Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5

(Banker.vn) Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 22/5/2023, bế mạc ngày 20/6/2023 và dự phòng ngày 21/6/2023.
Chủ tịch Quốc hội: Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Thảo luận 7 dự án luật

Tiếp tục nội dung phiên họp thứ 22, ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Trình bày Báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 4 diễn ra trong 0,5 ngày ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp bất thường đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra; Quốc hội đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Việc tiến hành bầu Chủ tịch nước đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Hồ sơ tài liệu trình Quốc hội được chuẩn bị chất lượng; các thông tin liên quan đến nhân sự được chuẩn bị rõ ràng, cung cấp kịp thời, tạo thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đảm nhận vị trí quan trọng của đất nước.

Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước đã tiến hành việc tuyên thệ theo đúng quy định của Hiến pháp trong không khí trang trọng, nghiêm túc. Sau tuyên thệ, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu nhậm chức với thông điệp khẳng định trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, không ngừng chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của cử tri và nhân dân; kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Mặc dù thời gian kỳ họp ngắn, công tác chuẩn bị gấp nhưng nội dung của kỳ họp vẫn được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng. Công tác phục vụ về mọi mặt cho kỳ họp cũng được triển khai tích cực, bảo đảm chu đáo, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.

Thành công của kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri và nhân dân cả nước; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, ông Bùi Văn Cường thông tin, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Hai, ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào thứ Ba, ngày 20/6/2023 và dự phòng ngày 21/6/2023.

Theo ông Bùi Văn Cường, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.

Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các dự án, dự thảo… bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Dự kiến sau phiên họp này, phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri… sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2023. Theo đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan ngay sau phiên họp này tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các nội dung để sớm gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến chương trình chi tiết, trong đó đề nghị, tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm.

Do đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày đối với các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và 01 ngày ở hội trường đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bố trí thảo luận ở hội trường nội dung về Dự án Hồ chứa nước Kapet cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; bố trí riêng một buổi thảo luận ở hội trường các Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cùng với đó, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường đối với một số dự án luật được Nhân dân quan tâm gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương