Lai lịch bất ngờ người đứng sau Thị Nại Eco Bay, chủ đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng ở Bình Định

(Banker.vn) Được biết, bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc là một trong những người con của cố doanh nhân Trần Thị Hường (bà Tư Hường), nữ tướng gây dựng nên Tập đoàn Hoàn Cầu lớn mạnh ngày nay. Còn chồng bà Ngọc, ông Huỳnh Thành Chung vốn là doanh nhân nức tiếng ở khu vực duyên hải Nam trung bộ và là Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Lai lịch bất ngờ của giới chủ Thị Nại Eco Bay, chủ đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng ở Bình Định
Dự án Đầm Thị Nại là khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp biệt thự nhà ở và các công trình dịch vụ thương mại với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến cung cấp ra thị trường gần nghìn căn biệt thự, bên cạnh khu dịch vụ thương mại, nhà hàng trên đảo, khách sạn trên đảo...

Nợ quá hạn hơn 400 tỷ đồng tiền thuê đất

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo Cục Thuế tỉnh kiểm tra, rà soát và đôn đốc Công ty CP Thị Nại Eco Bay (trụ sở thành phố Quy Nhơn) khẩn trương thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại.

Theo đó, trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, ngành thuế tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án nêu trên của nhà đầu tư theo quy định; Sở Xây dựng kiểm tra việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 10/1/2020, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Theo Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - đơn vị có nhiệm vụ thu tiền thuê đất dự án, dự án nộp tiền thuê đất một lần nhưng hiện nộp chưa đúng thời hạn.

Tính đến cuối tháng 8/2022, Công ty CP Thị Nại Eco Bay còn nợ hơn 400 tỷ đồng tiền thuê đất và đã chậm hơn 90 ngày phải nộp.

Chi cục Thuế TP. Quy Nhơn đã cưỡng chế các tài khoản của doanh nghiệp nhưng trong các tài khoản đều không có tiền. Sắp tới, Chi cục Thuế sẽ cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành thì đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh thu hồi dự án.

Trước đó, ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay thuê 596.593m2 đất để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại tại phường Đống Đa và Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn.

Thời hạn thuê đất 50 năm với hình thức trả tiền một lần. Được biết, tổng tiền thuê đất đối với dự án trên 1.100 tỷ đồng, chủ đầu tư được hưởng ưu đãi giảm thuế hơn 80 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại là khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp biệt thự nhà ở và các công trình dịch vụ thương mại với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến cung cấp ra thị trường gần nghìn căn biệt thự, bên cạnh khu dịch vụ thương mại, nhà hàng trên đảo, khách sạn trên đảo...

Bất ngờ lai lịch giới chủ

Theo tìm hiểu, Công ty CP Thị Nại Eco Bay (Công ty Thị Nại Eco Bay) thành lập ngày 25/11/2016, trụ sở đặt tại đường Phan Bội Châu, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.

Vốn sáng lập của Công ty là 80 tỷ đồng, trong đó bà Trần Thị Diệp (SN 1974) góp 6,4 tỷ đồng, ông Huỳnh Thành Chung (SN 1968) góp 33,6 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc (SN 1972) góp 40 tỷ đồng còn lại, tương ứng tỷ lệ sở hữu lần lượt là 8%, 42% và 50%.

Bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Trong khi đó, ông Huỳnh Thành Chung làm Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT.

Được biết, bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc là một trong những người con của cố doanh nhân Trần Thị Hường (bà Tư Hường), nữ tướng gây dựng nên Tập đoàn Hoàn Cầu lớn mạnh ngày nay. Còn ông Huỳnh Thành Chung là chồng của bà Ngọc, là doanh nhân nức tiếng ở khu vực duyên hải Nam trung bộ và là Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Giai đoạn 2007-2008, ông Chung đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á, sau đó lui về làm Phó chủ tịch và đến năm 2014 mới rút chân khỏi nhà băng này.

Tại Bình Định, cặp đôi doanh nhân trên còn để lại ấn tượng mạnh với dự án Khu du lịch và biệt thự sinh thái núi Bà Hỏa rộng hơn 9,6 ha, được chấp thuận chủ trương đầu tư ở giữa năm 2018, tiếp tục điều chỉnh tăng quy mô, tổng vốn đầu tư vào năm 2019.

Trở lại với Công ty Eco Bay, năm 2021, khoản thuế và các khoản phải nộp nhà nước bất ngờ tăng từ 171 triệu đồng lên 469 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng cường nợ vay ngắn hạn thêm 145 tỷ đồng so với năm trước, lên 245 tỷ đồng. Nợ phải trả theo đó tăng lên 722 tỷ đồng, gấp 5,3 lần năm 2020.

Nhằm gia cố cho bộ đệm vốn đang khá mỏng manh, nhóm cổ đông Công ty Eco Bay nâng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng trong năm 2021, từ đó hạn chế các rủi ro tài chính phát sinh.

Tuy nhiên, bên kia bảng cân đối kế toán thể hiện, năm 2021, chủ đầu tư dự án Đầm Thị Nại đã "đem" hơn 1.076 tỷ đồng ra khỏi doanh nghiệp, ghi nhận ở mục chi phí trả trước dài hạn, trong khi năm 2020 chỉ hơn 21,7 triệu đồng.

Bức tranh kinh doanh của Công ty Eco Bay cũng không có điểm nhấn nào đáng chú ý. Kể từ khi thành lập, doanh nghiệp chưa tạo ra một đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mỗi năm lỗ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng vì các chi phí quản lý, vận hành.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán