Lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng giảm, nguồn vốn quay trở lại hệ thống ngân hàng

(Banker.vn) Thông thường, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có biến động trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu thanh toán của nền kinh tế tăng cao. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hệ thống ngân hàng đã tăng cường các biện pháp huy động vốn để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, chi trả và hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng (TCTD). Đến nay, lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng giảm khi nguồn vốn đã quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Lý giải sức nóng trên thị trường liên ngân hàng

Sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, đặc biệt từ ngày 27/01/2022 đến ngày 09/02/2022, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần có diễn biến tăng mạnh, từ mức lần lượt là 0,9% và 1,19%, lên mức 3,32% và 3,39%/năm. Thống kê cho thấy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Trong tuần từ ngày 07 - 11/02/2022, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt vẫn duy trì mức cao như lãi suất qua đêm là 2,91%/năm; 01 tuần là 2,92%/năm và 01 tháng là 3,09%/năm. Đối với các giao dịch USD: Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm là 0,12%/năm; 01 tuần là 0,16%/năm; 01 tháng là 0,29%/năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tuần từ ngày 14 - 18/02/2022, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể: Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt từ 0,1%/năm, 0,11%/năm và 0,34%/năm xuống mức 2,81%/năm, 2,81%/năm và 2,75%/năm. Đối với các giao dịch USD: So với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng giảm nhẹ ở các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể: Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt từ 0,02%/năm, 0,03%/năm và 0,01%/năm xuống mức 0,1%/năm, 0,13%/năm và 0,28%/năm.

Lý giải sức nóng trên thị trường liên ngân hàng những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, có thể thấy do một số nguyên nhân như sự mở cửa và hồi phục của nền kinh tế, khi tín dụng khởi sắc (dư nợ tín dụng nền kinh tế đến cuối tháng 01/2022 đã tăng khoảng 2,57% so với cuối năm 2021) và đặc biệt là nhu cầu thanh toán của nền kinh tế tăng cao. Thông thường, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có biến động trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu thanh toán của nền kinh tế tăng cao. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hệ thống ngân hàng đã tăng cường các biện pháp  huy động vốn để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, chi trả và hoạt động ngân hàng của TCTD. Đến nay, lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng giảm khi nguồn vốn đã quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Trên thị trường 1 (giao dịch với dân cư và tổ chức), diễn biến lãi suất huy động ghi nhận trong tháng 02/2022, một số ngân hàng thay đổi lãi suất so với tháng trước. Do đó, bảng so sánh lãi suất ngân hàng sau khi khảo sát tại hơn 30 ngân hàng trong nước ở kỳ hạn tiết kiệm 3 năm (36 tháng) dao động từ 5,1%/năm đến 7%/năm.

Trong đó, giữ vị trí cao nhất tại kỳ hạn 36 tháng hiện nay là Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) SCB với mức lãi suất đang được huy động là 7%/năm cho mọi khoản tiền gửi. Ngân hàng TMCP VietBank và Việt Á hiện cùng giữ lãi suất tiết kiệm cao thứ hai tại kỳ hạn 3 năm với mức áp dụng đồng thời là 6,9%/năm.

Ngoài ra, có thể kể đến một số ngân hàng hiện nay đang áp dụng lãi suất kỳ hạn 3 năm ở mức tương đối cạnh tranh như: Bac A Bank (6,8%/năm); Kienlongbank là 6,75%/năm; ngân hàng Bản Việt (6,7%/năm); PVcombank ấn định lãi suất là 6,65%/năm và SeABank niêm yết ở mức là 6,63%/năm (điều kiện số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên)…

Đáng chú ý khi xét tại nhóm 4 “ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank, lãi suất huy động trong tháng 02/2022 tiếp tục được giữ nguyên các mức áp dụng giống như trước. Theo đó, lãi suất huy động tại Vietinbank là 5,6%/năm; BIDV là 5,5%/năm; Vietcombank thấp nhất là 5,3%/năm. Riêng Agribank vẫn không triển khai lãi suất tại kỳ hạn này.

VPBank là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất tại kỳ hạn 3 năm với mức ấn định là 5,1%/năm, khi khách hàng gửi tiền dưới 300 triệu đồng.

Trước đó, trong tuần đầu sau Tết Nguyên đán, các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động 0,3 - 0,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái để hút tiền gửi trong dân ngay sau ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Có ngân hàng công bố mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 12,4%/năm trong tháng đầu tiên.

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng.

Thống kê của NHNN cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi cuối tháng 01/2022 tăng nhẹ so với tháng 12/2021 (lãi suất huy động tăng khoảng 0,06% so với tháng 12/2021). Nguyên nhân chủ yếu là do tháng 01/2022 cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, có một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi.

Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 -3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1 - 6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).

Khuyến khích các TCTD tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Năm 2022, bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục phục hồi nhưng nhiều bất trắc và có sự phân hóa mạnh giữa các khu vực, phụ thuộc vào quá trình phổ quát vắc-xin. Giá hàng hóa cơ bản và lạm phát thế giới dự báo ở mức cao. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có thể biến động phức tạp khi Fed dự kiến kết thúc các gói nới lỏng định lượng (QE) vào tháng 7/2022 và bắt đầu nâng lãi suất từ cuối năm 2022; xu hướng tăng lãi suất dự kiến được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển khi kinh tế phục hồi và mở cửa trở lại. Căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước phương Tây trước chiến dịch quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine…

Trong nước, tăng trưởng kinh tế dự kiến phục hồi nhờ các yếu tố quốc tế và trong nước, cụ thể, các đối tác thương mại lớn phục hồi khá vững, việc tích cực thúc đẩy tiêm chủng giúp kiểm soát cơ bản dịch bệnh, tạo điều kiện mở cửa kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công và phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do. Mặc dù vậy, dịch bệnh khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới, nguồn cung vắc-xin hạn chế, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ gây rủi ro, bất trắc đối với triển vọng tăng trưởng. Có thể nói, năm 2022, rủi ro lạm phát có nguy cơ tăng cao khi giá nguyên, nhiên, vật liệu của thế giới vẫn ở mức cao (chi phí đẩy) và áp lực phục hồi kinh tế trong nước nửa cuối năm 2022 (cầu kéo); xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, độ trễ của các gói kích thích kinh tế khá lớn 2 năm qua sẽ tác động tới diễn biến lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, nhất là khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở cao.

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, tình hình vốn khả dụng của các TCTD để điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. NHNN điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp với tình hình hoạt động, nhu cầu vốn của TCTD và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, cùng các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.​​

Bên cạnh đó, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp: Theo dõi tình hình tăng trưởng tín dụng của các TCTD và của toàn hệ thống để có biện pháp điều hành phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng phục hồi phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động.

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước 2%/năm (tối đa 40.000 tỷ đồng) trong hai năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, hiện NHNN đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn cho vay của NHNN để triển khai chính sách này. Ngày 16/02/2022, NHNN đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại và một số đơn vị có liên quan; ngày 22/02/2022, NHNN đã tổ chức họp với các bộ, ngành, đại diện các ngân hàng thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI để lấy ý kiến trực tiếp đối với các dự thảo; dự kiến hoàn thiện để kịp trình Chính phủ ban hành trong tháng 3/2022 theo kế hoạch.
 
Tài liệu tham khảo: sbv.gov.vn


Trang Nhung
Ngân hàng Nhà nước

Theo Tạp chí Ngân hàng

Theo: Tạp chí Ngân hàng