'Lòng tham của doanh nghiệp khiến thị trường trái phiếu phiếu gặp khó khăn'

(Banker.vn) Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Kiên trước những diễn biến của thị trường trái phiếu trong nước. Vị chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ tới sự phát triển bền vững của mình và thị trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của thị trường trái phiếu như hiện nay.
Các trái chủ cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành để đi tới quyết định đồng hành hay dừng lại.
Các trái chủ cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành để đi tới quyết định đồng hành hay dừng lại.

Theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay vào khoảng 252.000 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2, 3/2023 với giá trị lần lượt khoảng 76.500 tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83.000 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng trong quý IV/2023. Sang năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn.

Tính đến ngày 5/3/2023, đã có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Gần 38.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Những con số trên cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn rất lớn trong năm nay và những năm tiếp theo. Điều này mang tới lo ngại, nếu không có các chính sách xử lý triệt để, nguy cơ vỡ nợ đối với các nhà phát hành trái phiếu sẽ sớm trở thành hiệu ứng domino.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3/2023 với nhiều điểm mới như: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác ngoài tiền mặt; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Những điểm mới này về mặt tổng thể sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 - 2024, doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư gia hạn sang năm 2025 - 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ. Tuy nhiên, mấu chốt cuối cùng thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải thu xếp nguồn tiền, tài sản đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường khó khăn như hiện nay, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có 3 nguyên nhân bao gồm sự buông lỏng quản lý; doanh nghiệp phát hành quá tham lam, chủ yếu chạy theo lợi nhuận và nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít kinh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, vì doanh nghiệp không tiết chế được lòng tham nên dẫn tới vô lối, có doanh nghiệp triển khai tới 40, 50 dự án, dự án nào cũng hàng nghìn tỷ đồng thì năng lực đâu để thực thi? Chưa nói tới rủi ro thị trường không được doanh nghiệp tính tới.

Dẫn ví dụ 2 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vừa phải đóng cửa vì mất thanh khoản, ông Kiên cho biết, nguyên nhân là do phát hành và mua trái phiếu không kiểm soát, cùng với đó là việc các ngân hàng không dự báo đúng tình hình ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của FED. Do đó, các ngân hàng này đã nhanh chóng phải trả giá.

Với những doanh nghiệp trong nước, ông Kiên cho biết, thời gian vừa qua chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ tới sự phát triển bền vững của mình và thị trường, không quản trị được rủi ro thì cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự là phải trả giá, bị đào thải.

Do vậy, muốn để thị trường phát triển bền vững, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về những gì đã làm trong suốt thời gian qua, phải chấp nhận rằng, không phải lúc nào làm ăn cũng có lãi mà phải đi theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Điều quan trọng hơn cả lúc này là nhà phát hành phải biết tiết chế lòng tham, triệt để tuân thủ pháp luật, có phương án dự phòng, hướng tới công khai và minh bạch.

Đối với các trái chủ cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành để đi tới quyết định đồng hành hay dừng lại. Đồng thời, đánh giá lại chất lượng của doanh nghiệp, về dự án, tài chính, quản trị doanh nghiệp.

Niềm tin trên thị trường sẽ được lấy lại khi doanh nghiệp phát hành trả lãi, gốc đầy đủ, đúng hạn. Hoạt động phát hành sẽ tăng trở lại khi nhà đầu tư thấy doanh nghiệp phát hành thực hiện đúng cam kết.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục