Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty CP VNG (UPCoM: VNZ) chứng kiến thêm một kỳ kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp này. Quý cuối năm, doanh thu thuần của “kỳ lân” công nghê đạt 2.177 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng tới 22%, khiến lợi nhuận gộp giảm gần 12%, xuống còn 787 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng bị thu hẹp từ mức 43,9% xuống mức 36,2%.
Trong khi đó, hoạt động tài chính cũng sa sút và không thể mang về lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu tài chính chỉ ghi nhận ở mức 23 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Do phát sinh 29 tỷ đồng chi phí lãi vay, chi phí tài chính cũng tăng vọt 210%, từ mức 14 tỷ đồng lên tới 44 tỷ đồng, “thổi bay” khoản doanh thu từ hoạt động này.
Điểm tích cực là VNG đã tiết giảm được đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt ở các mức 16% và 39%, xuống còn 585 tỷ đồng và 352 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản lỗ trong công ty liên kết cũng giảm 56%, xuống còn 44 tỷ đồng, còn khoản lỗ khác giảm mạnh 73%, xuống còn 42 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do các khoản chi phí nói trên vẫn còn quá cao so với doanh thu của VNG, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 291 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2023, chỉ duy nhất quý II, “kỳ lân” công nghệ làm ăn có lãi. Song nếu so với khoản lỗ 766 tỷ đồng ghi nhận vào quý IV/2022, khoản lỗ quý IV/2023 đã thu hẹp khá nhiều. Doanh nghiệp cho hay, điều này chủ yếu là nhờ việc quản lý chi phí một cách hiệu quả.
Chỉ tiêu kinh doanh quý IV và luỹ kế năm 2023 của VNG |
Tính chung năm 2023, doanh thu thuần của VNG đạt hơn 8.608 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn là mảng mang về doanh thu lớn nhất và chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Cụ thể, doanh thu từ mảng kinh doanh này lên tới 6.489 tỷ đồng, đóng góp 75% vào doanh thu, tăng hơn 19% so với năm 2022. Theo sau là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông với 983 tỷ đồng. Ngoài ra, dịch vụ nhạc chờ và bản quyền bài hát cũng là mảng ghi nhận tăng trưởng, mang về gần 47 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng quảng cáo sụt giảm 33%, còn các dịch vụ khác giảm 43%.
Đáng chú ý, trong năm 2023, do phát sinh 84 tỷ đồng chi phí lãi vay và phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn gần 67 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận lỗ từ hoạt động đầu tư tăng tới gần 10 lần, chi phí tài chính của VNG tăng vọt từ mức 26 lên tới 187 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, năm 2023, VNG lỗ sau thuế 756 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 540 tỷ đồng. Mặc dù số lỗ này đã "co lại" đáng kể so với năm 2022 nhưng vẫn là chưa đủ để VNG hoàn thành mục tiêu đặt ra là giảm lỗ ròng về 378 tỷ đồng. Nói về kết quả này, VNG cho biết, nguyên nhân là do công ty tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.
Giải trình biến động lợi nhuận của VNG |
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VNG ghi nhận ở mức 9.716 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng lượng tiền mặt và tiền gửi đạt xấp xỉ 3.964 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, khoản mục phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm nhẹ, ghi nhận ở mức 544 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm tới 5 lần, xuống còn 214 tỷ đồng, do doanh nghiệp đã hoàn thành dự án xây dựng VNG Data Center.
Đáng chú ý, khoản mục đầu tư tài chính dài hạn giảm 17%, xuống còn 1.208 tỷ đồng. Tại đây, dự phòng tổn thất tăng mạnh từ mức 2 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng, là dự phòng cho các khoản đầu tư vào một số đơn vị khác.
Còn trên báo cáo tài chính riêng, giá trị đầu tư dài hạn của VNG lên tới 4.839 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ sở hữu tại Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) đã tăng từ mức 70% lên mức 73%, tương ứng giá trị đầu tư là gần 3.365 tỷ đồng. Số tiền này đã tăng 190 tỷ so với cuối quý 3 và tăng hơn 400 tỷ so với đầu năm.
Một điểm cần lưu ý, dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn của VNG tại thời điểm cuối năm cũng tăng lên gần 3.300 tỷ đồng. Doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết cho sự thay đổi này nhưng nhiều khả năng, phần lớn khoản dự phòng nói trên là đối với khoản đầu tư vào Zion.
Bên cạnh đó, đa phần các khoản đầu tư liên kết của VNG đang lỗ. Trong đó, khoản lỗ nặng nhất là Tiki Global với khoản lỗ luỹ kế tới nay đã lên tới tới 510 tỷ đồng. Duy chỉ có Dayone báo lãi, tuy nhiên khoản lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức 8 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm, tổng nợ phải trả của VNG ghi nhận ở mức 5.345 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm, chiếm 55% cơ cấu nguồn vốn.
Trong một diễn biến khác, VNG mới đây đã chính thức rút hồ sơ IPO trên sàn Nasdaq, “gác lại” kế hoạch “Mỹ tiễn”. Doanh nghiệp cho biết sẽ tiến hành lại quá trình IPO trong tương lai nhưng không nêu thời gian cụ thể.
Như kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, tháng 8/2023, VNG đã thông báo về việc công ty holding của họ là VNG Limited nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) với mục tiêu huy động khoảng 150 triệu USD thông qua đợt IPO này.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, “kỳ lân” công nghệ đã quyết định hoãn kế hoạch này do thị trường không thuận lợi. Theo CEO Lê Hồng Minh, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng với các đợt IPO của các công ty công nghệ ở châu Á.
Trên thị trường, mặc dù đã giảm gần 60% so với vùng đỉnh hồi tháng 2 năm ngoái nhưng hiện cổ phiếu VNZ vẫn là cái tên đắt đỏ nhất sàn chứng khoán Việt Nam với thị giá lên tới 589.000 đồng/cp.
"Kỳ lân công nghệ" VNG bất ngờ rút hồ sơ IPO trên đất Mỹ Sau nửa năm kể từ khi nộp hồ sơ theo mẫu F-1 lên SEC, VNG Limited đã xin rút lại toàn bộ hồ sơ đăng ... |
VNG lỗ gần 300 tỷ đồng, cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch Trước khi Công ty CP VNG công bố BCTC kiểm toán bán niên 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 24/10 đã công ... |
Kỳ lân công nghệ VNG bị phạt do vi phạm quy định công bố thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 346/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty ... |
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|