Lương thực Lộc Nhân - Nhân tố mới của Lộc Trời (LTG), vừa tăng vốn 'thần tốc' từ 9 tỷ lên 1.068 tỷ đồng

(Banker.vn) Công ty CP Lương thực Lộc Nhân thực chất là pháp nhân mới toanh vừa được khai sinh vào ngày 29/7/2022. Vốn đăng ký sáng lập của Lương thực Lộc Nhân cũng gây bất ngờ lớn cho dư luận bởi giá trị quá thấp với 9 tỷ đồng.
Lương thực Lộc Nhân - Nhân tố mới của Lộc Trời (LTG), vừa tăng vốn 'thần tốc' từ 9 tỷ lên 1.068 tỷ đồng
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời

Sự bổ sung nhân lực cần thiết

Mới đây, Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời - UPCoM: LTG) thông báo trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Lương thực Lộc Nhân (Lương thực Lộc Nhân), qua đó đưa công ty này vào hệ sinh thái của tập đoàn.

Khởi đầu cho hoạt động chung này, Nông sản Lộc Trời và Lương thực Lộc Nhân cũng ký kết hợp tác cung ứng 500.000 tấn gạo cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1). Giá trị hợp đồng tương ứng 5.000 tỷ đồng, với mục đích đảm bảo đầu ra ổn định trong năm 2023.

Theo lời giới thiệu, Lương thực Lộc Nhân hiện có trên 400 nhân sự, sở hữu 3 nhà máy sản xuất với công suất sấy hơn 6.000 tấn lúa/ngày, doanh thu năm 2022 ước tính đạt gần 8.000 tỷ đồng. Lương thực Lộc Nhân cũng đã xây dựng mạng lưới đối tác khá rộng với các hợp đồng cung ứng đã ký cho năm 2023 lên tới 350.000 tấn gạo.

Nông sản Lộc Trời kỳ vọng, việc hợp tác giữa hai thương hiệu sẽ tạo ra mối liên kết với các doanh nghiệp lúa gạo trong nước mở rộng hơn, hướng đến mục tiêu nâng cấp chất lượng sản phẩm gạo đối với từng phân khúc khách hàng, đồng thời đáp ứng các tiêu chí của thị trường quốc tế.

Lương thực Lộc Nhân - Nhân tố mới của Lộc Trời (LTG), vừa tăng vốn 'thần tốc' từ 9 tỷ lên 1.068 tỷ đồng
Lễ ký kết hợp tác diễn ra ngày 8/12/2022 tại TP.HCM

Tập đoàn Lộc Trời nhận định, thông qua việc kết nạp thành viên mới, quy mô hoạt động của Nông sản Lộc Trời đã tăng từ 5 lên 8 nhà máy với công suất sấy lúa tươi đạt 12.000 tấn/ngày, lưu kho, xay xát lúa và xuất 6.000 tấn gạo hàng ngày tương ứng với 2 triệu tấn gạo/năm cùng đội ngũ nhân sự gần 900 người và mạng lưới đối tác tỏa rộng trong và ngoài nước.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: "Chúng tôi không ngừng cố gắng mở rộng, củng cố và hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời để tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo. Đây là thời điểm thuận lợi để Nông sản Lộc Trời trở thành cổ đông chiến lược của Lương thực Lộc Nhân nhằm khơi thông và mở rộng dòng chảy của nguồn cung nông sản".

Gần đây, Tập đoàn Lộc Trời mới ký thêm hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn, tổng hạn mức 100 triệu USD trong 3 năm. Nguồn vốn này dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao.

Hồi đầu năm, đại gia ngành nông nghiệp này cũng ký hợp đồng tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng với các ngân hàng trong nước để thực hiện đơn hàng 2 triệu tấn lúa. Gói vay vốn này đã được giải ngân gần hết, phần còn lại bị hạn chế do ảnh hưởng của siết tín dụng.

Cú tăng vốn 'thần tốc' của Lương thực Lộc Nhân

Như lời giới thiệu của Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Lương thực Lộc Nhân hiện có trên 400 nhân sự, sở hữu 3 nhà máy sản xuất với công suất sấy hơn 6.000 tấn lúa/ngày, doanh thu năm 2022 ước tính đạt gần 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp có mạng lưới đối tác khá rộng, các hợp đồng cung ứng đã ký cho năm 2023 lên tới 350.000 tấn gạo.

Tuy nhiên, khá ngạc nhiên khi Công ty CP Lương thực Lộc Nhân thực chất là pháp nhân mới toanh vừa được khai sinh vào ngày 29/7/2022. Vốn đăng ký sáng lập của Lương thực Lộc Nhân cũng gây bất ngờ lớn cho dư luận bởi giá trị quá thấp với 9 tỷ đồng, gần như phủ nhận toàn bộ lời quảng bá từ phía Tập đoàn Lộc Trời.

Phải đến giữa tháng 9/2022, tức cách đây khoảng 3 tháng, Lương thực Lộc Nhân mới bắt đầu đăng ký tăng vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 1.068 tỷ đồng. Song song với hành động tăng vốn "khủng", Lương thực Lộc Nhân đón các cổ đông mới là ông Trần Văn Cát (SN 1976) và bà Cao Thị Gọn (SN 1980) - hai cá nhân có cùng địa chỉ thường trú tại huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.

Cụ thể, ông Cát là người rót vào Lương thực Lộc Nhân số tiền 730 tỷ đồng, đổi lại sở hữu 68,35% vốn điều lệ; bà Gọn chi 329 tỷ đồng, nhận về lượng 30,81% cổ phần doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Lương thực Lộc Nhân với việc duy trì số vốn góp 9 tỷ đồng, đã lập tức bị giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% xuống còn... 0,84%.

Được biết, bà Cao Thị Gọn đang đứng tên tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Hiếu Nhân; ông Trần Văn Cát hiện còn làm chủ thương hiệu Nông nghiệp công nghệ cao Đại Tài, cũng đều hoạt động trong lĩnh vực bán buôn gạo với vốn điều lệ 300 tỷ đồng...

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán