Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi

(Banker.vn) Rửa tiền là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự an toàn và minh bạch của hệ thống tài chính tiền tệ và an ninh quốc gia. Hiện nay, với sự phát triển của môi trường số, sự hỗ trợ của công nghệ khiến hành vi rửa tiền ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia trong thời kì hội nhập quốc tế.
Tóm tắt: Rửa tiền là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự an toàn và minh bạch của hệ thống tài chính tiền tệ và an ninh quốc gia. Hiện nay, với sự phát triển của môi trường số, sự hỗ trợ của công nghệ khiến hành vi rửa tiền ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia trong thời kì hội nhập quốc tế. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 ra đời với vai trò là văn bản pháp lí toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền. Trải qua 10 năm triển khai thi hành, Luật này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành thay thế đã khắc phục được bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Bài viết tập trung phân tích một số điểm mới của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của Luật.

Từ khóa: Rửa tiền, một số điểm mới của Luật Phòng, chống rửa tiền, giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi.

SOME NEW POINTS OF THE ANTI-MONEY LAUNDERING LAW
AND SOLUTIONS TO IMPROVE ENFORCEMENT EFFICIENCY

Abstract: Money laundering is an act that endangers society, violates public order, affects the safety and transparency of the financial and monetary system and national security. Currently, with the development of the digital environment, the support of technology makes money laundering be more and more sophisticated, complex and difficult to control. Improving the effectiveness of money laundering prevention and combat is one of the top important goals of each country in the period of international integration. The Law on Anti-Money Laundering in 2012 was born as a comprehensive legal document regulating the prevention and combat of money laundering. After 10 years of implementation, the Law has achieved many remarkable achievements, however, the Law also revealed some limitations and is no longer consistent with reality. Therefore, the new Anti-Money Laundering Law 2022 has overcome the shortcomings of the 2012 Law, contributing to perfecting the law on prevention and combat of money laundering. The article focuses on analyzing some new points of the Anti-Money Laundering Law 2022, thereby proposing some solutions to improve the enforcement efficiency of the Law.

Keywords: Money laundering, some new points of the Law on Anti-Money Laundering, solutions to improve enforcement efficiency.
 
1. Đặt vấn đề

Rửa tiền - mối nguy hiểm được xem là vấn nạn toàn cầu hiện nay. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, do đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sự minh bạch, an toàn của hệ thống tiền tệ, gây tác động xấu đến mối quan hệ quốc tế và hoạt động đầu tư nước ngoài, đồng thời đe dọa đến an ninh hòa bình thế giới. Đặc biệt, trong môi trường kinh tế số hiện nay, tội phạm rửa tiền ngày càng nhiều, cách thức và phương tiện rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, đa dạng và quy mô hơn. Chính vì thế, việc tạo ra một hành lang pháp lí vững chắc phục vụ cho công cuộc phòng, chống rửa tiền là vô cùng cần thiết, góp phần lớn vào việc ngăn chặn, kiểm soát và xử lí hiệu quả các hành vi rửa tiền tại Việt Nam, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho hoạt động của thị trường tiền tệ, đồng thời đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ các chuẩn mực và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam tham gia. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 ra đời đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế về công tác phòng, chống rửa tiền. Hơn thế nữa, việc ban hành Luật này đã tạo cơ sở pháp lí cho việc đàm phán, kí kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế, góp phần ngăn chặn kịp thời tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia1. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa cập nhật, chưa phù hợp và chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Tại kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023. Luật này đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, phù hợp và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.
 

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền (Nguồn ảnh: Internet)

2. Một số điểm mới của Luật Phòng, chống rửa tiền

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành là thành quả quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về tham nhũng, rửa tiền2. Bên cạnh đó, Luật được ban hành đúng thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng phát triển rất mạnh mẽ, do vậy, việc Luật ra đời trong thời điểm này được giới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kì vọng sẽ giảm thiểu đáng kể các rủi ro đến từ các tội phạm công nghệ3. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có kết cấu bao gồm 4 Chương, 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật quy định cụ thể, hoàn chỉnh hơn và có một số nội dung mới nổi bật sau:

Thứ nhất, về vấn đề hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, Luật bổ sung thêm nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin tại khoản 1 Điều 6. Theo đó, việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Quy định này nhằm hỗ trợ, đáp ứng linh hoạt, kịp thời các tình huống cấp thiết của thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy tìm và xử lí triệt để tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia, đồng thời cải thiện quan hệ giữa các quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống các hành vi rửa tiền trái pháp luật, bảo đảm cho sự ổn định của thị trường tiền tệ, bảo vệ hòa bình an ninh thế giới. Bên cạnh đó, việc thực hiện nguyên tắc này cũng thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, thiện chí của Việt Nam đối với công cuộc phòng, chống rửa tiền đối với sự an toàn của cộng đồng.

Thứ hai, Luật bổ sung tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là đối tượng báo cáo. Theo đó, các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện hoạt động có phát sinh rủi ro về rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 không có điều luật riêng về đối tượng báo cáo, chỉ quy định ở các khoản trong điều luật giải thích từ ngữ. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định riêng nội dung này ở Điều 4, với hai khoản quy định cho hai đối tượng phải báo cáo. Nhà làm luật bổ sung đối tượng tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ) nhằm thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, cụ thể và hoàn chỉnh các quy định pháp luật về đối tượng báo cáo, dễ dàng hơn trong quá trình áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định với đối tượng cung ứng môi giới chứng khoán và bỏ quy định với các đối tượng quản lí danh mục vốn đầu tư; quản lí tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, Luật cũng sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo như các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng... phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế4. Để bao quát cả các hoạt động có thể phát sinh trong tương lai, Chính phủ được quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.

Thứ ba, bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, công tác đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được thực hiện như sau: Định kì 5 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá, việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền; đồng thời, các bộ, ngành có trách nhiệm phổ biến kết quả trong nội bộ, cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lí của bộ, ngành mình gửi NHNN; trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, NHNN tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật. Các vấn đề như nguyên tắc đánh giá rủi ro, tiêu chí đánh giá và phương pháp đánh giá được quy định cụ thể tại Nghị định số 19/2023/NĐ-CP. Có thể thấy, hoạt động đánh giá rủi ro có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Đây là cơ hội để Việt Nam đánh giá đúng thực trạng sau một khoảng thời gian, xác định được điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, bất cập tồn tại trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của mình để từ đó có những biện pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo sự phát triển ổn định, lành mạnh cho nền kinh tế quốc dân. Việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền đồng thời cũng đáp ứng khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương.

Thứ tư, quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng trong biện pháp phòng, chống rửa tiền. Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi và bổ sung tên gọi của các đối tượng khách hàng, cụ thể là: Khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người Việt Nam, khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, khách hàng cá nhân là người có từ hai quốc tịch trở lên, khách hàng cá nhân là người không quốc tịch và khách hàng là tổ chức. Luật hiện hành đặc biệt chú trọng đến thông tin nhận diện đối tượng khách hàng là người nước ngoài, bởi trên thực tế có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc và đầu tư ở Việt Nam, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau và rất khó để biết được mục đích của họ. Do đó, việc quy định rõ ràng về đối tượng này là cần thiết, chúng ta có thể kiểm soát được các giao dịch của họ, sàng lọc, đề phòng khả năng họ thực hiện hành vi rửa tiền. Đối tượng báo cáo phải thu thập thông tin nhận dạng khách hàng, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và mục đích, bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo. Ngoài ra, Luật còn sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh qua giới thiệu và quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác. Về đối tượng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo, theo đó, đối tượng báo cáo phải rà soát các nguồn thông tin, thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ nếu cần thiết. Việc thu thập thông tin nhận biết khách hàng cần phải thực hiện đúng mục đích phục vụ cho công cuộc phòng, chống rửa tiền, ngân hàng phải đảm bảo bảo mật thông tin cho khách hàng, phải gây được lòng tin trong xã hội thì mới nhận được sự ủng hộ và hợp tác của người dân.

Thứ năm, Luật bổ sung 9 dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Bên cạnh việc bổ sung tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là đối tượng báo cáo, Luật cũng bổ sung dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực này tại Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Điều luật quy định tập trung vào hoạt động giao dịch trên ví điện tử có dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến rửa tiền như có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử, ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường, các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP,...1 Hiện nay, với sự phát triển của chuyển đổi số, hầu như ai cũng sử dụng ứng dụng ví điện tử trong hoạt động hằng ngày rất thường xuyên, do đó, lĩnh vực trung gian thanh toán cũng có khả năng trở thành nơi để các tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền. Chính vì thế, việc bổ sung thêm quy định này là phù hợp, đáp ứng với thực tiễn, giúp tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có cơ sở để theo dõi, đánh giá những hành vi có dấu hiệu đáng ngờ, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền.  

Thứ sáu, Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Điều 30 và 31 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Các quy định về hai lĩnh vực này đa phần được các nhà làm luật giữ lại từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, chỉ sửa đổi tên gọi và bổ sung cho đầy đủ, trọn vẹn, phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể: Đối với lĩnh vực chứng khoán, Luật bổ sung hành vi “thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam” tại khoản 3 Điều 31, thay dấu hiệu tại điểm b khoản 5 Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 thành dấu hiệu “nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam” tại khoản 8 Điều 31; đối với lĩnh vực bảo hiểm, Luật sửa đổi tên điều khoản, thu hẹp phạm vi thành “kinh doanh bảo hiểm nhân thọ” thay vì phạm vi “kinh doanh bảo hiểm” như Luật năm 2012, đồng thời quy định kĩ hơn các dấu hiệu đáng ngờ ở lĩnh vực này. Việc sửa đổi, bổ sung các dấu hiệu này là cần thiết, đáp ứng thực tiễn về lĩnh vực chứng khoán và kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Nhìn chung, với một số điểm mới nổi bật và các quy định được sửa đổi, bổ sung cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã hoàn thiện hơn trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục được các vướng mắc, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống rửa tiền hiện nay. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng các khuyến nghị của FATF và APG và nhu cầu thực tiễn trong nước về hoạt động phòng, chống rửa tiền, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tương lai.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được ban hành với mục đích góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung6. Để Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 phát huy tối đa vai trò và giá trị của mình của mình, đồng thời, để pháp luật phòng, chống rửa tiền có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi như sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Trên cơ sở Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, cần ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn cụ thể thi hành các quy định của pháp luật, đồng thời rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật không còn phù hợp. Ngoài ra, cần thực hiện đánh giá hiệu quả thực thi của Luật hằng năm để biết được mức độ ảnh hưởng và hiệu quả thực hiện của Luật trong cuộc sống, đảm bảo các quy định về hoạt động phòng chống, rửa tiền luôn cập nhật và nhận diện trong thực tiễn. Trên thực tế, dưới sự phát triển của môi trường số, số lượng tội phạm rửa tiền ngày càng nhiều, tinh vi hơn do có sự hỗ trợ từ công nghệ, quy mô xuyên quốc gia nên rất khó khăn, phức tạp trong việc truy tìm và xử lí triệt để các hành vi rửa tiền. Chính vì thế, Nhà nước cần chủ động tăng cường ngoại giao, hợp tác quốc tế về hoạt động phòng, chống rửa tiền, có mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa với các quốc gia khác trên thế giới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lí các tội phạm rửa tiền. Đồng thời, chúng ta cũng nên tham gia kí kết các điều ước quốc tế và các tổ chức về phòng, chống rửa tiền để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống rửa tiền trên toàn cầu, đảm bảo sự minh bạch, an toàn cho thị trường tài chính thế giới, bảo vệ an ninh hòa bình của nhân loại.

Hai là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc tuân theo pháp luật của chủ thể trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Việc thực hiện các hoạt động này thường xuyên sẽ giúp chúng ta kịp thời phát hiện những hành vi đáng ngờ, có thể là nguồn gốc, mầm mống cho hành vi rửa tiền sau này, đồng thời, cũng hỗ trợ kịp thời cho các chủ thể trong trường hợp họ gặp những khó khăn trong công tác phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, điều tra tài chính của các ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức phi tài chính,... để đảm bảo sự an toàn, minh bạch của hệ thống tiền tệ. Các chủ thể là tổ chức cần giám sát chặt chẽ, kiểm tra nội bộ, đề ra những biện pháp thiết thực nhằm nâng cao ý thức của mỗi cá nhân trong tổ chức, bởi lẽ hành vi rửa tiền có thể được thực hiện bởi người thứ ba là nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính,... hoặc biết nhưng không báo cáo, tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội.

Ba là, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến phòng, chống rửa tiền như NHNN (trực tiếp là Cục Phòng, chống rửa tiền - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên nhà nước trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên sâu, đào tạo ra một đội ngũ có năng lực. Muốn đưa pháp luật vào cuộc sống của người dân thì trước tiên, các cán bộ, công chức, viên chức phải là những người tuân thủ nghiêm pháp luật để nêu gương cho người dân, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Cuối cùng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân, tổ chức cùng tham gia vào công cuộc phòng, chống rửa tiền. Đấu tranh phòng, chống rửa tiền không phải là nhiệm vụ riêng lẻ của một cá nhân, một tổ chức hay chỉ riêng của Nhà nước mà là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần sự phối hợp chặt chẽ toàn dân, các bộ, ngành và mọi lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều người không biết, không hiểu rửa tiền là gì và tác động xấu của hành vi này đối với sự an toàn của nền kinh tế và an ninh xã hội. Do đó, chúng ta cần phải phổ cập kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho người dân, giúp mọi người hiểu rõ tác hại, rủi ro của rửa tiền, tài trợ khủng bố, vũ khí hủy diệt...; khuyến khích người dân tố giác tội phạm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm, đồng thời, xử lí nghiêm các hành vi rửa tiền để răn đe, giáo dục nhằm phòng, chống rửa tiền, từ đó thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ pháp luật. Khi có sự phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, công cuộc phòng, chống rửa tiền sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao.

4. Kết luận

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền, là cơ sở quan trọng để Việt Nam đàm phán, thiết lập hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền với các quốc gia trên thế giới. Hoạt động phòng, chống rửa tiền được tăng cường sẽ thúc đẩy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, qua đó giảm thiểu các hoạt động tội phạm, gian lận thuế, tham nhũng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo lập môi trường xã hội an toàn, tạo điều kiện cho hội nhập, hợp tác quốc tế7. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội, có như thế, công cuộc phòng, chống rửa tiền mới đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo sự minh bạch và toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu, bảo vệ hòa bình an ninh thế giới.
 
1 Lê Anh - Vũ Hà (2022), Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Khắc phục thiếu hụt về cơ sở pháp lí so với các khuyến nghị của FATF, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 01/6/2023>.
Nguyễn Thị Minh Thơ (2023), Công tác phòng, chống rửa tiền: Những dấu ấn trong năm 2022, NHNN, truy cập ngày 01/6/2023, <https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV559815&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=20406369259558023#%40%3F_afrLoop%3D20406369259558023%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV559815%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D45x4sl5a1_9>.
Chí Tín (2022), Luật Phòng, chống rửa tiền: Tạo nền tảng pháp lí vững vàng cho thị trường tiền tệ hoạt động lành mạnh hơn, Trang thông tin điện tử về tài sản công, truy cập ngày 01/6/2023, <https://taisancong.vn/luat-phong-chong-rua-tien-tao-nen-tang-phap-ly-vung-vang-cho-thi-truong-tien-te-hoat-dong-lanh-manh-hon-17684.html>
4 Bảo Yến (2022), Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022: Tạo cơ sở pháp lí để rà soát, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền đối với các hoạt động mới phát sinh, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 01/6/2023, <https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=71210>.
Xem thêm ở Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn (2022), Tài liệu giới thiệu, phổ biến Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Phòng Tư pháp, truy cập ngày 01/6/2023, <https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-ubnd/5344/Phongtuphap2023/6.-tai-lieu-gioi-thieu-luat-phong-chong-rua-tien-nam-2022.pdf>.
Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn (2022), Tài liệu giới thiệu, phổ biến Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Phòng Tư pháp, truy cập ngày 01/6/2023, https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-ubnd/5344/Phongtuphap2023/6.-tai-lieu-gioi-thieu-luat-phong-chong-rua-tien-nam-2022.pdf

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
2. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022.
3. Lê Anh - Vũ Hà (2022), Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Khắc phục thiếu hụt về cơ sở pháp lí so với các khuyến nghị của FATF (Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 01/6/2023).
4. Chí Tín (2022), Luật Phòng, chống rửa tiền: Tạo nền tảng pháp lí vững vàng cho thị trường tiền tệ hoạt động lành mạnh hơn (Trang thông tin điện tử về tài sản công, truy cập ngày 01/6/2023, https://taisancong.vn/luat-phong-chong-rua-tien-tao-nen-tang-phap-ly-vung-vang-cho-thi-truong-tien-te-hoat-dong-lanh-manh-hon-17684.html
5. Nguyễn Thị Minh Thơ (2023), Công tác phòng, chống rửa tiền: Những dấu ấn trong năm 2022, (truy cập ngày 01/6/2023 Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn (2022), Tài liệu giới thiệu, phổ biến Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, (truy cập ngày 01/6/2023, https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-ubnd/5344/Phongtuphap2023/6.-tai-lieu-gioi-thieu-luat-phong-chong-rua-tien-nam-2022.pdf
6. Bảo Yến (2022), Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022: Tạo cơ sở pháp lí để rà soát, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền đối với các hoạt động mới phát sinh (Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 01/6/2023, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=71210
 
ThS. Trần Linh Huân, Lê Thị Châu Giang
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Theo: Tạp chí Ngân hàng