Lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Petrolimex ước lỗ 780 tỷ đồng

(Banker.vn) Chiều 14/10, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực 1, trực tiếp khảo sát Tổng kho xăng dầu Đức Giang – thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh đã báo cáo về tình hình kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 của Tập đoàn.

9 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tạo nguồn của toàn Petrolimex gần 8,1 triệu m3, đạt gần 104% tổng nguồn tối thiểu được giao năm nay là 7,7 triệu m3. Trong đó, nhập khẩu chiếm 42% và 58% còn lại mua từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Sản lượng xuất bán hợp nhất 9 tháng đầu năm là 10,1 triệu m3/tấn tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch.

Lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Petrolimex ước lỗ 780 tỷ đồng
Sản lượng nội địa của Petrolimex tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ

Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, trong những ngày đầu tháng 10, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex. Điển hình như sản lượng bán lẻ của TP HCM ngày 10/10 tăng 72% so với ngày 9/10, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng Tàu tăng 60%.

Trước diễn biến trên, sản lượng nội địa của Petrolimex tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của tập đoàn ước lỗ 780 tỷ đồng.

Báo lỗ ròng hơn 196 tỷ đồng trong quý 2

Trong quý 2/2022, PLX ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 84.398 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh lên 81.965 tỷ đồng, khiến lãi gộp của Petrolimex còn 2.403 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt vỏn vẹn 2,85% trong quý 2, giảm mạnh so với biên lãi gộp cùng kỳ năm trước PLX đạt 9%.

Trong cơ cấu chi phí, chi phí bán hàng của Petrolimex tiếp tục tăng 6% lên 2.570 tỷ đồng "ăn mòn" lãi gộp của doanh nghiệp. Dù doanh thu tài chính và phần lãi trong công ty liên kết tăng lần lượt lên 416 tỷ đồng và 177 tỷ đồng vẫn không thể cứu vãn đà giảm lợi nhuận của Petrolimex.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của PLX âm 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước PLX lãi 1.594 tỷ đồng. Nhờ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn lại hơn 252 tỷ đồng, doanh nghiệp đã bớt lỗ, chỉ còn lỗ ròng 196 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) giảm về mức -232 đồng so với 1.078 đồng của quý 2 năm 2021.

Trước đó, trong quý 1, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 442 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021, bất chấp việc doanh thu tăng trưởng 75%.

Yếu tố dẫn đến lợi nhuận gộp bị ăn mòn được cho rằng, đến từ sự cố Nhà máy Nghi Sơn phải cắt giảm sản lượng sản xuất khiến PLX không đáp ứng được nhu cầu. Tập đoàn phải tìm tới nguồn cung khác, thay đổi kế hoạch nhập mua khiến chi phí vốn tăng cao, theo đó biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong quý 2.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex ghi nhận 151.387 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 78% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của PLX giảm mạnh 87%, đạt 302 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ còn 206 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt là 186.000 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Với kết quả trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex đã đạt được 81% mục tiêu doanh thu cả năm, nhưng chỉ mới đạt gần 10% mục tiêu về lợi nhuận.

Quy mô tổng tài sản của Petrolimex tính đến cuối quý 2/2022 đạt gần 81.049 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho hơn 22.148 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn gần 12.155 tỷ đồng, lần lượt tăng 68% và 60% so với đầu năm.

Petrolimex cho biết, đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 căn cứ vào giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/07/2022), do giá xăng dầu trong nước biến động theo chiều hướng giảm sâu (trên 3.000 đồng/lít) dẫn đến phải trích lập bổ sung 1.104 tỷ đồng thay vì được hoàn nhập gần 156 tỷ đồng nếu căn cứ theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày khóa sổ 30/06/2022. Theo đó, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn giảm tương ứng hơn 1.259 tỷ đồng (từ lãi 1.551 tỷ đồng xuống còn lãi 293 tỷ đồng).

Nợ phải trả của Petrolimex cũng tăng hơn phân nửa so với đầu năm, lên hơn 54.929 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn gần 30.472 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác gần 1.793 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và gấp 7.9 lần.

Tại thời điểm 30/06/2022, Tập đoàn có dư nợ vay ngắn hạn gần 17.112 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ vay dài hạn giảm 5%, còn hơn 1.088 tỷ đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Petrolimex (PLX) nói gì về khoản lỗ của công ty mẹ?

Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế giữa niên độ của công ty mẹ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đã âm ...

MBS dự đoán Petrolimex lợi nhuận "giật lùi" 39% trong năm 2022

Chứng khoán MB (MBS) vừa có báo cáo cập nhật về triển vọng cũng như dự phóng kết quả kinh doanh của Tập đoàn xăng ...

Quỹ thành viên của MB Capital sắp mua lại 1 triệu cổ phiếu Gas Petrolimex (PGC)

Quỹ đầu tư Giá trị MB Capital (MBVF), thuộc quản lý của MB Capital vừa thông báo sẽ mua 1 triệu cổ phiếu PGC của ...

Đức Chiến

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán