Làm báo trong thời 4.0: Phóng viên cần làm chủ công nghệ

(Banker.vn) Làm báo thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, phóng viên không thể tách rời công nghệ tuy nhiên phóng viên phải làm chủ công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc.
Nỗi niềm phóng viên thường trú Phóng viên ảnh Cấn Dũng: 38 năm đam mê với nghề

Dưới những tán cây sấu xanh mát một chiều Hà Nội, vẫn dáng vẻ lãng tử, gần gũi, dí dỏm, Nhà báo Trần Phương Quang - Nguyên trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo Công Thương đã ôn lại kỷ niệm gắn bó với Báo Công Thương trong suốt chặng đường làm nghề của mình.

Làm báo trong thời 4.0: Phóng viên cần làm chủ công nghệ

Với thời gian gắn bó lâu năm với Báo Công Thương, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất?

Tôi gắn bó với Báo Công Thương hơn 20 năm, ấn tượng cũng nhiều mà kỷ niệm cũng nhiều. Trong đó, kỷ niệm tôi không thể quên đó là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó Báo Thương mại được thành lập trên cơ sở sáp nhập của 3 tờ báo, trong chuyến ra Hà Nội công tác, ông Trần Nam Vinh - Phó Tổng biên tập phụ trách phía Nam thấy trụ sở báo sơ sài quá và hầu như biên tập viên, phóng viên không biết sử dụng máy tính.

Đến năm 1994 - 1995, khi ra Bắc làm Tổng biên tập, ông Trần Nam Vinh quyết định đầu tư toàn bộ thiết bị máy móc và yêu cầu tất cả phóng viên, biên tập viên phải học. Đặc biệt là ban thư ký được trang bị nhiều máy móc, kể cả máy in giấy A3 có giá trị khoảng 30 triệu đồng. Ở thời điểm đó, đây là số tiền rất lớn nhưng lãnh đạo báo vẫn quyết định mua để phục vụ việc in ấn của báo.

Với quyết tâm thay đổi phong cách làm việc của toà soạn, tất cả phóng viên, biên tập viên phải học vi tính, trong đó có tôi đã học miệt mài ngày đêm cho đến lúc thành thạo. Dù máy vi tính cấu hình thấp, phần mềm kém nhưng nhờ quyết tâm thay đổi mà phong cách làm việc, khả năng thích ứng với công nghệ thông tin của đội ngũ lao động của báo dần được nâng lên. Đây có thể xem là bước khởi đầu cho sự phát triển về sau của báo về công nghệ thông tin.

Ấn tượng thứ hai và sâu sắc nhất mà tôi không thể quên là vào khoảng năm 2012, Báo Công Thương đã làm một “cuộc cách mạng” khi thay đổi từ giấy in đến trình bày maket, nội dung… Tất cả phóng viên vì vậy cũng phải bắt buộc thay đổi theo. Từ đó báo giấy phát triển cho đến ngày nay.

Sau khi báo giấy “lột xác” là đến báo Công Thương điện tử. Tôi cũng đã tham gia vào “cuộc cách mạng” của báo Công Thương điện tử ngay từ đầu. Lúc đó máy chủ, giao diện, nền tảng CMS thay đổi, các chuyên mục cũng thay đổi, phóng viên được tăng cường đào tạo.

Nhờ có đam mê, nền tảng công nghệ từ trước nên đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhập cuộc rất nhanh chóng. Báo Công Thương điện tử thu hút rất nhiều độc giả và không ngừng thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức toạ đàm trực tuyến ngay tại toà soạn…

Làm báo trong thời 4.0: Phóng viên cần làm chủ công nghệ
Nhà báo Trần Phương Quang - Nguyên trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo Công Thương

Bên cạnh quyết tâm của tập thể tòa soạn, sự chuyển mình của Báo Công Thương đan xen nhiều khó khăn, thưa ông?

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khó khăn là điều không riêng gì Báo Công Thương mà bất kỳ toà soạn nào cũng gặp phải. Đó là nền tảng công nghệ, nhân lực… Báo Công Thương đã sớm nhận thức được khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình phát triển giữa bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ nên đã có bước chuyển mình, thay đổi phù hợp.

Hơn 20 năm gắn bó với tờ báo, từ cuối năm 1988 (thời kỳ Báo Thương nghiệp) đến cuối những năm 90 (Báo Thương mại) và cho đến ngày nay (Báo Công Thương) có điều rất đặc biệt đó là tư duy vượt qua chính mình, đổi mới chính mình để vươn lên. Tư duy đó là xuyên suốt và định hướng cho mọi mặt hoạt động của tờ báo cũng như của từng cá nhân. Hai câu chuyện tôi đã chia sẻ về đổi mới công nghệ thông tin, học máy vi tính cho đến một cuộc lột xác ngoạn mục của Báo Công Thương giấy và điện tử chính là chứng minh cho việc đổi mới chính mình. Từ sự làm mới đó, Báo Công Thương đã vượt qua rất nhiều khó khăn.

Đến hôm nay, nền tảng công nghệ, thiết bị máy móc, trình độ năng lực của biên tập viên, phóng viên toà soạn đã được nâng lên rất nhiều nên tôi tin mọi khó khăn Báo Công Thương sẽ vượt qua được. Đặc biệt là từ năm 2012-2014, Ban biên tập Báo Công Thương đã đề ra định hướng, mục tiêu đó là biến Báo Công Thương thành cơ quan truyền thông đa phương tiện. Tất nhiên, việc chuyển đổi không hề dễ dàng nhưng Báo Công Thương đã đi những bước đầu tiên và tiến tới mục tiêu thành cơ quan truyền thông đa phương tiện. Thời gian gần đây, Báo Công Thương đã làm rất nhiều việc để hướng tới mục tiêu này.

Vượt qua những thách thức, khó khăn với sự chuyển mình và phát triển ấn tượng của Báo Công Thương, ông có nhận định gì về về vị thế của Báo Công Thương trên thị trường báo chí hiện nay?

Bộ Công Thương là một Bộ không hề nhỏ của nền kinh tế đất nước và vì thế vị thế của Báo Công Thương cũng không hề nhỏ. Trên nền tảng công nghệ, một lực lượng phóng viên, biên tập viên, cán bộ có trình độ, chuyên môn… tôi cho rằng Báo Công Thương đã có một vị thế nhất định trên thị trường báo chí hiện nay, đặc biệt là báo Công Thương điện tử.

Bên cạnh đó, Báo Công Thương giấy vẫn luôn luôn giữ một vai trò quan trọng. Nhưng để phát triển mạnh hơn nữa, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương, nhất là về tài chính để báo có thể phát triển, đáp ứng yêu cầu về cơ quan truyền thông đa phương tiện và có vị thế cao trên thị trường, đúng với vị thế của Bộ Công Thương.

Với kinh nghiệm của mình, ông có chia sẻ gì về làm báo 4.0 với các thế hệ phóng viên trẻ?

Thời kỳ làm báo của chúng tôi vào những năm 80, 90 thế kỷ trước so với làm báo bây giờ là khác rất nhiều. Nên, để có thể chia sẻ về làm báo kinh nghiệm của tôi chỉ có mấy từ rất đơn giản đó là: Chăm chỉ, cần mẫn và đam mê, trong đó nếu không có đam mê thì không làm được bất cứ điều gì. Từ đó, phóng viên dần dần sẽ nâng cao được trình độ của mình.

Ngoài ra, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí không thể tách rời được công nghệ và phóng viên cũng không thể tách rời được công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ không thể thay thế con người và phóng viên phải làm chủ công nghệ để làm việc hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi thông tin mạng xã hội phát triển cạnh tranh với báo chí truyền thống thì báo chí cũng không thể tách rời mạng xã hội. Do vậy, báo chí phải quan tâm đến đời sống, thông tin từ mạng xã hội, từ thông tin thuận đến thông tin trái chiều vì mạng xã hội cũng là một nguồn thông tin. Phóng viên nên xem đây là kênh để có thể định hướng tìm hiểu, điều tra và chắt lọc thông tin về một vấn đề nào đó. Như vậy mới có một bài báo hay.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương