Khởi động Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru 2025 Ngày sở hữu nhà quốc gia: Chắp cánh giấc mơ an cư Giá chung cư có giảm sau nỗi lo động đất? |
Doanh nghiệp địa ốc đua nhau “bung hàng”
Theo báo cáo của Tập đoàn DKRA, trong quý I/2025, thị trường bất động sản khu vực phía Nam ghi nhận số lượng dự án mới được cấp phép còn hạn chế. Phần lớn nguồn cung đến từ các dự án đã được phê duyệt từ 5 năm trước và đang triển khai bán theo từng giai đoạn. Điều này lý giải vì sao nguồn cung không có sự tăng đột biến
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2025, nhiều tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang sẵn sàng “bung hàng”, tạo "sức nóng" cho thị trường phía Nam.
Sau gần hai năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án Happy One Sora (tại phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) được Vạn Xuân Group chính thức khởi công ngày 29/3 vừa qua. Dự án sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 507 sản phẩm (gồm căn hộ và căn shop) với mức giá từ 45,9 triệu đồng/m2.
![]() |
Cuối tháng 3/2025, ghi nhận nhiều dự án bất động sản khởi động sau nhiều năm "lặng sóng". Ảnh: Đồng Lê |
Tương tự, sau nhiều năm "đứng hình", dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng CC1 và CC5 thuộc Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh do Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh làm chủ đầu tư, đang được tái khởi động với cái tên thương mại The Privé, gồm 12 tòa chung cư và khoảng 3.175 căn hộ.
Còn tại Bình Dương, khu dân cư Ngãi Thắng (tên thương mại The Gió Riverside, tại phường Bình Thắng, TP. Dĩ An) cũng đang được Tập đoàn An Gia chuẩn bị khởi công trong tháng 6 năm nay.
Theo đại diện Tập đoàn An Gia, dự án có khoảng 3.000 sản phẩm gồm căn hộ và shophouse. Trong đó, các căn hộ có diện tích khá đa dạng, phù hợp với các nhu cầu khác nhau của từng nhóm đối tượng khách hàng. Hiện, phía An Gia vẫn chưa tiết lộ giá bán về dự án này.
Đáng chú ý, ngày 26/3 vừa qua, Tập đoàn Vingroup khởi công dự án Vinhomes Green City với diện tích 197,2 ha tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đánh dấu sự "có mặt" của tập đoàn bất động sản lớn tại thị trường này.
"Bài toán" cho căn hộ vừa túi tiền
Tại tọa đàm "Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ" ngày 3/4, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc đầu tư DKRA Group cho biết, bước sang quý II/2025, sức cầu được dự báo tiếp tục duy trì đà phục hồi. Trong đó, phân khúc căn hộ tiếp tục là lực đẩy chính cho thị trường trong các quý tiếp theo, đặc biệt tại khu Đông TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.
“Các thông tin tích cực như việc sáp nhập một số khu vực hành chính, tiến độ hạ tầng được cải thiện, cùng các tín hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô… đã góp phần tháo gỡ tâm lý e dè của nhà đầu tư, tiếp nối đà phục hồi từ năm ngoái. Sự cởi mở về tâm lý đầu tư đã thúc đẩy sức tiêu thụ tăng mạnh”, ông Võ Hồng Thắng nhận định.
Tuy nhiên, thị trường tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở "vừa túi tiền", đặc biệt là căn hộ hạng C - phục vụ nhu cầu ở thực của phần lớn người dân. Trong khi đó, giá sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong quý tới, duy trì ở mức cao do áp lực chi phí đầu vào vẫn lớn.
“Chi phí nguyên vật liệu, nhân công và lãi vay đều tăng cao, khiến giá bán khó có khả năng giảm. Giá sơ cấp tăng từ 2 - 5% tùy dự án so với quý IV/2024, thậm chí ở một số dự án, mức tăng lên tới 5 - 10%, được xem là khá cao trong bối cảnh hiện tại”, ông Thắng giải thích.
![]() |
Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối với các khu đô thị xa trung tâm thành phố là cơ hội để những người trẻ có thể sở hữu được căn hộ "vừa túi tiền". Ảnh: Đồng Lê |
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản đánh giá, hiện nay cơ hội tiếp cận nhà ở "vừa túi tiền" đã trở nên khả thi hơn nhờ vào các chính sách hỗ trợ, điều chỉnh từ phía Chính phủ và giải pháp tháo gỡ từ các bộ, ngành và địa phương sẽ giúp gia tăng nguồn cung nhà ở, hướng đến đúng đối tượng có nhu cầu thực sự.
Ông Dương Kim Quân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Bcons nhìn nhận, muốn nhà ở rẻ thì chi phí đầu vào phải giảm. Trong đó, giá đất và chi phí giải phóng mặt bằng đang là những yếu tố lớn khiến giá nhà bị đẩy lên cao.
“Giải pháp ở đây là phát triển các khu đô thị xa trung tâm, nơi có quỹ đất còn dồi dào và giá thành hợp lý hơn. Tuy nhiên, để thu hút người dân đến sinh sống, hạ tầng giao thông cần phải đi trước một bước, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro và các tuyến kết nối liên vùng”, ông Quân nêu.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu lớn.
Do đó, hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh gia tăng nguồn cung. “Nếu đề án xây dựng 1 triệu căn nhà của Chính phủ được triển khai thành công, đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cân bằng thị trường”, ông Châu nêu.
Đồng thời, ông Châu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, như đã thực hiện trong thời gian qua.
“Hiện có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án đang bị đình trệ. Nếu được khơi thông, sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở đáng kể, tạo điều kiện để người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở”, ông Châu cho hay.
Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Năm 2024, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh chỉ chấp thuận cho chủ đầu tư mở bán hơn 1.600 căn hộ hình thành trong tương lai. Từ năm 2021 đến nay, TP. Hồ Chí Minh không có thêm nguồn cung nhà ở "vừa túi tiền". |