Mặt trái của thương mại điện tử và những giải pháp ngăn chặn để phát triển một cách lành mạnh

(Banker.vn) Bên cạnh những lợi ích to lớn, Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng bộc lộ nhiều tồn tại cần khắc phục để phát triển lành mạnh, bền vững.
Bộ Công Thương triển khai 5 giải pháp đưa thương mại điện tử “bứt tốc” Thu thuế qua sàn thương mại điện tử: Hành trình gian nan

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), qua điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm. 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 10,3 tỉ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Mặt trái của thương mại điện tử và những giải pháp ngăn chặn để phát triển một cách lành mạnh
Ảnh minh họa

Nhiều hình thức bán hàng qua mạng đã xuất hiện như bán qua facebook, zalo, … Việc bán hàng đa dạng bằng nhiều hình thức đã góp phần tích cực vào thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhất là hàng hóa của Việt Nam sản xuất. Tuy tăng trưởng nhanh, mạnh và mang lại nhiều lợi thế cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, nhưng theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thương mại điện tử có mặt trái của nó. Đó là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn, các trang mạng xã hội ngày càng nhiều.

Người tiêu dùng đôi lúc quá tin vào các quảng cáo tiếp thị không đúng mức, chỉ vì lợi nhuận của một bộ phận tổ chức cá nhân kinh doanh trên mạng đã bị thiệt hại về những hành động sai trái, lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn. "Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách".

Năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các đơn vị và địa phương phát hiện, bắt giữ 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 2.219 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 9,72% so với cùng kỳ); 61.057 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 20,55% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560,609 tỉ đồng (tăng 76,23% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.166 vụ/1.610 đối tượng.

Tuy vậy, kết quả trên chưa phản ánh hết được tình hình thực tế. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh: Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên nền tảng thương mại điện tử còn tiềm ẩn phức tạp. Trước tình hình được coi là khá nghiêm trọng trên, rõ ràng các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nội địa, cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sớm những hành vi buôn bán phi đạo đức, trái với lương tâm, xã hội vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, cần có những giải pháp cơ bản sau: Về phía các cơ quan quản lý chuyên ngành như: Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương. Công an kinh tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, … cần rà soát các văn bản quy định về hành nghề thương mại thông qua các nền tảng số, để bổ sung hoặc thay mới các quy định nhằm quản lý lĩnh vực này được chặt chẽ, minh bạch và kỉ cương hơn. Tổ chức điều tra nắm tình hình và kịp thời xử lý các vi phạm nhất là các tổ chức kinh doanh lớn.

Về các địa phương sở tại, mọi hoạt động của tổ chức cá nhân kinh doanh trên địa bàn phải được nắm vững ngay tại cơ sở để phối hợp các ngành, các cấp kịp thời xử lý những vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc.

Về phía các hiệp hội có liên quan đến thương mại điện tử như: Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, … cần chủ động nắm vững hoạt động của các hội viên trong lĩnh vực này để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm trong phạm vi điều lệ của mình.

Cuối cùng là công tác phối hợp và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành có liên quan đến hoạt động này sao cho nhịp nhàng, ăn khớp, hiệu quả nhằm góp phần ngăn chặn những mặt trái của hoạt động thương mại đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện nay nhằm lành mạnh hóa quan hệ mua bán trên thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Theo: Báo Công Thương