MB lãi 14.500 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm, tăng 45% so với cùng kỳ (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động ngân hàng mẹ đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 36% so với cùng kỳ. Thu thuần từ dịch vụ tăng chậm (6% so với cùng kỳ) với phí từ hoạt động tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp giảm và thu thuần từ bảo hiểm giảm.
Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ 8 tháng đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 45% so với con số gần 10.000 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Tổng lợi nhuận 8 tháng của các công ty con đạt gần 2.000 tỷ đồng, trong đó MCredit đạt gần 800 tỷ đồng.
Về tổng thể, VDSC lạc quan với triển vọng tăng trưởng tổng thu nhập của MBB nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng thuộc hàng cao trong ngành và khả năng mở rộng NIM.
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng của MB đạt 17% so với đầu năm, trên tổng hạn mức được cấp 18,2%, trong đó 50% hạn mức mới (3,2%) được phân bổ cho phân khúc khách hàng cá nhân phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh và mua nhà.
NIM của ngân hàng tiếp tục cải thiện trong tháng 7 và tháng 8 nhờ ngân hàng kiểm soát chi phí huy động và tập trung cho vay các khách hàng và ngành nghề có khả năng trả lãi suất cao. Trong hai tháng đầu quý III, chi phí huy động ổn định trong khi lợi suất cho vay toàn hàng tăng 0,1 điểm % so với quý II.
"Việc tăng phát hành trái phiếu trung hạn và dài hạn từ đầu tháng 4 đã và sẽ giúp MB giảm áp lực huy động từ khách hàng trong giai đoạn lãi suất tăng từ đầu năm đến nay và có xu hướng tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm," báo cáo của VDSC viết.
(Nguồn: VDSC) |
Mặt khác, đợt nới trần lãi suất tiền gửi trong tháng 9 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã làm giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MB từ 45% cuối quý II về 43% cuối tháng 8.
Với dự báo lãi suất huy động trong các tháng cuối năm sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, ban lãnh đạo ngân hàng nhận định sự suy giảm tỷ lệ CASA sẽ rõ ràng hơn trong các tháng tiếp theo. Do đó, NIM trong 6 tháng đến 1 năm tới có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang, do kỳ tái định lãi suất trung bình 3 đến 6 tháng tùy khoản vay.
Về dài hạn, NIM sẽ tiếp tục tăng nhờ tỷ lệ cho vay/huy động còn thấp, tỷ trọng cho vay bán lẻ tăng và cho vay mua nhà tăng. MB đặt mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ từ 34% hiện nay lên 50-55% trong các năm tới.
VDSC cũng đồng quan điểm với ngân hàng về khả năng thu nhập phí trong các tháng cuối năm có thể tiếp tục suy yếu. Nguyên nhân do Nghị đinh 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ ít nhiều làm giảm doanh số tư vấn phát hành và phân phối TPDN.
Đồng thời, mảng bảo hiểm, vốn đóng góp đến 70-80% thu nhập phí hàng năm, sẽ bị giới hạn tăng trưởng theo hạn mức tín dụng do hợp đồng bảo hiểm thường được bán kèm hợp đồng vay.
Nhóm phân tích cho rằng thị trường chứng khoán giảm điểm cũng ảnh hưởng tâm lý khách hàng mua bảo hiểm liên kết đầu tư, sản phẩm đóng góp chính vào doanh số thị trường bảo hiểm nhân thọ và tăng trưởng cao nhất trong hai năm thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ vừa qua. Biên lợi nhuận thu nhập từ bảo hiểm cũng giảm do tăng chi phí bán hàng.
Tỷ lệ nợ xấu tăng trong nửa đầu năm do tốc độ phục hồi không đồng đều giữa các phân khúc và có thể do độ trễ ở mảng tài chính tiêu dùng. Bối cảnh kinh tế vĩ mô có chiều hướng xấu đi sẽ tạo áp lực tăng tỷ lệ nợ xấu lên tất cả các phân khúc nhưng nhiều nhất là ở nhóm SMEs (ngành nhà hàng khách sạn) và các khách hàng được cơ cấu nhưng chậm phục hồi trong các đợt dịch Covid trước đây.
Ban lãnh đạo MB dự kiến tỷ lệ nợ xấu toàn hàng của ngân hàng mẹ trong 6 tháng tới xấp xỉ 1% (quý II: 0,95%). Nợ cơ cấu giảm 23% từ 0,8% tổng dư nợ cuối quý II về 0,6% tổng dư nợ cuối tháng 8, hay giảm ròng 772 tỷ đồng, theo ước tính của nhóm phân tích. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối tháng 8 gần 200%, tiếp tục xu hướng đi xuống của hai quý đầu năm và dường như phản ánh kỳ vọng của MB về khả năng phục hồi của nợ cơ cấu.
Nợ xấu ở mảng cho vay tiêu dùng Mcredit là yếu tố cần lưu ý. Đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì tương đương mức thông thường là 6,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 35% (cuối quý II: +29%). Xem xét tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng (nợ xấu tăng ròng trong quý trước khi xóa nợ) của Mcredit đã tăng liên tục trong hai quý gần nhất, định hướng giữ ổn định tỷ lệ nợ xấu của ban lãnh đạo cùng với lãi suất và lạm phát đều có xu hướng đi lên tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của nhóm khách hàng thu nhập thấp, VDSC cho rằng biên chi phí tín dụng của Mcredit sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác động lên chi phí tín dụng hợp nhất là không đáng kể do quy mô nhỏ của Mcredit (6% dư nợ hợp nhất).
Bên cạnh cho vay xây dựng và bất động sản chiếm 5,6% và 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 11% tổng tín dụng với 33% là trái phiếu bất động sản và 43% là trái phiếu năng lượng tái tạo. 53% trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong 3 năm tới trong khi con số này ở mảng năng lượng tái tạo chỉ là 2,3%, cho thấy áp lực đáng kể ở mảng bất động sản.
Mặc dù MB lạc quan về dòng tiền trả nợ khi tỷ lệ bán hàng của các dự án của các nhà phát hành trái phiếu trong danh mục của mình hiện đạt trên 80%, VDSC nhận thấy rủi ro về tiêu thụ của nhóm bất động sản (gián tiếp là xây dựng) sẽ tăng lên khi xét đến tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo (LTV) của phân khúc cho vay bất động sản khá cao tầm 70% và tỷ lệ nợ/thu nhập của khách hàng cá nhân vay mua nhà lên đến 70%, trong bối cảnh thu nhập của người mua nhà ít nhiều sẽ chịu tác động tiêu cực của bối cảnh vĩ mô.
Hoàng Quyên
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|