Lợi nhuận đạt trên 17.000 tỷ đồng, VietinBank tiếp tục tập trung vào chất lượng tăng trưởng

(Banker.vn) VietinBank (mã chứng khoán CTG) sẽ chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương quy mô 1.861 tỷ đồng, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 17,7% tương đương quy mô 6.600 tỷ đồng. Năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021 – 2023, ngân hàng sẽ thay đổi rất lớn từ tư duy đến cách làm, đáp ứng yêu cầu mới, tiêu chuẩn mới trong hoạt động kinh doanh.

Tín dụng tăng cả lượng và chất

Đó là một trong 2 phương án về phân phối lợi nhuận được HĐQT VietinBank trình tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, diễn ra sáng 16/4/2021 tại Hà Nội.

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020, ngân hàng có 2 phương án chia cổ tức. Cụ thể, phương án 1, nếu VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, vốn điều lệ vẫn giữ nguyên mức 37.234 tỷ. VietinBank sẽ chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương quy mô 1.861 tỷ đồng, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 17,7% tương đương quy mô 6.600 tỷ đồng. Phương án 2, tại thời điểm chia cổ tức, nếu VietinBank đã hoàn thành việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019, vốn điều lệ dự kiến đạt hơn 48.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 5% (số tiền hơn 2.400 tỷ đồng) và bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6% (số tiền hơn 6.000 tỷ đồng). Theo đó, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên hơn 54.000 tỷ đồng.

Thông tin cụ thể tại ĐHĐCĐ, ông Lê Đức Thọ- Uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2020, kết quả kinh doanh của VietinBank có sự phát triển mạnh mẽ, cải thiện cơ bản về chất, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, cơ cấu thu nhập, cơ cấu khách hàng chuyển dịch theo hướng tích cực, lợi nhuận hợp nhất lần đầu tiên đạt mức 17.085 tỷ đồng. Nguyên nhân đạt được thành công trên là cả quá trình tích lũy, tích tụ, nỗ lực của toàn hệ thống; là kết quả của quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với hiệu quả thực chất; làm tốt công tác quản lý cân đối vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vốn trên thị trường tiền tệ; quản trị mạng lưới hiệu quả đi đôi với phát triển các kênh phân phối mới; quản trị tài chính hiệu quả; nâng cao năng suất lao động. “VietinBank tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng chính đáng, cần thiết của nền kinh tế, phù hợp với năng lực vốn của Ngân hàng và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”- ông Thọ nhấn mạnh.

Theo đó, chất lượng tài sản được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,94%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 136%. VietinBank đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo dự kiến nhờ đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo. Tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập hoạt động được kiểm soát ở mức 35,5%.

Lợi nhuận quý I/2021 ước đạt 7.000- 8.000 tỷ đồng

Kết thúc Quý I/2021, VietinBank tiếp tục đạt được những kết quả kinh doanh tích cực. Các chỉ số về an toàn và hiệu quả hoạt động đều tốt hơn nhiều so với cùng kỳ, trong đó: Các hạng mục thu nhập hoạt động chính của Ngân hàng đều có sự tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm 2020, chi phí hoạt động được quản trị hiệu quả, CIR duy trì ở mức hợp lý; Chất lượng tài sản được quản lý tốt, tỷ lệ nợ xấu được quản lý ở mức dưới 1%. Đặc biệt, VietinBank tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp cân đối nguồn vốn hiệu quả, tiết giảm chi phí vốn để tạo nguồn lực tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay, phí dịch vụ ở mức thấp, hợp lý nhất, hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phát huy vai trò ngân hàng thương mại chủ lực, trụ cột trong việc cung ứng vốn và dịch vụ tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, chia sẻ tại buổi gặp chuyên viên phân tích, ngân hàng dự kiến năm nay lợi nhuận tăng trưởng 16-18%. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lãi trước thuế quý I ước đạt 7.000-8.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận đạt trên 17.000 tỷ đồng, VietinBank tiếp tục tập trung vào chất lượng tăng trưởng
Ông Lê Đức Thọ- Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT VietinBank: VietinBank tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp cân đối nguồn vốn hiệu quả, tiết giảm chi phí vốn để tạo nguồn lực tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ

Từ kết quả khả quan này, năm 2021, VietinBank đặt ra các mục tiêu chính trong hoạt động kinh doanh bao gồm: Dư nợ tín dụng tăng trưởng 7,5%, tuân thủ hạn mức tín dụng NHNN phê duyệt (mức tăng trưởng cụ thể theo phê duyệt của NHNN và nhu cầu thực tế cần thiết của thị trường); Nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 8%-12%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng được kiểm soát dưới 1,5%. Các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ theo quy định của NHNN.

Ông Lê Đức Thọ cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên VietinBank thực hiện chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021 - 2023; với tiêu chuẩn hoạt động theo Basel II; điều này đòi hỏi Ngân hàng cần tiếp tục thay đổi rất lớn từ tư duy đến cách làm, đáp ứng yêu cầu mới, tiêu chuẩn mới trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, 5 giải pháp chính sẽ được nhà băng này triển khai để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021 và của cả giai đoạn tới. Cụ thể: Thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, đi liền với cải thiện mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả; Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường kết nối chuỗi giá trị hiệu quả giữa các phân khúc khách hàng và thị trường; Gắn tăng trưởng của VietinBank với các ngành nghề kinh tế chủ lực, các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, khai thác hiệu quả các lợi thế kinh doanh của địa bàn và ưu tiên nguồn lực để gia tăng thị phần tại các địa bàn trọng điểm; Nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh thu hồi nợ xử đã lý rủi ro, nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản; Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Thông tin thêm tới cổ đông về dự án VietinBank Tower, ông Lê Đức Thọ cho biết: hết quý I/2021, có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án này, trong đó có 21 nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin với VietinBank để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án VietinBank Tower. Đã có 2 nhà đầu tư có đề xuất phương án tài chính sơ bộ và có một số nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh đang tích cực thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính.

Về việc thực hiện phương án tái cơ cấu dự án VietinBank Tower, theo ông Lê Đức Thọ, ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 đã thông qua chủ trương hết 2020 cơ cấu lại dự án VietinBank Tower theo 3 phương án trong đó ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở.

Thuỳ Linh

Theo Báo Công Thương 

Theo: Báo Công Thương