Theo đó, Eximbank chấm dứt trước thời hạn đối với Thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 ký giữa SMBC và Eximbank theo đề nghị của đối tác Nhật Bản.
Trước đó, vào giữa năm 2021, thị trường đã đồn đoán về việc SMBC thoái vốn khỏi Eximbank, đặc biệt sau khi đối tác Nhật Bản đã mua lại 49% vốn FE Credit và được cho rằng sẽ trở thành cổ đông chiến lược với VPBank. Hiện tại, phía VPBank cũng đang thực hiện các bước ban đầu để phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
SMBC hiện là cổ đông lớn nhất tại Eximbank với hơn 185 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương 15% vốn cổ phần ngân hàng.
Năm 2007, SMBC đã chi ra gần 225 triệu USD (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó) để nắm giữ 15% cổ phần của Eximbank. Tuy nhiên, giá cổ phiếu EIB ngay sau đó đã có nhiều năm ngụp lặn, có thời điểm còn xuống dưới mệnh giá. Không những vậy, từ năm 2013 đến nay, cổ đông Eximbank đã không được nhận cổ tức.
Xét trên góc độ đầu tư, có thể nói đây là một khoản đầu tư kém hiệu quả khi sau hơn 10 năm, với hơn 185 triệu cổ phần EIB hiện nắm trong tay, phải tới ngày cuối quý I/2021 SMBC mới hòa vốn.
Bên cạnh đó, dù sở hữu 15% cổ phần, nhưng dường như tiếng nói SMBC không còn sức ảnh hưởng tại ngân hàng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 ngày 27/4/2021, SMBC đã không cử người tham dự.
Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu EIB đang có giá là 35.950 đồng/cp, tăng 85% so với đầu năm 2021. Theo đó, số cổ phần SMBC nắm giữ đang có giá trị khoảng 6.700 tỷ đồng, cao hơn 85% so với thời điểm đầu tư 14 năm trước đó.
Vào cuối năm ngoái, cổ phiếu EIB đã tăng giá tích cực sau thông tin Eximbank đã chốt hồ sơ đề cử nhân sự dự kiến vào hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Mới đây, Eximbank cũng công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020.
Trong đó, thu nhập lãi thuần, nguồn thu nhập chính của ngân hàng, tăng 6,4% so với cùng kỳ lên 3.524 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đều tăng xấp xỉ 23% so với năm ngoái.
Điểm sáng duy nhất trong năm đến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Hoạt động này đã đem về cho Eximbank 99,4 tỷ đồng lãi thuần, tăng hơn 79% so với quý IV/2020. Kết quả, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 4.709 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,9% so với cùng kỳ.
Mặt khác, lãi thuần từ mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lần lượt giảm 7,5% và 1,1% xuống 432,9 tỷ đồng và 394 tỷ đồng.
Riêng trong quý IV, Eximbank đã trích 487,5 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng 21,8%. Qua đó, nâng tổng chi phí dự phòng trong năm lên 990 tỷ đồng, tăng 48,4%.
Diễn biến giá cổ phiếu EIB trong một năm trở lại (Ảnh: TradingView)
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Eximbank đạt 165.832 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm. Trong đó, dự nợ cho vay khách hàng tăng 13,8% lên 114.675 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 6,8% lên 1.367 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank bất ngờ giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 2021. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu và giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|