Lên kế hoạch đầu tư các giải pháp công nghệ cao cho bất động sản công nghiệp

(Banker.vn) Phân khúc bất động sản xanh tại Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm, khi các cam kết về ESG và yếu tố xanh trong bất động sản đã trở thành yêu cầu quan trọng.
Bất động sản công nghiệp - điểm sáng của thị trường bất động sản Việt Nam Bất động sản công nghiệp khởi sắc khi đón sóng đầu tư công Hải Phòng: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản

Theo nghiên cứu của Savills Prospects, trong nửa đầu năm 2023, các nhà đầu tư Nhật Bản có những hoạt động sôi nổi nhất với 2,5 tỷ USD được đầu tư mới – cao hơn so với kỷ lục trước đó của họ vào năm 2018 (1,4 tỷ USD).

Lên kế hoạch đầu tư các giải pháp công nghệ cao cho bất động sản công nghiệp
Ảnh minh họa

Trong đó, thị trường được các nhà đầu tư Nhật Bản nhắm tới là các nước Đông Nam Á và Úc. Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2023, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về đối tác đầu tư tại Việt Nam, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài và tăng 73,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo này cũng cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, trong tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng năm 2023, có 1.924 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký mới đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so cùng kỳ.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký mới, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, dòng vốn FDI đang cho thấy nhiều cơ hội khi các dự án mới đăng ký tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua việc hoàn thiện hóa các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh đi kèm xây dựng mới và nâng cấp các sân bay quốc tế, cảng biến nước sâu.

Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ sở hạ tầng đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo nên sức hút đầu tư cho thị trường. Vị chuyên gia này phân tích thêm, các phân khúc về bất động sản xanh tại Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quan tâm, khi các cam kết về ESG và yếu tố xanh trong bất động sản đã trở thành một yêu cầu quan trọng.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã có cam kết về giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, họ luôn cần lựa chọn phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản xanh được đẩy lên cao. Do đó, đòi hỏi các nhà đầu tư tại Việt Nam phải theo kịp thị trường, mang tới thêm các sản phẩm bất động sản đáp ứng các tiêu chí xanh và ESG.

Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, xu hướng xanh hóa đã được ghi nhận đối với các sản phẩm văn phòng, bán lẻ, nhà ở và giờ đây đã tới các sản phẩm bất động sản công nghiệp. Một số chủ đầu tư quốc tế và chủ đầu tư Việt Nam hiện đã và đang lên kế hoạch đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao cho bất động sản công nghiệp nhằm thu hút thêm nhu cầu nhà xưởng xanh và các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao như điện tử, thiết bị điện, chất bán dẫn. Điều này đồng thời sẽ tác động tích cực tới thị trường, để thị trường phát triển theo xu hướng xanh và bền vững hơn.

baoxaydung.com.vn

Theo: Báo Công Thương