Lượng tồn kho tăng trở lại, giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh

(Banker.vn) Lượng tồn kho trên sàn tăng trở lại, đầu cơ tiếp tục bán mạnh và đồng USD neo ở mức cao cũng đang tác động tiêu cực tới giá cà phê.
Giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại do thời tiết không thuận lợi Giá cà phê xuất khẩu diễn biến trái chiều, cà phê Robusta giằng co Giá cà phê xuất khẩu suy yếu, dự báo tăng trở lại sau 2 tuần

Kết phiên giao dịch ngày đầu tuần 13/5, giá cà phê thế giới đồng loạt giảm khi thị trường đón nhận thêm thông tin nguồn cung mở rộng.

Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 giảm 41 USD/tấn, ở mức 3.399 USD/tấn, giao tháng 9/2024 giảm 36 USD/tấn, ở mức 3.326 USD/tấn.

Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 5,65 cent/lb, ở mức 195,5 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 5,35 cent/lb, ở mức 194,6 cent/lb.

Dữ liệu cho thấy, tồn kho cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe tính đến ngày 13/5 đã tăng lên mức cao nhất trong 5,5 tháng đạt 40.710 tấn. Trên sàn ICE Futures US, tồn kho cà phê Arabica đã tăng 9.852 bao so với cuối tuần trước, lên mức cao nhất trong 13 tháng, đạt 721.723 bao.

Trong phiên đầu tuần, cà phê 2 sàn giảm khá mạnh. Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận định, tồn kho trên sàn tăng là một trong những yếu tố kéo giảm giá cà phê. Hiện tồn kho Arabica lên mức cao nhất 15 tháng qua, trong khi Robusta ở mức cao nửa năm qua.

Nhưng ngay phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường đã có một phiên giảm đáng kể, mà theo nhận định của các chuyên gia, các yếu tố tồn kho trên sàn tăng, đầu cơ tiếp tục bán mạnh và đồng USD neo ở mức cao cũng đang tác động tiêu cực tới giá cà phê.

Thêm vào đó, những ngày qua, mưa liên tục xuất hiện nên nhiều vườn cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… ở một số tỉnh Tây Nguyên đã được "hồi sinh". Điều này làm vơi bớt mối lo ảnh hưởng tới sản lượng vụ tới.

Lượng tồn kho tăng trở lại, giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh
Tháng 4/2024, Việt Nam xuất khẩu 152.000 tấn cà phê Robusta, giảm đến 19,5% so với cùng kỳ năm trước

Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới trong tháng 4/2024 chỉ xuất khẩu 152.000 tấn, giảm đến 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia ước tính, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 300.000 tấn và phải chờ đến tháng 10 mới có nguồn thu hoạch mới bổ sung.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), dù giá cà phê đã giảm mạnh nhưng thực chất các thông tin cơ bản về cà phê trên thị trường vẫn thiên hướng hỗ trợ giá, đặc biệt trong dài hạn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng vẫn ở mức cao.

Giá cà phê trong nước ổn định trong phiên giao dịch đầu tuần, hiện dao động trong khoảng 100.000 - 101.000 đồng/kg.

Ngày 14/5, giá cà phê trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận từ trang giacaphe.com là ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg, tùy khu vực.

Trong tháng 4 giá cà phê tăng mạnh, có thời điểm chạm mức 125.000 – 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên trong 2 tuần đầu tháng 5, thị trường đang ghi nhận những phiên giảm giá.

Theo dữ liệu thị trường của Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong khoảng thời gian từ ngày 6 - 10/5, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giảm mạnh với mức giảm hơn 30.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Cụ thể, tại Đắk Lắk giá cà phê bình quân đạt 99.433 đồng/kg, giảm 33.380 đồng/kg, giảm 25,13% so với tuần trước đó. Còn tại Lâm Đồng, giá cà phê trung bình đạt 98.600 đồng/kg, giảm 33.780 đồng/kg, giảm 25,52% so với tuần trước.

Lý giải về điều này, theo Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê trong nước giảm mạnh do nguồn cùng cà phê thế giới được cải thiện khi Brazil vào vụ thu hoạch mới. Từ đó, khách hàng chuyển sang mua cà phê từ các nguồn cung từ nước này thay vì chỉ mua từ Việt Nam.

Hoạt động thu hoạch cà phê Robusta của Brazil đang diễn ra. Tuy nhiên, dự báo sản lượng cà phê giàu vị đắng của nguồn cung này có thể giảm 5-10% so với số liệu ban đầu. Hoạt động thu hoạch cà phê vụ hiện tại của Indonesia - quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai sau Việt Nam, đang được hoãn sang tháng 6, thay vì tháng 4 như mọi năm do quả cà phê chín muộn.

Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài FAS của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán rằng sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2023/24 của Brazil sẽ tăng +12,8% so với cùng kỳ lên 44,9 triệu bao do năng suất cao hơn và diện tích trồng tăng. FAS cũng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tại Colombia, nước sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ lên 11,5 triệu bao.

Thị trường cà phê thực cũng bắt đầu rút lui dần trên thị trường nội địa của Brazil. Loại cà phê Arabica có kết quả thử nếm tốt ở các vùng phía nam thuộc bang Minas Gerais, đã có giá hôm kết thúc tháng 4 nằm ở mức trung bình là 1.212 Real/bao sau khi đã đạt đỉnh giao dịch ở mức 1.340 Real/bao. Vào đầu tháng 5 giá vùng này xuống còn 1.170 Real/bao loại 60 kg, tức là tương đương với 229 USD mỗi bao. Mặc dù vậy, giá vẫn cao đáng kể so với các mốc trong lịch sử.

Hiệp hội những người trồng cà phê Colombia cho biết, sản lượng cà phê tháng 4 tại quốc gia này tăng vọt 31% so với cùng kỳ năm trước, lên 742.000 tấn. Tương tự, xuất khẩu tăng 8%, lên 780.000 tấn.

Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), tháng 4 xuất đi khoảng 4,6 triệu bao cà phê, với 3,5 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 27% so với cùng kỳ tháng trước.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục