Loạt 'ông lớn' công nghệ Facebook, Google, TikTok… nộp hơn 140 triệu USD tiền thuế

(Banker.vn) Theo Tổng cục thuế, một loạt các nhà cung cấp lớn của nước ngoài như Facebook, Google, TikTok, Netflix, Microsoft…đã kê khai, nộp thuế với số tiền là hơn 3.444 tỷ đồng, tương ứng hơn 140 triệu USD.
Loạt 'ông lớn' công nghệ Facebook, Google, TikTok… nộp hơn 140 triệu USD tiền thuế
Thu thuế những "ông lớn" nước ngoài như Facebook, Google...luôn là một thách thức đối với ngành thuế

Trong báo cáo mới công bố của Tổng cục Thuế, trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt hơn 1,46 triệu tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán cũng như tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thuế cho biết có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán. Đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…

Có 16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,7%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; Thuế thu nhập cá nhân tăng 24,6%; Lệ phí trước bạ tăng 21,3%; Thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%...

Năm 2022, có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ khối doanh nghiệp lớn dự kiến đạt 245.000 tỷ đồng.

Về việc đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, năm 2022, Tổng cục Thuế đã công bố và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.444 tỷ đồng. Trong đó một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, TikTok; Microsoft, eBay,…).

Trước đó, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam hiện 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (gồm 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành, số thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) trung bình trên 1.100 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dù có sự chuyển biến nhưng số thu này chưa tương xứng với doanh thu khủng của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới ở Việt Nam như Google, Facebook, Netflix...

Thực tế này không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, nguy hại hơn, còn tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân gian lận trong kê khai, nộp thuế, cố tình giấu doanh thu, trốn thuế trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, bán hàng online vẫn xảy ra nhiều.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số không mới, tuy nhiên, các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra vẫn chung chung dưới các cụm từ "nỗ lực", "cố gắng". Bởi vậy, mỗi năm, ngành thuế vẫn thất thu khoảng 85% số thuế phải thu từ Google, Facebook.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đây là một lĩnh vực rất mới và khó, bởi máy chủ đặt ở nước ngoài và người mua thanh toán nhiều bằng tiền mặt. Vì vậy, hiện nay chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ.

Bộ Tài chính đã thiết lập Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, quy định mức thu cụ thể. Đồng thời, thông báo, vận động, giải thích để các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể đăng ký để nộp thuế.

Theo đó, đối với các tập đoàn công nghệ có thương hiệu như You Tube, Google, Microsoft... có thể đăng ký nộp thuế đầy đủ theo đúng quy định. Tuy nhiên, những giao dịch riêng lẻ, thanh toàn bằng tiền mặt vẫn gay thất thu lớn.

Do đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành khác để đấu tranh trong lĩnh vực này.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 889/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Công điện nêu rõ, sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan triển khai các giải pháp thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, trong đó có các giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán