Lạm phát lõi tại Nhật Bản tháng 1/2024 sụt giảm đến tháng thứ 3 liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong 22 tháng, như vậy việc lạm phát giảm đúng với mục tiêu bình ổn giá cả của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ).
Chỉ số lạm phát lõi của Nhật Bản, tức là chỉ số theo dõi diễn biến giá cả tiêu dùng không tính thực phẩm tươi sống, trong tháng 1/2024 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 2,3% của tháng 12/2023, theo số liệu công bố của Bộ phụ trách các vấn đề nội địa và truyền thông Nhật Bản.
Nhu cầu nội địa yếu, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ việc giá cả tăng cao khi mà đồng lương không tăng tương xứng đã khiến cho tăng trưởng kinh tế Nhật Bản quý IV/2023 sụt giảm liên tiếp. Chỉ số Nikkei 225 tuy nhiên lại đang lập những kỷ lục mới, thực tế này có thể khiến cho BOJ có thêm động lực mới trong việc chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, BOJ nhiều khả năng sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm, được đưa ra vào tháng 1/2016 ngay trong mùa Xuân năm nay. Theo công ty khảo sát QUICK, một đơn vị có liên kết với Nikkei, thay đổi chính sách có thể diễn ra trong tháng 3 hoặc tháng 4/2024.
Chi phí phòng khách sạn tháng 1/2024 tăng 26,9%, mức tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với con số 59% của tháng 12/2023. Trong khi đó, chi phí điện hạ 21% còn chi phí năng lượng giảm 12,1%. Lạm phát toàn phần tăng 2,2% còn chỉ số lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng 3,5%.
Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Daiwa, ông Kanako Nakamura, khẳng định việc lạm phát chững lại có nguyên nhân đặc thù chứ không phải những nguyên nhân căn bản.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chi phí phòng khách sạn tăng là bởi cùng kỳ năm ngoái, giá phòng khách sạn rất thấp nhờ chương trình kích cầu của chính phủ Nhật, cũng như việc số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản giảm sau sự kiện động đất Noto.
Ngoài ra, giá năng lượng giảm bởi yếu tố mùa vụ, cùng kỳ năm trước giá năng lượng ở ngưỡng cao. Ông Nakamura nhấn mạnh thêm rằng giá năng lượng tại Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tăng trong tháng sau khi mà giá điện và giá năng lượng tăng trở lại.
Trong khi thông tin kinh tế vĩ mô có nhiều diễn biến tốt xấu đan xen thì thị trường chứng khoán Nhật vẫn tiếp tục đà tăng điểm mạnh.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số Nikkei 225 đã tăng đến 16,8% và thuộc nhóm những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong năm ngoái. Năm 2023, chỉ số Nikkei 225 tăng đến 30%.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn ví như Tokyo Electron và Advantest kéo chỉ số chính của thị trường tăng điểm với mức tăng lần lượt đạt 4,51% và 5,06%. Thị trường đón nhận thông tin tích cực từ kết quả lợi nhuận của hãng sản xuất chip Mỹ Nvidia.
Nvidia công bố doanh thu của hãng trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến hết tháng 1/2024 tăng hơn gấp 3 lần, lên 22,1 tỷ USD. Lợi nhuận ròng trong khi đó tăng hơn 8 lần lên 12,3 tỷ USD. Doanh nghiệp này đã hưởng lợi từ việc nhu cầu đối với chip sử dụng trong trí tuệ nhân tạo tăng mạnh.
Dù rằng Nhật Bản tụt lại so với Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc trong việc cung cấp các công nghệ chip trình độ cao, nhiều công ty Nhật tuy nhiên có thị phần lớn trong nhiều lĩnh vực như kiểm thử thiết bị và sản xuất chất bán dẫn. Chính phủ Nhật Bản đồng thời đang chi tiêu hàng tỷ USD cho các chương trình trợ cấp nhằm gia tăng năng lực sản xuất chip tại nội địa.
Trong tháng 1/2024, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng ước tính 2,07 nghìn tỷ Yên cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu trên sàn chứng khoán Tokyo.
Đáng nói, nhà đầu tư vẫn mua mạnh cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nhật Bản bất chấp việc vào tuần trước, chính phủ Nhật Bảncông bố số liệu GDP cho thấy kinh tế Nhật quý IV/2023 bất ngờ rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Đăng Tuấn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|