Một 'đại gia' địa ốc miền Nam vỡ kế hoạch thanh toán trái phiếu

(Banker.vn) Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu NVLH2224005 và NVLH2123009.

Nợ lãi hơn 3 tỷ đồng, một doanh nghiệp bất động sản xin 'khất'

Tính đến thời điểm công bố thông tin, Novaland chưa thanh toán lãi 26,5 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2224005; chưa thanh toán lãi hơn 53 tỷ đồng và gốc 1.000 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2123009. Novaland cho biết việc chậm trễ này do doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán.

Được biết, lô trái phiếu NVLH2224005 có giá trị 500 tỷ đồng, được Novaland phát hành vào ngày 16/2/2022 và đáo hạn vào ngày 16/2/2024.

Còn lô trái phiếu NVLH2123009 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng do Novaland phát hành vào ngày 12/8/2022 và đáo hạn vào ngày 12/2/2023 (kỳ hạn 18 tháng), có lãi suất cố định 10,5% mỗi năm và 6 tháng trả lãi một lần, được bảo đảm bằng cổ phần Novaland thuộc sở hữu của bên thứ ba.

Novaland chậm trả trái phiếu
Thời gian qua, Novaland và nhiều đơn vị liên quan chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản liên quan đến Novaland cũng liên tục chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu. Gần đây nhất là Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú xin "khất nợ" số tiền lãi hơn 3 tỷ đồng của lô trái phiếu GPRCH2123001 trị giá 250 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 5,25 triệu cổ phiếu NVL của Novaland.

Trước đó, một công ty khác thuộc hệ sinh thái Novaland là CTCP Nova Final Solution cũng chậm thanh toán cho lô trái phiếu NOVA Final Solution.Bond.2019 với số tiền lãi gần 36 tỷ đồng, với lý do chưa thu xếp kịp nguồn vốn.

Hay Công ty CTCP Fuji Nutri Food (FNF) chậm thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu FNFCH2223001 có tổng giá trị huy động 1.000 tỷ đồng. Ngày thanh toán lãi cho lô trái phiếu này theo kế hoạch là 12/2/2023, với số tiền hơn 25 tỷ đồng, do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán, công ty dời kế hoạch dự kiến thanh toán sang ngày 20/2/2023.

Trong một diễn biến liên quan, năm 2023, Novaland dự định sẽ phát hành cổ phiếu ESOP. Có thể nói đây là động thái mang tính "chữa cháy" trong bối cảnh căng thẳng về dòng tiền. Bởi tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản tổ chức ngày 17/2 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn cho biết công ty có 25.000 tỷ đồng "đóng băng" tại ngân hàng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng dư nợ vay của Novaland đạt đạt 64.576 tỷ đồng, tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó vay nợ ngắn hạn tăng 6.400 tỷ đồng (lên 25.500 tỷ đồng) và vay nợ dài hạn giảm khoảng 2.400 tỷ đồng (xuống 39.060 tỷ đồng).

Cơ cấu nợ vay của công ty bao gồm nợ ngân hàng 11.019 tỷ đồng, nợ phát hành trái phiếu 44.169 tỷ đồng và vay bên thứ ba là 10.079 tỷ đồng. Đối với các khoản vay ngân hàng, Novaland còn dư nợ gần 3.400 tỷ đồng vay ngắn hạn và hơn 7.600 tỷ đồng vay dài hạn.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội cho Novaland vay 3.100 tỷ đồng nợ dài hạn và 150 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Ngân hàng Công Thương Việt Nam có dư nợ dài hạn 1.956 tỷ đồng và dư nợ ngắn hạn 212 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải có dư nợ dài hạn 1.050 tỷ đồng và dư nợ ngắn hạn 500 tỷ đồng. Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) có dư nợ vay dài hạn hơn 337 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng còn dư nợ vay ngắn hạn hơn 205 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam có dư nợ ngắn hạn 157 tỷ đồng…

Ngoài ra Novaland còn khoản vay Credit Suisse AG chi nhánh Singapore hơn 1.900 tỷ đồng ngắn hạn; Vietnam Joint Stock Commercia hơn 474 tỷ đồng dài hạn; Maybank International Labuan Brach hơn 474 tỷ đồng, Deutsche lnvestitions-und Entwicklungsgesellschaft mbH hơn 304 tỷ đồng, The Hongkong and Sanghai Bankong gần 190 tỷ đồng ngắn hạn…

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán