Lãnh đạo NHNN: Vốn tín dụng không thiếu, room 3,5-4% trong 3 tuần cuối năm rất lớn

(Banker.vn) Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt. Ngành ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu.

Agribank sắp phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh cuối phiên, khối ngoại tiếp đà mua ròng

Ngành ngân hàng không thiếu vốn cho vay

Tại Toạ đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, vừa rồi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới 1,5%-2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5-16%.

Như vậy, chỉ còn khoảng ba tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4%. Đây là thách thức rất lớn với các ngân hàng, trong thời gian ngắn phải làm sao để "tiêu" 300.000 - 400.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Mặc dù, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất lớn nhưng tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, phải cho vay trên các điều kiện, điều khoản cụ thể, không thể hạ chuẩn cho vay cả những doanh nghiệp đang lỗ khi tiền huy động là người dân.

"Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt, không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng", ông Quang cho biết.

Ông Quang cũng nhấn mạnh, ở Việt Nam luôn có khoảng cách giữa cung - cầu tín dụng và NHNN luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.

Khẳng định vốn tín dụng không thiếu, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, room tín dụng 3,5%-4% trong ba tuần cuối năm là cực kỳ nhiều, thống kê tháng 12 hàng năm thường chỉ cần từ 2-2,2% room tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.

Quan trọng hơn, với vai trò điều hành như NHNN là ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền và ổn định kinh tế vĩ mô qua chỉ số lạm phát. Năm 2022, lạm phát có thể khẳng định là về đích dưới 4%, hoàn toàn tự tin với bối cảnh hiện nay.

Nhưng, nhìn sâu vào lạm phát và CPI, chúng tôi nhìn vào chỉ tiêu khác của CPI là lạm phát lõi và lạm phát cơ bản, đang thể hiện các yếu tố đáng quan ngại. Lạm phát lõi là lạm phát do nhiều nhân tố tiền tệ; lạm phát phi lõi là do yếu tố phi tiền tệ như giá cả hàng hóa do nhà nước quản lý… sẽ tác động rất lớn tới vòng hai của giá hàng hóa, giá nhập khẩu do độ mở lớn của nền kinh tế, ông Quang lưu ý.

Khơi thông nguồn vốn trung dài hạn để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng

Ông Quang cũng chỉ ra rằng, không chỉ có vốn tín dụng mà còn các nguồn vốn khác quan trọng với doanh nghiệp như: Vốn tự có tạo đòn bẩy rất lớn cho doanh nghiệp phát triển; kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn.

Do đó, chúng ta có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và kết nối giữa các nguồn này là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Có điều, ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp vì ngân hàng cũng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt vì kinh doanh tiền.

Ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80%, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nề kinh tế là trung và dài hạn, con số này cho thấy ngành ngân hàng đang chạy với biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay.

Điều này dẫn đến hai rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Vì người gửi tiền chỉ gửi khoảng 6 tháng, trong khi có khoảng 50% số tiền gửi 6 tháng này đầu tư đến 5,10 năm thậm chí các dự án bất động sản đầu tư tới 20 năm. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng quan ngại.

Một rủi ro nữa là rủi ro lãi suất, lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn thường mọt năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Trong quá trình kinh doanh này, ngân hàng đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như giai đoạn hiện nay, ông Quang phân tích

NHNN đưa ra rất nhiều quy định pháp luật, trong đó có tỷ lệ an toàn, tỷ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với lộ trình dài cả 5 năm để các ngân hàng nắn chỉnh lại hoạt động của mình theo hướng bền vững hơn, để ngân hàng thương mại thực hiện đúng chức năng của mình là cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Còn kênh vốn trung dài hạn cho nền kinh tế phải qua thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu…

Hoàng Quyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán