Lợi dụng quy định lỏng lẻo, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp gia tăng

(Banker.vn) Thời gian gần đây, tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý chính sách.
Phát huy tính ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho người lao động Hà Nội: Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp

Hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức có hiệu lực thi hành từ năm 2009, từ đó trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và quay lại thị trường lao động.

Báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%. Từ năm 2015 đến nay, số đối tượng tham gia và được thụ hưởng các chế độ BHTN không ngừng tăng qua các năm, tính đến cuối năm 2022, có 14,3 triệu người lao động tham gia BHTN. Mức độ bao phủ của BHTN trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18%. Đối tượng bao phủ tăng kéo theo số người hưởng cũng tăng theo.

Lợi dụng quy định lỏng lẻo, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp gia tăng
Số lượng người tham gia và được thụ hưởng các chế độ BHTN không ngừng tăng qua các năm. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đáng kể, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ năm 2020 - 2022, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lao động, việc làm. Nhiều người lao động bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, khiến số người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số người đăng ký BHTN trong những năm qua gia tăng một cách bất thường ngoài lý do khó khăn về kinh tế, còn có hiện tượng lợi dụng sự lỏng lẻo trong một số quy định của pháp luật để trục lợi BHTN. Điển hình là việc nhiều người lao động vừa có việc làm mới vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không tự động khai báo. Bên cạnh đó là tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN hoặc có hiện tượng người lao động di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ lại quay về chỗ cũ.

Ghi nhận tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tình trạng vi phạm chính sách chủ yếu được phát hiện khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc trong thời gian đang hưởng người lao động đến thông báo tình trạng việc làm hằng tháng. Số khác là trường hợp theo kết quả các kỳ kết luận của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan bảo hiểm xã hội và phát hiện người lao động có việc làm, được đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn hưởng BHTN mà không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ngoài ra, còn xảy ra trường hợp, các trường hợp người lao động tự nguyện để có đơn đề nghị xin được xem xét giải quyết, có xuất trình hợp đồng lao động và xin hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp, do nhận thấy bản thân đã hưởng sai quy định.

Nêu nguyên nhân, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc trục lợi BHTN một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, hơn 14 năm thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, việc chưa có chức năng về kết nối được với dữ liệu quản lý thu của cơ quan bảo hiểm nên trước khi giải quyết chế độ hưởng BHTN cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm còn gặp nhiều khó khăn trong việc kịp thời phát hiện người lao động có quá trình trùng đóng bảo hiểm xã hội, với việc hưởng BHTN.

Mặt khác, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, nhiều trường hợp người lao động bị cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện sau khi đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong quá trình giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp, hoặc quá trình chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. "Vì vậy, việc giải quyết thu hồi trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động thường mất nhiều nguồn lực, thời gian và tồn tại qua nhiều năm và còn khó thực hiện hơn nhiều khi phát hiện người lao động vi phạm bị thu hồi là lúc người lao động đã hết hưởng trợ cấp thất nghiệp"- bà Liễu cho hay.

Cần giải pháp đồng bộ

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHTN, nhiều giải pháp đã được đề xuất, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHTN là vô cùng cần thiết, thông qua công cụ này sẽ giúp hạn chế trục lợi, gian lận. Đặc biệt, các quy định về BHTN được kiến nghị cần phải sửa đổi chặt chẽ hơn. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, luật phải quy định chỉ giải quyết hưởng BHTN cho những trường hợp người lao động bị buộc phải thôi việc do không bố trí được công việc. Còn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải hạn chế. Các chính sách hỗ trợ khác cũng cần đồng bộ hơn.

Với quan điểm rằng, chính sách BHTN chỉ bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp chứ không thể thay thế tiền lương, do đó, nhiều người lao động mong muốn tìm công việc ổn định, có thu nhập hơn là tìm mọi cách để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, điểm cốt lõi của BHTN là giúp cho người lao động bị mất việc sớm quay trở lại thị trường lao động, vì vậy cần có thêm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động.

Để hạn chế tình trạng trục lợi BHTN, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua Cục Việc làm đã tăng cường thông tin tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của người lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh trùng đóng, trùng hưởng; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương để phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm. Về xử lý vi phạm cũng đã có quy định đầy đủ, theo đó, những hành vi vi phạm ở mức độ hành chính sẽ bị xử lý hành chính, vi phạm hình sự sẽ bị xử lý hình sự.

Được biết, tại Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bổ sung một số quy định nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả của chính sách. Trong đó, quy định về trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng. Đồng thời, Bộ này cũng đã đề xuất bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương