LNST quý II của DN sở hữu "đất vàng" Giảng Võ tăng gấp rưỡi, thị giá cổ phiếu tăng gấp đôi, đem lại 9.000 tỷ cho Vingroup

(Banker.vn) Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEF là chủ đầu tư nắm giữ trong tay nhiều dự án, trong đó nổi bật là khu "đất vàng" 148 Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Chiếm 83,32% cổ phần VEF thuộc về Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, theo sau là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 10%.
LNST quý II của DN sở hữu

VEF đóng vai trò "phân phối" dòng tiền sang đơn vị khác, thông qua hoạt động cho vay các đối tác doanh nghiệp, tổng cộng hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó 3.391 tỷ đồng là cho vay dài hạn.

Theo báo cáo tài chính quý II, Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) ghi nhận doanh thu thuần gần 250 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên xét về giá trị tuyệt đối vẫn "bé hạt tiêu" nếu đặt cạnh toàn quy mô hoạt động.

Thực tế, VEF là doanh nghiệp dự án, nắm giữ trong tay nhiều dự án, trong đó nổi bật là dự án "đất vàng" 148 Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Các dự án đều trong quá trình đầu tư xây dựng, nên doanh thu chủ yếu nằm ở hoạt động tài chính.

Quý này, doanh thu tài chính của VEF đạt 163,5 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ lãi trái phiếu, tiền gửi, tiền cho vay. Cùng với đó, doanh nghiệp tiết giảm mạnh chi phí khác, từ 42 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng, nhờ không phát sinh chi phí liên quan đến việc thay đổi quy hoạch của dự án 148 Giảng Võ như quý II/2022.

Đây là hai yếu tố chủ chốt giúp lợi nhuận sau thuế của VEF tăng trưởng gấp rưỡi trong quý vừa qua, đạt 125 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) theo đó cũng cải thiện lên 750 đồng, gấp hai lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính của VEF đạt gần 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 56% so với cùng giai đoạn 2022. Tính ra, VEF đã vượt 13% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm (200 tỷ đồng), trong khi chỉ vừa qua nửa chặng đường.

Tính đến hết tháng 6/2023, tổng tài sản của VEF đạt 8.961 tỷ đồng, tăng hơn 260 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp tiếp tục tích trữ lượng tiền "nhàn rỗi" khá lớn, hơn 1.741 tỷ đồng, giảm nhẹ sau nửa đầu năm; giá trị hàng tồn kho ở mức 1.100 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí liên quan đến đầu tư dự án Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội).

VEF cũng đóng vai trò "phân phối" dòng tiền sang đơn vị khác, thông qua hoạt động cho vay các đối tác doanh nghiệp, tổng cộng hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó 3.391 tỷ đồng là cho vay dài hạn. Số vốn này chiếm 47% tổng tài sản. Theo thuyết minh, các khoản vay đều được bảo đảm, lãi suất bình quân 11%/năm.

Về tiến độ các dự án trọng điểm của VEF, đến hết quý II, doanh nghiệp đã rót 825 tỷ đồng vào dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; 741 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị mới Đông Anh; 129 tỷ đồng vào dự án "đất vàng" Giảng Võ; và dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long chỉ mới "đón" 13,4 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả cùng thời điểm so sánh của VEF là 6.092 tỷ đồng, trong đó, hơn 4.900 tỷ đồng là phải trả ngắn hạn khác và hơn 1.000 tỷ đồng là nợ vay. Vốn chủ sở hữu tăng lên 2.868 tỷ đồng, được "bồi đắp" hơn nhờ khoản lãi 6 tháng đầu năm.

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEF hiện có vốn điều lệ 1.666 tỷ đồng. Chiếm 83,32% cổ phần thuộc về Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; theo sau là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 10%. Doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu VEF giao dịch trên UPCoM từ cuối năm 2015 với giá đóng cửa phiên chào sàn là 10.100 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEF khởi đầu năm 2023 ở mức 64.000 đồng/cp. Đây là mức rất thấp so với thời kỳ lập đỉnh của VEF hồi tháng 3/2023 (khoảng 275.000 đồng/cp).

Thị giá VEF "dập dìu" trong vùng giá thấp khá lâu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2023 VEF chứng kiến nhịp hồi phục mạnh, liên tục tăng cao giúp cổ phiếu gấp đôi giá trị sau khoảng 3 tuần giao dịch, có thời điểm đạt hơn 140.000 đồng/cp. Đến nay, mã cổ phiếu này có nhiều phiên điều chỉnh, và đứng ở mức ổn định khoảng 125.000 - 130.000 đồng/cp.

Tính ra, so với vùng giá "đáy", cổ đông Vingroup đang tạm lãi thêm gần 9.000 tỷ đồng; còn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hơn 1.000 tỷ đồng.

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) báo lãi “thụt lùi” 19,8% trong quý II/2022

CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã VEF - UPCoM) ghi nhận doanh thu 0,11 tỷ đồng, giảm 0,14 tỷ đồng so ...

VEFAC (Công ty con Vingroup) dự kiến tăng vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng và triển khai 2 đại dự án tại Đông Anh

Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành thêm 852,9 triệu cổ ...

Công ty nhà Vingroup (VIC) báo lãi vượt kế hoạch cả năm

VEF hiện là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup (Mã VIC). Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, lần lượt Vincom Retail, Vinhomes và ...

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán