Lựa chọn cổ phiếu ngân hàng: Nhiều yếu tố được đặt lên "bàn cân"

(Banker.vn) Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận...

Năm 2022, ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ với mức tăng trưởng đạt 33,7%, tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 20% và 30% nếu so với kết quả kinh doanh năm 2021. Mức tăng trưởng ấn tượng còn được thể hiện qua những con số tài chính như: tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20,1% nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (tăng 14,2%); NIM mở rộng tăng 20 điểm cơ bản và đạt 3,8%; thu nhập từ phí tăng 14,6%; tỷ lệ chi phí hoạt động/TOI (CIR) đạt 33,6% (tương đương năm 2021); chi phí dự phòng giảm 0,7%.

Lựa chọn cổ phiếu ngân hàng: Nhiều yếu tố được đặt lên

Đáng chú ý là tỷ lệ chi phí tín dụng đạt 1,5% so với mức 1,7% trong 2021 do các NH đã có khả năng giảm “bộ đệm” dự phòng dày dặn sẵn có để đối phó với rủi ro nợ xấu gia tăng.

Thêm nữa, diễn biến giá cổ phiếu trong giai đoạn này đã phần nào cho thấy diễn biến chất lượng tài sản là yếu tố then chốt đối với giá cổ phiếu ngân hàng. Bởi đặc thù về giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận.

Thông thường, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Có thể lấy dẫn chứng từ diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành này cách đây 2 năm để minh chứng cho nhận định nêu trên.

Thời điểm nửa cuối năm 2021, nhà đầu tư đã có sự lo ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng hậu đại dịch Covid-19. Theo đó giá cổ phiếu toàn ngành có sự sụt giảm nhẹ 3% mặc dù lợi nhuận cả năm 2021 vẫn tăng 30%.

Sang năm 2022, những sóng gió của ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại một lần nữa dấy lên những lo ngại về chất lượng tài sản và chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực khi giảm 22%, bất chấp lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng mạnh 33,7%.

Bài toán nợ xấu

Từ thực tế nêu trên, có thể khẳng định, một khi rủi ro về nợ xấu được giải quyết thì cổ phiếu sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Và câu hỏi được giới đầu tư đặt ra lúc này là khi nào ngành ngân hàng giải quyết được bài toán nợ xấu?

Báo cáo phân tích mới nhất về ngành ngân hàng của CTCK VNDirect (VNDS) đã phần nào đưa ra được lời giải cho bài toán này. Theo đó, ngành ngân hàng là ngành phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô, và khi các chỉ báo vĩ mô trở nên lạc quan hơn cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Tuy nhiên, khó khăn của ngành BĐS và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được giải quyết và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu thông qua hàng loạt những tín hiệu.

Đầu tiên chúng ta phải quay về lại quá khứ cách đây 3 năm. Ở thời điểm đó, mặc dù không có "quy định/văn bản chính thức" nào liên quan đến việc thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường BĐS, nhưng cho vay BĐS đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2021.

Chẳng hạn, theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1-10-2022 trở đi và giảm còn 30% từ ngày 1-10 năm nay. Do cho vay BĐS thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ không để dư nợ cho vay BĐS tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng.

Để đáp ứng nhu cầu về vốn khi ngân hàng siết tín dụng, các doanh nghiệp BĐS tìm đến kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến sự bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2022. Theo số liệu thống kê của HNX, cuối năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp của BĐS chiếm 35% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành.

Tuy nhiên, kể từ quý II/2022, Chính phủ đã bắt đầu giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 153. Trong ngắn hạn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ điều tra, trong đó có nhiều trường hợp phát hành sai mục đích/sai quy định và một số lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ.

Chất lượng tài sản

Sự cố trên thị trường trái phiếu đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự “tẩy chay” trái phiếu doanh nghiệp. Các chủ đầu tư BĐS rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như là rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm nay.

Cần nhắc lại, dù ngân hàng đã hạn chế cho vay BĐS, đây vẫn là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho ngành khi cho vay BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng hệ thống tính đến cuối 2022.

Bên cạnh vấn đề của thị trường BĐS, một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp là đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ.

Mặt khác, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đã “đóng băng”. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

Thị trường chứng khoán cần “cú hích” đủ lớn để giải quyết những vấn đề tồn đọng

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đầy hưng phấn ngay khi Ngân hàng Nhà nước phát ra thông ...

Agriseco Research: Sự kiện Silicon Valley Bank phá sản chỉ tác động ngắn hạn tới tâm lý nhà đầu tư

Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research đưa ra đánh giá mức độ ảnh hưởng sự kiện ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản tới ...

Chứng khoán phiên sáng 16/3: "Gió đổi chiều", VN-Index lại mất mốc 1.050

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng ngày 16/3 chứng kiến đà bán ngày một tăng mạnh về cuối phiên, VN-Index lại lần nữa ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán