"Lướt sóng" cổ phiếu tăng nóng: Cẩn thận "mắc cạn"

(Banker.vn) Thanh khoản thị trường chứng khoán duy trì ở mức cao cùng tâm lý hào hứng của nhà đầu tư đang kéo cổ phiếu của nhiều nhóm ngành tăng mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý vẫn còn đó câu chuyện "đầu cơ"...

Tính từ cuối tháng 4 đến nay, chỉ số chính VN-Index đã tăng hơn 20%, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường duy trì đà tăng tốt nhất trên thế giới.

Ảnh minh họa

Cùng với đà tăng của thị trường chung, từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều mã cổ phiếu nhóm đầu tư công đã tăng giá mạnh như LCG (Lizen) tăng 97%, HHV (Đèo Cả) tăng 83%, C4G (Cienco4) tăng 55%, VCG (Vinaconex) tăng 40%,...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công (thép, vật liệu xây dựng) cũng ghi nhận diễn biến giá tích cực như KSB (Xây dựng Bình Dương), VLB (Xây dựng Biên Hòa), HPG (Hòa Phát),...

Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng thu hút dòng tiền quay trở lại và liên tục chứng kiến đà tăng nóng sau hàng loạt những thông tin hỗ trợ, mới đây nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra ngày 3/8 vừa qua.

Bên cạnh đó, một số dự án gần đây của các tập đoàn lớn đã bước đầu được tháo gỡ vấn đề pháp lý và được cho phép chào bán trở lại, giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn về triển vọng phục hồi của nhóm này trong giai đoạn tới.

Ví dụ như với NVL của Novaland, so với mức đáy lịch sử, hiện giá cổ phiếu này đã tăng lên đến trên 100%, từ dưới 10.000 đồng/cp lên trên 20.000 đồng/cp (phiên 10/8). Trước đó, ngày 24/7, cổ phiếu NVL cũng từng ghi nhận phiên giao dịch có khối lượng khớp lệnh kỷ lục khi các nhà đầu tư kỳ vọng tập đoàn bất động sản này sẽ phục hồi từ quý III/2023.

Hưởng lợi từ đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, cổ phiếu HTN (Hưng Thịnh Incons) cũng ghi nhận mức tăng khoảng 80% trong 5 tháng gần đây...

Cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng tăng giá mạnh nhờ hưởng lợi từ việc giảm lãi suất khiến nhu cầu vay margin của nhà đầu tư tăng cao, giúp thanh khoản cũng như điểm số thị trường tích cực, bởi đây là nhóm có hệ số beta cao với diễn biến thị trường.

Bên cạnh đó, xu hướng giá dầu tăng trở lại hay nguy cơ khủng hoảng lương thực đang dần xuất hiện khi một số quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo và tăng cường tích trữ trở thành động lực kéo giá cổ phiếu nhóm dầu khí và lương thực, thực phẩm đi lên mạnh mẽ trong những tuần qua.

Cẩn thận "mắc cạn"

Tuy nhiên, trước đà tăng mạnh của hầu hết các nhóm ngành, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trước một số nhóm cổ phiếu mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn.

Với riêng cổ phiếu ngành lúa gạo, trong một tháng trở lại đây, các cổ phiếu nhóm này đã tăng rất mạnh, thậm chí tăng bằng lần, trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp không mấy khả quan.

Như với AGM của Xuất nhập khẩu An Giang, dù đang bị hạn chế giao dịch nhưng kể từ ngày 24/7 đến phiên 8/8, cổ phiếu này đã có 12 phiên tím trần, đưa thị giá lên 12.650 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 100% sau một tháng.

Cùng thời điểm cổ phiếu VSF (Vinafood 2) cũng có chuỗi tăng giá kéo dài tới 10 phiên, trong đó 9 phiên tăng hết biên độ (14,97%) và 1 phiên gần hết biên độ (14,06%). Nhờ đó, thị giá cổ phiếu này tăng gần gấp 4 lần, từ vùng giá dưới 8.000 đồng lên mức 37.400 đồng/cp, xác lập mức giá cao nhất kể từ khi được niêm yết vào cuối tháng 4/2018.

Ngoài ra, NAF của Công ty CP Nafoods Group cũng tăng 17% kể từ đầu tháng 7. Còn TAR của Công nghệ cao Trung An đã tăng 40%, lên mức 22.200 đồng/cp - tương đương vùng giá vào tháng 9/2022 hay như LTG của Lộc Trời với mức tăng hơn 30% lên vùng 39.400 đồng/cp.

Thế nhưng, khi tâm lý hưng phấn của các cổ đông đang dần lên cao, cổ phiếu VSF và AGM bất ngờ quay đầu giảm sàn 3 phiên liên tiếp bắt đầu từ phiên 9/8. Chỉ sau 3 phiên giao dịch, cổ đông của Vinafood 2 đã lỗ khoảng 50% giá trị, còn cổ đông của Xuất nhập khẩu An Giang lỗ 13,5%.

Nhận xét về cổ phiếu ngành lúa gạo, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhóm cổ phiếu này thường bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, mà cụ thể là giá gạo thời gian gần đây tăng rất mạnh. Do đó, ngành gạo Việt Nam nói chung và cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết nói riêng được kỳ vọng hưởng lợi. Dù vậy, chuyên gia này nhận định đà tăng của nhóm cổ phiếu gạo mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường cũng chỉ mang tính chu kỳ trong thời gian ngắn.

"Cổ phiếu nhóm này hút dòng tiền khi doanh nghiệp "được mùa", và từ đó đón sóng cổ phiếu. Dù vậy sau giai đoạn này, cổ phiếu lúa gạo sẽ khó hút tiền từ nhà đầu tư vì chỉ số ROE của nhóm này thấp hơn nhiều so với các ngành khác", ông Minh nói.

Hay như đối với ngành bất động sản, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu, Chứng khoán Agriseco cho rằng, nhóm bất động sản có đà tăng khá tốt nhờ những thông tin về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, chuyên gia Agriseco không đánh giá cao về mặt triển vọng tăng giá trong trung và dài hạn của nhóm này mà đà tăng chủ yếu mang tính đầu cơ nhiều hơn. Một phần vì kết quả kinh doanh có thể sẽ chưa được cải thiện trong nửa cuối năm. Việc nhà đầu tư "đua lệnh" mua cổ phiếu có thể tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt với những doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án thấp. Ngược lại, đối với những cổ phiếu đầu ngành, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân một phần nhỏ tỷ trọng để đa dạng hóa danh mục...

Cổ phiếu TTH thoát diện cảnh báo từ 15/08, đà tăng nóng do đâu?

Trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu TTH bất ngờ tăng nóng và trở thành một hiện tượng trên sàn chứng khoán...

Sau đà tăng nóng, cổ đông ngoại thoái sạch vốn khỏi cổ phiếu lương thực

Theo thông báo mới nhất, Endurance Capital Vietnam Ltd đã bán khớp lệnh toàn bộ gần 1,5 triệu đơn vị, chính thức không còn là ...

"Hứng" sóng đầu tư công, PHC tăng dựng đứng, lãnh đạo cũng "nhanh tay" thoái vốn

Lãnh đạo Phục Hưng Holdings thoái vốn trong bối cảnh cổ phiếu PHC đã leo tới vùng đỉnh của năm 2023...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán