Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng đẩy lên kịch trần

(Banker.vn) Sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng lên 6%/năm, nhiều ngân hàng đã ngay lập tức tăng lãi suất các kỳ hạn này lên kịch trần.

Nợ xấu nội bảng ngân hàng Bản Việt (BVB) tăng hơn 21% lên 1.425 tỷ đồng trong 9 tháng

Agribank đấu giá khoản nợ của chủ đầu tư Dự án Căn hộ Hạnh Phúc với dư nợ hơn 700 tỷ đồng

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa phiên 26/10: LPB dẫn đầu tăng giá và thanh khoản

Biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tăng lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 1 – 5 tháng lên mức 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước đó.

Tại kỳ hạn 6 – 7 tháng, mức lãi suất khách hàng được hưởng tại ngân hàng này khi gửi theo gói Tiết kiệm An Phú cũng ở mức rất cao là 8%/năm; kỳ hạn 8 – 9 tháng là 8,05%/năm.

Kỳ hạn 12 tháng với gói tiết kiệm này, NCB niêm yết lãi suất 8,2%/năm; 15 tháng là 8,35%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đang niêm yết là 8,45%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 2 năm trở lên.

Trong khi đó, với sản phẩm tiết kiệm truyền thống, mức lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng ở mức kịch trần; các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất thấp hơn khoảng 0,5%/năm so với gói Tiết kiệm An Phú.

NCB tăng lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 1 – 5 tháng lên mức 6%/năm
NCB tăng lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 1 – 5 tháng lên mức 6%/năm

Một ngân hàng khác cũng ngay lập tức nâng lãi suất lên mức trần với các kỳ hạn dưới 6 tháng là BacABank. Với các kỳ hạn 6 – 11 tháng, lãi suất dao động 7,6 – 7,7%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động từ 8,0 – 8,2%/năm. Các mức lãi suất này không đổi so với trước đó.

Không đứng ngoài cuộc, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn và tầm trung cũng nhập cuộc. Trong biểu lãi suất áp dụng từ chiều 25/10, Sacombank nâng lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng thêm 1% năm, lên mức từ 5,6 – 6%/năm tùy từng kỳ hạn.

Cuối giờ chiều 25/10, VPBank cũng công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 26/10. Trong đó, với sản phẩm tiết kiệm thường, lãi suất các kỳ hạn 1 – 5 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng dao động trong khoảng 5,6 – 5,8%/năm. Số tiền 300 triệu đồng đến dưới 3 tỷ đồng dao động 5,9 – 6%/năm và từ 3 tỷ đồng trở lên được áp dụng lãi suất 6%/năm.

Đối với tiền gửi 6 tháng, mức lãi suất khách hàng được hưởng dao động từ 7,4 – 7,9%/năm tùy khoản tiền gửi; kỳ hạn 12 tháng từ 7,5 – 8,2%/năm; kỳ hạn 24 tháng trở lên từ 7,7 – 8,4%/năm.

Đối với tiền gửi trên kênh online, VPBank áp dụng lãi suất cao hơn 0,2 – 0,3%/năm so với gửi tại quầy, theo đó lãi suất cao nhất tại nhà băng này đang là 8,7%/năm. Thậm chí với khách hàng thuộc phân khúc khách hàng ưu tiên còn được cộng thêm 0,1% đối với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên nhưng không vượt quá mức trần NHNN quy định.

Tương tự, LienVietPostBank cũng áp dụng mức lãi kịch trần 6%/năm đối với các khoản tiền gửi 1 – 5 tháng.

Trong khi đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank) đến thời điểm này chưa thay đổi lãi suất huy động.

Trước đó, từ 25/10, NHNN đã tăng trần lãi suất huy động tiền gửi lên 6%/năm, cùng với việc tăng một loạt lãi suất điều hành khác. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của nhà điều hành chỉ sau hơn 1 tháng.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tháng 10 vừa qua là một tháng đầy biến động của thị trường tiền tệ trong nước, câu chuyện lãi suất và tỷ giá của Việt Nam chỉ trong một tháng đã diễn biến rất nhanh và hiện tại vẫn chưa hạ nhiệt.

Việc tỷ giá USD/VND tăng vọt đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % nhằm kiềm hãm đà tăng của tỷ giá. Hành động tăng lãi suất của NHNN theo đó ảnh hưởng đến một loạt các lãi suất trên thị trường 1. Chênh lệch lãi suất cho vay qua đêm giữa tiền USD và tiền VND hiện đang ở mức 300 điểm cơ bản.

Dù vậy, biến động mạnh của tỷ giá trong một thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý găm giữ đồng USD, với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, VDSC không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10%-15% trong năm 2022.

Tỷ giá và lãi suất hiện đang là một vòng xoáy, chuyên gia cho rằng NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5-1 điểm % lãi suất điều hành trong hai tháng cuối năm vì hiện tại đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Hoàng Quyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục