Lãi suất huy động bật tăng, dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều?

(Banker.vn) Mặt bằng lãi suất huy động mới đã được hình thành, dự báo lãi suất cho vay cũng sẽ được các ngân hàng điều chỉnh.
Lãi suất huy động tăng là áp lực lên tỷ giá “vơi dần” Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 20/5/2024: Thêm ngân hàng tăng lãi suất lên trên 6%/năm Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 22/5/2024: Xuất hiện ngân hàng ngược dòng hạ lãi suất

Nguồn vốn rẻ do huy động với lãi suất thấp từ những tháng cuối năm 2023 đến hết quý 1/2024, để từ đó giúp các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, được dự báo sẽ có sự điều chỉnh từ đầu quý 3 tới do các ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, trong tháng 4/2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại tăng lên 4,61%/năm, tức là +0,05 điểm % so với tháng trước và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Thị trường ngân hàng từ đầu tháng 5 đến nay ghi nhận đã có gần 20 ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm: VIB, HDBank, ACB, VPBank, TPBank, SeABank, ABBank ...

Tính đến giữa tháng 5/2024, hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất đầu vào trở lại, với mức cao nhất đang được áp dụng 6,2%/năm kỳ hạn dài.

Diễn biến thị trường cho thấy lãi suất huy động có thể đã tạo đáy, không chỉ do các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động lên so với đầu năm mà ngay cả lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam - một chỉ báo quan trọng cho xu hướng lãi suất huy động - đã tăng lên 2,09% vào ngày 26/4 từ mức 1,84% vào cuối tháng 3. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hút ròng lên 57,8 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) tính tới ngày 10/5 sau khi bơm ròng 66,5 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD) vào cuối tháng 4 trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm neo ở mức trên 4,0% tính đến ngày 10/5, tăng từ mức 3,98% vào cuối tháng 4.

Ngành Ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Thị trường ngân hàng từ đầu tháng 5 đến nay ghi nhận đã có gần 20 ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng lãi suất

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đang sụt giảm. Đến hết quý 1/2024 huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm gần 0,8% so với đầu năm và kém mức tăng 1,2% của cùng kỳ năm trước. Vì thế, để đảm bảo nguồn vốn cho quý 3 - 4, thời điểm cao điểm kinh doanh của các doanh nghiệp thì các ngân hàng phải rục rịch tăng dần lãi suất huy động.

Đưa ra cái nhìn tổng quan về thị trường lãi suất, trong Báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect nêu quan điểm rằng, mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể, ít nhất là trong quý III/2024, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.

Nhóm nghiên cứu dẫn chứng: Thời điểm cuối tháng 3/2024, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 170 nghìn tỷ đồng (6,6 tỷ USD). Sau đó, khi lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực bơm thanh khoản trở lại hệ thống trong hầu hết tháng 4. Những động thái linh hoạt này sẽ đảm bảo tỷ giá vẫn được hỗ trợ nhưng tránh gây áp lực quá lớn lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trong khi việc lãi suất huy động giảm từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, dẫn đến chi phí vốn thấp hơn, có thể cho phép các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay, tín hiệu lãi suất huy động chạm đáy và bật tăng trở lại trong tháng vừa qua có thể là chỉ báo cho thấy dư địa giảm thêm lãi suất cho vay không còn nhiều do các ngân hàng thương mại còn phải cân đối với các chỉ tiêu kinh doanh khác và duy trì tỷ lệ NIM (tỷ suất lợi nhuận thuần từ lãi vay) lành mạnh.

Cũng cho rằng lãi suất huy động có thể phục hồi trong các tháng tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thêm rằng mức tăng lãi suất tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed).

Lãi suất huy động bật tăng, dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều?
Hiện nay, sản xuất kinh doanh phục hồi nên cầu tín dụng đã được cải thiện khá nhiều

Liên quan tới tăng trưởng tín dụng và xu hướng lãi suất cho vay, hiện nay cầu tín dụng đã được cải thiện khá nhiều, tiếp đà tăng từ tháng 2 đến nay. Tại TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 1,31% so với đầu năm và tăng 9,33% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng trung dài hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng ngắn hạn (1,96% so với 0,6%).

Còn tại Hà Nội, con số được Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố cho thấy, ước đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.670 nghìn tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 1,47% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, tăng 0,63% và giảm 0,06%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.166 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93% và tăng 2,57%.

Về lãi suất cho vay, hiện lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,4 - 9,6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm). Lãi suất cho vay mua nhà, vay tiêu dùng dao động quanh mức 6,5 - 7,5%/năm trong thời gian ưu đãi 18 - 24 tháng sau đó thả nổi cộng thêm theo biên độ lãi suất huy động.

Theo đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, đến thời điểm hiện tại lãi suất cho vay chưa tăng do nguồn tiền các ngân hàng đưa ra vẫn là nguồn vốn rẻ huy động trước đó. Hơn nữa, tín dụng mới chỉ tăng nhẹ trở lại, theo mục tiêu Chính phủ chỉ đạo là cố gắng tăng 5 - 6% trong quý 2 này nên việc tăng lãi suất cho vay, nếu có, chỉ bắt đầu từ quý 3, và mức tăng cũng sẽ không nhiều. “Các ngân hàng đều cần đẩy vốn ra nền kinh tế để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo ngành ngân hàng thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” - vị lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Tín dụng đến hết tháng 4 mới tăng chưa đạt 2%.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương