USD. Tỉ lệ hoàn trả cao nhất dự kiến ​​sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2025. Đồng thời, “tốt nghiệp” ODA đối với nền kinh tế Việt Nam đi kèm với những bất cập ngày càng gia tăng trong quá trình xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng. 
 
3.3. Cơ hội
 
Trong chiến lược phát triển lâu dài, ODA đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cả về nguồn nhân lực, công nghệ và đầu tư. Cần phải nói rằng, khi nguồn vốn ODA bị cắt giảm hoàn toàn, Việt Nam buộc phải tăng cường độc lập, tự chủ trong huy động vốn và hoạt động kinh doanh cả về nguồn lực đầu vào và đầu tư nước ngoài. 
 
Ngăn chặn việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa từ các nước chủ nợ là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà Việt Nam không nên bỏ qua. Vốn viện trợ ưu đãi và chi phí thấp luôn đi kèm với các điều kiện và yêu cầu đảm bảo lợi nhuận của các công ty từ nước tài trợ, do đó làm mất hoặc giảm cơ hội và lợi nhuận của các công ty Việt Nam. Các nước đi vay có thể cần dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của các nước chủ nợ, hoặc có thể phải mua thiết bị, thuê dịch vụ và nhân viên từ các nước cho vay với chi phí tương đối cao. Ví dụ, đối với các khoản vay từ Hàn Quốc, một trong những yêu cầu bắt buộc là nhà thầu phải là công ty Hàn Quốc hoặc liên danh trên 50% cổ phần. Trong trường hợp của Trung Quốc, nước tiếp nhận ODA buộc phải cho phép công nhân Trung Quốc thực hiện dự án. 
 
Đối mặt với các khoản vay đắt hơn, Việt Nam buộc phải sử dụng các khoản vay của mình một cách hiệu quả nhất. Trên thực tế, hiệu quả của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA luôn là vấn đề nóng; nhiều đơn vị thực hiện dự án không được xem xét chặt chẽ, gây nhiều thất thoát, lãng phí. Theo cách này, chính quyền địa phương sẽ phải đánh giá xem nguồn vốn có phát huy được hiệu quả hay không bằng cách thu phí và thuế để trả nợ.
 
3.4. Thách thức
 
Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực nợ ngày càng lớn khi các nguồn viện trợ dần trở nên ít ưu đãi hơn, lãi suất tăng, kì hạn vay giảm, các điều kiện ràng buộc ngày càng nhiều. Do đó, Việt Nam hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc trả nợ. Trong trường hợp này, ngay cả việc thực hiện chính sách tài khóa điều chỉnh bằng cách tăng thuế hoặc phí, hoặc vay các khoản vay mới để trả nợ cũ cũng không phải là biện pháp lâu dài. Mặt khác, lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng hạn chế do sức ép của ngoại tệ lên VND. 
 
Tăng tác động đến phát triển xã hội (xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bất bình đẳng giới…) là thách thức thứ hai. “Tốt nghiệp” ODA thường cho thấy nền kinh tế đã đạt được một số tiến bộ về sự bất bình đẳng về nghèo đói, giới tính cũng như môi trường. Thật không may, khả năng gia tăng bất bình đẳng trong xã hội có thể là một thách thức cần được xác định. Chi phí sinh hoạt sẽ tăng vọt cùng với giá tiêu dùng tăng, tạo ra sự khác biệt lớn giữa người lao động thu nhập thấp và thu nhập cao hoặc người giàu và người nghèo. Việt Nam cần xem xét kĩ bối cảnh và cách tiếp cận kinh tế vĩ mô để giải quyết các vấn đề xã hội. 
 
Các dự án ưu tiên đầu tư sẽ là các dự án có khả năng hoạt động và mức độ thu hồi vốn cao, do đó, các dự án phục vụ mục đích xã hội khó có khả năng cạnh tranh. Theo quan điểm này, các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn cao (có thể được định nghĩa là kết cấu hạ tầng kinh tế) nên được ưu tiên vì có tác động đến tăng trưởng kinh tế như các công trình thương mại, mở rộng đường, ngân hàng... để làm chậm sự suy thoái của nền kinh tế Việt Nam, trả nợ trong ngắn hạn và thu hút các khoản đầu tư mới. Do đó, các nhà đầu tư sẽ coi cơ sở hạ tầng kinh tế là đối tượng chính có thể mở rộng kinh doanh, tăng lượng tiền lưu thông và tăng ảnh hưởng của nó đối với đất nước. 
 
4. Một số giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh vốn ODA ngày càng sụt giảm
 
Khó khăn do sụt giảm nguồn vốn viện trợ hoàn toàn có thể khắc phục được nếu Việt Nam chuẩn bị tốt cho quá trình “tốt nghiệp” ODA. Hiện tại, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm2. Để khắc phục những khó khăn và tận dụng các cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam sau khi “tốt nghiệp” ODA, bài nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị như sau:
 
Thứ nhất, Việt Nam sẽ buộc phải tăng các khoản vay ngoại thương ưu đãi và trong nước để huy động thêm các nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, gánh nặng nợ công sẽ trở nên nặng nề hơn, do nguồn vốn này phải chịu lãi suất cao hơn và bị hạn chế hơn. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần tập trung vào khả năng giải ngân tùy thuộc vào các hiệp định đã kí kết và nhà tài trợ có thể bơm nguồn cung tiền cho xây dựng, nếu cần thiết. Thay vì vay đơn thuần để trả nợ, các chương trình và dự án nên đi kèm với các yếu tố dài hạn và mang tính quyết định trong việc phát triển chuyển giao, hỗ trợ kinh nghiệm, ý tưởng, chuyên môn, dữ liệu...
 
Thứ hai, thắt chặt chi tiêu ngân sách cho bộ máy hành chính. Điều này có nghĩa là Chính phủ cần phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu ngân sách đối với cơ quan công quyền.
 
Thứ ba, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tránh để lâu gây tăng giá thành. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí khi các cơ quan chức năng tận dụng các nguồn lực tài chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế cho mục đích cá nhân, từ đó góp phần tạo điều kiện để nền kinh tế được thông suốt.
 
Thứ tư, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp khu vực tư nhân vì đây là lực lượng không thể thiếu trong việc kiểm soát nền kinh tế. Ngoài ra, khi có sự tham gia công khai, minh bạch của nhiều thành phần kinh tế sẽ xây dựng được thị trường cạnh tranh hoàn hảo, tạo môi trường bình đẳng hơn; đồng thời, tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tiếp cận viện trợ ưu đãi sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, giảm sự cấu kết của các nhóm lợi ích, tham nhũng và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
 
Thứ năm, cải thiện hình thức đối tác công tư, trong đó Nhà nước và tư nhân sẽ cùng hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và cung cấp dịch vụ. Trên thực tế, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Các chính sách này đã giúp Chính phủ thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời thu được lợi ích từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, tác động của các văn bản này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tạo được môi trường cạnh tranh hấp dẫn cũng như cơ chế đầu tư linh hoạt, thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia cùng các cơ quan nhà nước thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu và có những quyết sách phù hợp để nền kinh tế không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và khuyến khích “tốt nghiệp” ODA càng sớm càng tốt.
 
1 Trách nhiệm với nguồn vốn ODA, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM239246&dID=240679; truy cập ngày 23/5/2023.
2 Việt Nam trước tác động của suy giảm vốn ODA, Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, http://www.sbv.gov.vn/, truy cập ngày 23/5/2023.

Tài liệu tham khảo: 
 
1. World Economic Forum (2018), The Global Competitiveness Report 2017-2018, pages 599-600.
2. TS. Nguyễn Vũ Hà (2019), Vai trò của ODA trong phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra. 
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Viet Nam officially presents its Voluntary National Review on the Implementation of the Sustainable Development Goals.
4. Thủ tướng Chính phủ, (2016). Quyết định số 251/QĐ-TTg, ngày 17/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kì 2016 - 2020”.
5. Vietnam, T. G. (2017). One Strategic Plan 2017 - 2021. Hanoi: The Government of the Socialist Republic of Vietnam.
6. Tran Anh Tuan, Vu Pham Quynh Huong, Nguyen Thi Phi Yen (2021), Challenges and opportunities for the development of infrastructure after ODA "graduation”- Moving towards sustainable development: Case study of Vietnam.
7. OECD (2014), An outlook on ODA graduation in the post-2015 era.
8. Noel González Segura, Xiaojing Mao, Karen Van Rompaey (2020), Implications, challenges and opportunities of ODA graduation for countries in transition.
9. Nguyễn Thanh Cai, Nguyễn Minh Hải (2022), Tác động của đầu tư vốn ODA đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1993 - 2020.
10. Susan Horton (2019), Financing the Sustainable Development Goals.
11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Tổng quan về ODA và vốn vay ưu đãi.

ThS. Lương Hoàng Phương Thảo, ThS. Ngô Hồng Hạnh 
Đại học Phenikaa
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục