Việc sử dụng nguồn kiều hối này với các mục đích khác nhau như tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, hoặc đưa vào sản xuất trực tiếp… đều góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. “Nguồn lực vàng” này được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh tăng gần 20%. Hình minh họa |
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Tính riêng quý II/2024, kiều hối chuyển về hơn 2,3 tỷ USD, tuy giảm 19,5% so với quý I/2024, nhưng vẫn tăng 4,2% so với quý II/2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân kiều hối tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, ông Nguyễn Đức Lệnh đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024.
“Kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, với môi trường chính trị ổn định của khu vực châu Á cùng thị trường lao động mở rộng và phát triển là những yếu tố quan trọng liên quan đến lao động, việc làm và thu nhập của kiều bào, người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Điều này đã tạo điều kiện thúc đẩy kiều hối duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ khu vực này trong những năm gần đây và trong những tháng đầu năm 2024”, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố thúc đẩy kiều hối tăng mạnh còn phải kể đến dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng, công ty kiều hối… ngày càng tốt hơn, theo hướng thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dùng.
Ngay tại TP Hồ Chí Minh, với các phương thức chi trả đa dạng, tiện lợi và hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng rộng khắp, dịch vụ thanh toán chuyển tiền nhanh chóng kịp thời, an toàn và tiện lợi. Người dân, khách hàng thụ hưởng có thể lựa chọn nhận kiều hối tại nhà, tại quầy giao dịch ngân hàng hoặc chuyển khoản tùy theo yêu cầu của khách hàng. Các tổ chức tín dụng và công ty kiều hối sẽ thực hiện chi trả và đáp ứng nhu cầu dịch vụ tốt nhất cho người dân và khách hàng.
Ngoài các yếu tố nêu trên, các cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về kiều hối, ngoại hối và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng là những cơ sở, nền tảng vững chắc thu hút nguồn kiều hối chuyển về thành phố trong thời gian qua.
Dòng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sắp có hiệu lực.
Đáng chú ý, trong lần thay đổi Luật lần này là việc công nhận các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của kiều bào hải ngoại nếu vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam. Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), điều này sẽ cho phép người có quốc tịch Việt Nam tại nước ngoài được đứng tên bất động sản, giúp giải quyết tình trạng khiếu kiện xảy ra khi lúc trước họ phải nhờ người nhà, người quen đứng tên giúp và phát sinh các trường hợp chiếm đoạt tài sản. Qua đó, tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư vào thị trường Việt Nam, tạo ra nguồn nhu cầu bất động sản mới.
"Lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh trong năm 2023 đã đạt mức kỷ lục trong vòng 6 năm gần đây với khoảng 8,9 tỷ USD (tăng 35% so với cùng kỳ). Khi các luật mới về bất động sản được thông qua, dòng kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ đem lại sức cầu mới cho thị trường trong nước", các chuyên gia MBS nhận định.
Với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định qua nhiều năm, riêng nửa đầu năm đạt 6,42%, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực Châu Á và thế giới, tỷ suất đầu tư theo đó cũng sinh lời cao hơn. Dòng kiều hối chảy về nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trên thực tế, kiều hối là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước. Vì vậy, việc sử dụng nguồn kiều hối này với các mục đích khác nhau như tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, hoặc đưa vào sản xuất trực tiếp… đều mang lại lợi ích và qua đó góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Với quy mô nguồn kiều hối chuyển về hằng năm, tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bình quân 6,9 tỷ USD/năm trong 5 năm qua, đây được xem là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập…, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Theo đó, một số giải pháp thu hút nguồn kiều hối cũng như sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối cần được quan tâm xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian qua và thời gian tới gồm: tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối, về thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Thực hiện tốt hoạt động này, không chỉ đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài.
Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, với định hướng và tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính (trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa…) để mang lại hiệu quả lớn hơn...
Hiện UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt Đề án thu hút nguồn kiều hối 2025 - 2030, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân của giai đoạn này hơn 10% mỗi năm. Đề án này hướng đến tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận kiều hối, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh định hướng phát triển hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài… Qua đó, tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm… thông qua việc đề xuất phát hành trái phiếu Thành phố.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|