Mặt bằng lãi suất giảm, cổ phiếu nhóm ngành nào được hưởng lợi?

(Banker.vn) Các nhà băng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán theo đó cũng được kỳ vọng hút mạnh dòng tiền...

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về việc giảm mặt bằng lãi suất. Văn bản nêu rõ, căn cứ diễn biến thị trường và lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, các quy định là về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Mặt bằng lãi suất giảm, cổ phiếu nhóm ngành nào được hưởng lợi?
Mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm nhanh được kỳ vọng kích hoạt dòng tiền từ kênh đầu tư tiền gửi sang các kênh đầu tư có rủi ro cao hơn, nhất là chứng khoán

Các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, nhà điều hành tiền tệ yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo trước đó của Quốc hội.

Các tổ chức tín dụng cũng cần tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc giảm lãi suất cho vay; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước; khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm nhanh được kỳ vọng kích hoạt dòng tiền từ kênh đầu tư tiền gửi sang các kênh đầu tư có rủi ro cao hơn, nhất là chứng khoán.

Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán nhận định, lãi suất giảm chưa tác động nhiều tới thị trường chứng khoán do đà giảm không nhiều, thời gian chưa đủ lâu, mặt bằng lãi suất thương mại vẫn ở mức cao và thị trường giai đoạn này chịu áp lực từ nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ, bao gồm: Khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng, rủi ro chính trị.

"Việc giảm lãi suất điều hành cần duy trì trong thời gian kéo dài, với mức độ giảm mạnh hơn thì tác động đến thị trường chứng khoán mới rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều yếu tố nằm ngoài chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng rất tiêu cực lên thị trường", Công ty CP Chứng khoán Vietinbank nhận định.

Nhóm ngành nào được hưởng lợi?

Nhận định về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2023, theo các chuyên gia, có hai chủ điểm đầu tư cơ bản cần phải quan sát là xu hướng giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và đầu tư công.

Trong xu hướng giảm lãi suất, ngân hàng là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Khi lãi suất điều hành giảm, chi phí huy động đầu vào giảm nhưng chi phí cho vay giảm với tốc độ thấp hơn sẽ giúp NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) tốt hơn.

Mặt khác, lãi suất giảm cũng sẽ kéo dòng tiền từ kênh vốn ngắn hạn quay lại thị trường. Vì thế, thời điểm hiện tại thích hợp cho việc giải ngân vào các cổ phiếu có nền tảng tốt.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Smart Invest chia sẻ, chứng khoán, đầu tư công, ngân hàng là các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm. Ông Tuấn cho biết, lãi suất hạ khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào việc thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại. Mặt khác, các thông tin tiêu cực nhất gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu, nên dòng tiền đang có xu hướng tìm đến các cổ phiếu tăng trưởng.

Với cổ phiếu chứng khoán, không doanh nghiệp chứng khoán nào thua lỗ trong quý đầu năm 2023. Giai đoạn khó khăn đã qua, kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu thời gian tới có triển vọng khả quan.

Về nhóm ngân hàng, các cổ phiếu “vua” đã có giai đoạn giảm sâu rồi lình xình kéo dài khi đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn, hoãn nợ đã giải tỏa phần nào nỗi lo này.

Cùng với đó, lãi suất điều hành giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các doanh nghiệp có khả năng tiếp tiếp cận được vốn tín dụng và duy trì sản xuất. Theo đó, nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng sẽ được cải thiện, nợ xấu được kiềm chế.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu đầu tư công mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kỳ vọng từ phía nhà đầu tư rất lớn, trong bối cảnh đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế năm 2023.

Các yếu tố gây ra sự trì trệ trong việc giải ngân đầu tư công đang dần được giải quyết, dòng tiền giải ngân từ nay cho đến cuối năm dự kiến sẽ tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp liên quan có nhiều việc làm, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Góc nhìn CTCK phiên 4/7: Thị trường biến động trong vùng 1.120 – 1.130 điểm

Thị trường biến động hẹp trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế quý 2/2023 lần lượt được công bố. VN-Index đóng cửa tăng 0,47% ...

TTCK tháng 7 sẽ lình xình đi ngang nhưng về trung và dài hạn vẫn là hồi phục

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV cho rằng, ở thời điểm hiện tại với ...

Nhận định chứng khoán ngày 4/7/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 4/7/2023. Tạp ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán