Lời giải nào cho bài toán thanh khoản thấp?

(Banker.vn) Nhiều công ty chứng khoán đang phải đối mặt với khó khăn trong môi trường thanh khoản thấp, thị trường thường xuyên diễn biến trầm lắng và tiêu cực khiến nhà đầu tư không thể quay vòng vốn khi khó mua, khó bán.

ACBS: Thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ cải thiện trong năm 2023

Thống kê sàn HOSE, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 2/2023 ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân gần 567,7 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.014 tỷ đồng, tương ứng giảm 2,14% về khối lượng và 4,60% về giá trị so với tháng trước đó, nhưng giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, phiên giao dịch ngày 28/2/2023, giá trị giao dịch của cả ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) chỉ đạt 7.411 tỷ đồng – mức thấp kỷ lục. Xu hướng thanh khoản giảm vẫn tiếp tục trong 2 tuần tháng 3.

Mảng môi giới thất thu, lợi nhuận từ dịch vụ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán cũng bị ảnh hưởng mạnh khi dư nợ toàn ngành ở thời điểm cuối tháng 2 ước đạt gần 100.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đây vốn là hai mảng đóng góp bình quân khoảng 60% lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Lời giải nào cho bài toán thanh khoản thấp?
Trên sàn HOSE, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 2/2023 ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân gần 567,7 triệu cổ phiếu/phiên

Mảng tự doanh của các công ty chứng khoán cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực của thị trường. Năm 2022, nhiều công ty trong ngành đã ghi nhận những khoản lỗ nặng ở mảng nghiệp vụ này. Diễn biến thị trường từ đầu năm 2023 cũng không thuận lợi cho hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán.

Trong bối cảnh vĩ mô nhiều gam màu tối, dòng tiền trên thị trường cạn kiệt, mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) của khối công ty chứng khoán cũng trầm lắng.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Hà Nội nhìn nhận, thị trường chứng khoán vận động theo chu kỳ, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh là điều đáng báo động. Đối với công ty chứng khoán, thanh khoản thị trường giảm sẽ dẫn đến nhu cầu vay của khách hàng giảm theo.

Do môi giới và cho vay margin là hai mảng hoạt động quan trọng nên công ty của ông vẫn cố gắng duy trì thị phần bằng cách giảm lãi vay, tăng tỷ lệ cho vay margin, giảm phí giao dịch… Đồng thời, Công ty cũng chuyển dịch nguồn vốn sang các lĩnh vực đem lại thu nhập cố định và có tính an toàn cao hơn như chứng chỉ tiền gửi (với lãi suất tốt hơn lãi suất tiết kiệm thông thường).

Trong khi đó, tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), như chia sẻ của Tổng giám đốc Nhữ Đình Hòa, hiện Công ty vẫn nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu, tỷ trọng được phân bổ đều cho hai tài sản này.

Sau một năm kinh doanh khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, mặt bằng lãi suất tăng cao, các công ty chứng khoán đang có dấu hiệu thay đổi chiến lược đầu tư, tăng cường nắm giữ chứng chỉ tiền gửi và thay đổi cơ cấu các mảng hoạt động kinh doanh. Việc mua chứng chỉ tiền gửi đã diễn ra trong năm 2022 và vẫn duy trì trong quý I/2023, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đều ghi nhận tăng.

Tại thời điểm cuối năm 2022, Chứng khoán VNDIRECT có hơn 7.300 tỷ đồng ở dạng chứng chỉ tiền gửi, chưa kể có hơn 5.000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn để có thể rút linh hoạt khi cần bổ sung vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh.

Cùng thời điểm, Chứng khoán SSI có hơn 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; Chứng khoán MB (MBS) có hơn 2.600 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, nguồn vốn của công ty chứng khoán thường được sử dụng chính vào mục đích cho vay margin và tự doanh. Nhưng khi nhu cầu vay của nhà đầu tư thấp, hoạt động tự doanh chưa có nhiều cơ hội rõ ràng, các công ty chứng khoán dư nguồn nhàn rỗi, việc mua chứng chỉ tiền gửi, hoặc đầu tư trái phiếu do các doanh nghiệp cơ bản phát hành được tính đến để tối ưu hóa hiệu quả dòng vốn.

Thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận

Là một trong số công ty chứng khoán tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023 sớm nhất (vào ngày 28/3 tới), Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 770 tỷ đồng và lợi nhuận 420 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 34% so với năm 2022.

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo FPTS, thị trường chứng khoán năm 2023 kém hấp dẫn, với thanh khoản giảm sút so với năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường dự báo không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niêm yết, đăng ký giao dịch; cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán theo đó sẽ khốc liệt hơn… Đây là những lý do khiến Công ty thận trọng hơn với kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Bên cạnh đó, FPTS cũng trình phương án phát hành 19,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:1 từ nguồn vốn chủ sở hữu, để nâng vốn điều lệ lên 2.100 tỷ đồng. Đợt phát hành này dự kiến được thực hiện trong quý II năm nay.

Tại BVSC, theo chia sẻ của ông Nhữ Đình Hòa, kế hoạch kinh doanh 2023 sẽ theo hướng thận trọng, các chỉ tiêu giảm nhẹ so với năm 2022.

“Thanh khoản thị trường thực tế đang giảm hơn so với kịch bản mà BVSC đã dự trù. Cùng với đó, dư nợ margin tại Công ty cũng sụt giảm so với cùng kỳ”, ông Hòa cho biết.

Được biết, đầu tháng 3/2023, dư nợ margin tại BVSC đạt 2.000 tỷ đồng, tức giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu lợi nhuận của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) cũng giảm nhẹ 5,6% so với năm ngoái, ở mức 1.000 tỷ đồng trước thuế, dù Công ty vẫn đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.246 tỷ đồng, tăng gần 3%.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) đặt mục tiêu lãi sau thuế 12 tỷ đồng, giảm 5%. Đồng thời, Công ty dự kiến sẽ giữ lại lợi nhuận năm 2022 và không chia cổ tức để mở rộng quy mô hoạt động.

Với VNDIRECT, theo chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị Công ty đang họp để xây dựng kế hoạch kinh doanh 2023, nhưng tinh thần vẫn cố gắng duy trì tăng trưởng so với năm 2022. Bên cạnh đó, việc đặt kế hoạch kinh doanh theo các kịch bản của thị trường cũng đang được tính đến.

Theo ông Long, trong bối cảnh thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh như hiện tại, cần phải thay đổi cơ cấu hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp; trong đó, gửi tiết kiệm là phương án đang được nhiều công ty chứng khoán lựa chọn để bảo toàn vốn trong môi trường lãi suất cao như hiện nay.

VNDirect chỉ ra hai yếu tố cần theo dõi đối với cổ phiếu dệt may trong năm 2023

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may năm 2023, Chứng khoán VNDitect cho rằng, có hai yếu tố cần theo dõi trong ...

Thị trường chứng khoán ngày 15/3/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Chứng khoán phiên chiều 15/3: Rợp sắc xanh tăng giá

Thị trường chứng khoán trong nước đã có màn quay trở lại hết sức ấn tượng trong phiên hôm nay khi đón nhận một số ...

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục