“Lối mở” phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ chất lượng nguồn nhân lực

(Banker.vn) Vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo 10 năm tới là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trường Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Công nghiệp: Hướng tới mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo VinFuture cải thiện hình ảnh quốc gia và kích thích đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Ngày 15/12 tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị khoa học thường niên về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - chính sách và thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn chia sẻ, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp để thực thi Nghị quyết bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu của đất nước.

"Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh" - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

“Lối mở” phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ chất lượng nguồn nhân lực
Các đại biểu tham dự hội nghị

Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã và đang khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì các Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước.

Với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới lên một tầm cao mới.

Đại học Quốc gia Hà Nội đang nỗ lực tạo đột phá để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh... Những thành tựu này đã giúp tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng về khoa học công nghệ tại các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Đưa ra bài học thực tiễn của Đại học Quốc gia Hà Nội tạo động lực phát triển khoa học công nghệ, Trưởng ban khoa học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội Trần Thị Thanh Tú cho rằng, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành chính sách đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm; chính sách hỗ trợ công bố bài báo quốc tế, sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp startup); chính sách thu hút và trọng dụng nhà khoa học về làm việc tại Đại học quốc gia Hà Nội; thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Thực tế cho thấy, nhờ việc chú trọng đầu tư, nhiều trường đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nhân lực trong lĩnh vực còn nhiều thách thức. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Đào tạo, Việt Nam cho biết, đơn cử như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực và cần hơn 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành này đến năm 2030.

Tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có 4 trường đại học thành viên đang đào tạo ngành gần và ngành liên quan đến thiết kế vi mạch nhưng chưa có ngành đào tạo thiết kế vi mạch. Quy mô đào tạo các ngành gần và liên quan chiếm 18,7% và 5,8% tổng quy mô đào tạo. Các trường thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đóng góp trên 50% nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại TP. Hồ Chí Minh.

“Lối mở” phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ chất lượng nguồn nhân lực
Theo các chuyên gia, một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Trần Tuấn Anh đã chỉ ra hiện trạng phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ tại Viện. Theo ông Tuấn Anh, lực lượng cán bộ khoa học của Viện về cơ bản vẫn được giữ vững nhưng không đồng đều trong các lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghiên cứu cơ bản trọng tâm và một số viện nghiên cứu thành viên có thế mạnh về nghiên cứu cơ bản.

Đề cập về mặt giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, ông Tuấn Anh đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhân lực khoa học và công nghệ.

Cụ thể, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Đồng thời, cần thực hiện những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong trong tư duy người hoạch định chính sách, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương