Mất gần 3 tỷ đồng vì đầu tư vào website thương mại điện tử giả mạo

(Banker.vn) Mới đây, thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang Thương mại điện tử Carousel có đường link www.carousell888.com.

Thời gian qua, Công an Thành phố Hà Nội đã cảnh báo nhiều về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia góp vốn, đầu tư bán hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nạn nhân bị mắc bẫy thủ đoạn này.

Mới đây thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang Thương mại điện tử Carousel có đường link www.carousell888.com.

Anh N (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn kết bạn từ một tài khoản facebook nữ giới. Sau khi trò chuyện, người này mời anh N cùng đầu tư bán hàng để hưởng hoa hồng trên website www.carousell888.com. Website có giao diện, tên miền giả mạo trang Thương mại điện tử Carousell của Singapo (www.carousell.sg) với các gian hàng đủ các loại sản phẩm.

Anh N được hướng dẫn mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do đối tượng cung cấp, khi có khách đặt hàng thì phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Thời gian đầu tham gia, đơn hàng có giá trị từ 1 -10 triệu đồng và có tiền hoa hồng trả về, anh N vẫn có thể rút tiền ra được.

Tuy nhiên, sau đó đơn hàng có giá trị và số lượng lớn hơn rất nhiều để anh N phải tiếp tục nạp thêm tiền thanh toán. Khi số tiền đạt đến con số hàng tỷ đồng, nạn nhân không thể rút tiền ra được, đối tượng sẽ móc nối nhau viện các lý do cần nâng cấp thành viên, đóng thuế, đóng phí hải quan… với mục đích để nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền thì mới rút ra được.

Mất gần 3 tỷ đồng vì đầu tư vào website thương mại điện tử giả mạo

Qua rà soát, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội xác định một số website giả mạo có cùng giao diện, cơ chế hoạt động tương tự như https://aiishopping.com/, https://quick-shoppings.com/, https://falshipping.com/, https://amazonworldwideshoppinga.com/, https://www.crossbordermall.shop/, https://amonzestarx.com/ nguy cơ tiếp tục được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang Thương mại điện tử giả mạo.

Cụ thể, cảnh giác khi nhận được lời mời kết bạn, trò chuyện của các tài khoản mạng xã hội không quen biết, kiểm tra kỹ thông tin nhân thân của chủ tài khoản bằng cách theo dõi lịch sử hoạt động của tài khoản thông qua hình ảnh đại diện (avatar) hoặc các hình ảnh, bài đăng trên tường cá nhân (đối tượng giả mạo thường mới thay đổi hình ảnh đại diện, đăng nội dung trong thời gian gần) hoặc lựa chọn thức liên lạc truyền thống như gọi điện, gặp mặt trực tiếp, gọi video để kiểm tra.

Khi quyết định đầu tư, cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của các sàn Thương mại điện tử thông qua hệ thống quản lý hoạt động Thương mại điện tử chính thức của Bộ Công thương tại website http://online.gov.vn. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân liên hệ cơ quan Công an gần nhất để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Một số phương thức lừa đảo qua sàn thương mại điện tử

Xu hướng mua sắm online đang trở nên phổ biến hơn, dần quen thuộc với nhiều người. Việc livestream bán hàng hiện nay đang trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở nhiều trường hợp lừa đảo đã giả mạo sàn giao dịch, thương hiệu lớn cũng như áp dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng online gây tổn thất cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần chế tài mạnh hơn nữa để đẩy lùi vấn nạn này trên thương mại điện tử.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), các trường hợp website lừa đảo giả mạo ví điện tử Momo; website ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); trang thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki; các doanh nghiệp lớn như: Công ty CP viễn thông FPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Lotte... ngày càng tăng cao. NCSC cũng nhận được hàng trăm phản ánh trường hợp lừa đảo từ người dùng về lừa đảo không gian mạng.

Một số phương thức lừa đảo phải kể đến như: Giả mạo các trang sàn giao dịch mua bán đầu tư tài chính, tiền ảo và cờ bạc trái phép. Đặc biệt, chiêu trò lừa đảo cộng tác viên, gửi tin nhắn để được tặng quà miễn phí, tuyển cộng tác viên đánh giá sản phẩm để kiếm tiền, làm việc online tại nhà.... bằng cách giả mạo thương hiệu các trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và nước ngoài nhắm đến đối tượng sinh viên đang đi học hoặc mới ra trường với những nội dung hấp dẫn để dẫn dụ đầu tư, làm cộng tác viên gây thiệt hại tài chính cho người dùng.

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu với các nội dung yêu cầu người dùng phải truy cập vào liên kết giả mạo, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và từ đó thực hiện hành vi đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu người dùng, lừa đảo.

Mặt khác, các chuyên gia cũng nêu ra một số trang web giả mạo mà người dùng tuyệt đối không truy cập như: la7168.com (giả mạo sàn thương mại điện tử Lazada); vebo1s.co, clmm.nl, giaitrimomo.net (giả mạo ví điện tử MoMo); shopee.ccooppcc.online (giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee); lottehanoi.com.vn (giả mạo website Lotte)...

Thực tế cho thấy, mặc dù báo chí liên tục đưa tin, cảnh báo và tuyên truyền những vụ lừa đảo trên không gian mạng vẫn đang còn tồn tại. Do vậy, để tránh trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dùng mạng cần nâng cao cảnh giác, không truy cập vào các trang web được nêu trên để tránh nguy cơ bị lừa đảo, mất tiền oan.

Hãy luôn cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền cũng như cung cấp thông tin cá nhân. Nâng cao nhận thức và kiến thức về an ninh mạng để bảo vệ bản thân và gia đình trước sự tấn công của tội phạm mạng. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mới và các biện pháp bảo vệ thông tin và quyền lợi cá nhân trên báo chí và các website chính thống.

Cảnh báo các hình thức tấn công mạng nổi bật năm 2024

Trước xu hướng tấn công mạng, Cục Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn về ...

Đặt đơn ảo trên sàn thương mại điện tử Shopee nhằm trục lợi, 4 đối tượng bị khởi tố

Với mục đích trục lợi mã giảm giá trên sàn thương mại điện tử Shopee, các đối tượng lừa đảo này tạo ra các giao ...

Giảm rác thải nhựa từ thương mại điện tử

Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng đã đặt ra thách thức đối với môi trường. Hướng tới thương mại điện tử xanh, cần ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục