Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Kinh tế số ngày càng có đóng góp quan trọng với GDP
Đánh giá về tương lai kinh tế số, GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, kinh tế số đang là động lực tăng trưởng quan trọng nhất hiện nay. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn, dự báo về GDP liên tục giảm, thì dự báo kinh tế số lại liên tục tăng.
Các dự báo mới nhất được các tổ chức trong nước và quốc tế đưa ra cho thấy, trong bối cảnh kinh tế có chiều hướng điều chỉnh giảm ở phạm vi toàn cầu do những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì kinh tế số liên tục có sự tăng trưởng cao, có chiều hướng gia tăng.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek và Bain Economy, dù đứng sau Indonesia và Thái Lan trong khu vực ASEAN về tổng doanh thu nhưng kinh tế số Internet Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 16%/năm, so với 11%/năm của Indonesia hay 7%/năm của Thái Lan.
Tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Vào năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô tăng trưởng hơn 600 tỷ USD, theo dự báo trên thì quy mô kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain Economy cũng đưa ra dự báo, tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Vào năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô tăng trưởng hơn 600 tỷ USD, theo dự báo trên thì quy mô kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.
Nhận định về các ngành tiêu biểu trong kinh tế số, báo cáo e-Conomy SEA cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025, các ngành: thương mại điện tử sẽ tăng trưởng 32%; vận tải và thực phẩm tăng 24%; du lịch trực tuyến tăng 44%; và nội dụng nghe nhìn trực tuyến tăng 16%.
Có thể nói, các dự báo của Google, Temasek và Bain Economy về kinh tế số tại Việt Nam khá phù hợp với mục tiêu được đặt ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mới được Chính phủ ban hành.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Đến năm 2030, Chiến lược này kỳ vọng đạt được các mục tiêu cụ thể như: Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Về phát triển xã hội số, Chiến lược định nghĩa, xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống. Người dân được kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số, văn hóa số.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, trong cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 6,88% đến 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể của cả nền kinh tế. Tiềm năng tăng trưởng về kinh tế số ở Việt Nam là rất lớn. Kinh tế số ở Việt Nam đang chiếm 1,7%/năm trong GDP, doanh thu của ngành kinh tế số internet trên 20% cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân GDP quý I/2022.
“Đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động”, GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh, đồng thời đưa ra các kịch bản chuyển đổi số có đóng góp đến tăng trưởng GDP đến năm 2045: “Nếu phát triển kinh tế số của mức truyền thống thì kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,38% tương đương 60,9 tỷ USD; nếu theo kịch bản xuất khẩu số, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,45% tương đương 66,9 tỷ USD; nếu theo kịch bản tiêu dùng số, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,63% tương đương 102,8 tỷ USD; nếu theo kịch bản chuyển đổi số mạnh mẽ, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 1,1% tương đương 168,6 tỷ USD”.
Cùng chung quan điểm, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đưa ra nhận định kinh tế số sẽ tăng nhanh tại Việt Nam trong những năm tới. “Kinh tế internet tăng nhanh tại Philippines, Indonesia, Malaysia trong 2 năm qua nhưng sẽ tăng nhanh hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Kinh tế số chính là một trong ba động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.
Để thúc đẩy kinh tế số phát triển
Dù có rất nhiều tiềm năng và đang trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên theo GS.TS Trần Thọ Đạt, mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam mới chỉ đứng ở mức trung bình, xếp thứ 70/141 quốc gia, với điểm đánh giá cũng ở mức trung bình: 12,06/25 điểm. Trong khi đó, Thái Lan đứng thứ 55 (với tổng điểm 13,21/25), Malaysia đứng thứ 38 với (18,31/25).
“Về mặt quyết sách và chiến lược, Việt Nam rất kịp thời nhưng chúng ta vẫn còn những nhược điểm”, GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
“Kinh tế internet tăng nhanh tại Philippines, Indonesia, Malaysia trong 2 năm qua nhưng sẽ tăng nhanh hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Kinh tế số chính là một trong ba động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới”.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Cụ thể, nhược điểm đầu tiên được GS.TS Trần Thọ Đạt nhắc đến đó là Việt Nam đang đi sau về kỹ năng số của nhóm dân số tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Bởi lẽ chuyển đổi số có thể làm mất đi 1/3 việc làm hiện có ở Việt Nam, đồng thời nó có thể tạo ra việc làm mới nhưng với những kỹ năng khác. Vì vậy, cần có được kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi đầu tư cá nhân và tập thể của người lao động và doanh nghiệp, vai trò của nhà nước phải thay đổi.
Tiếp đến là Việt Nam chưa có đủ doanh nghiệp theo đuổi những ý tưởng đột phá. Vì chu kỳ đổi mới sáng tạo bị rút ngắn trong nền kinh tế số, doanh nghiệp có thể bị lỗi thời rất nhanh (ví dụ: Blackberry hay Nokia). Trong bối cảnh đó, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp năng động đổi mới sáng tạo, đặc biệt khu vực tư nhân cần duy trì lợi thế với thử thách là cạnh tranh.
Cuối cùng là khả năng truy cập thông tin và dữ liệu chính là hàng hóa công cộng theo định nghĩa vì lợi ích chia sẻ thông tin lớn hơn rất nhiều so với chi phí thu thập thông tin. Để thay đổi điều này, cần cải thiện về thu thập và cho phép mọi người truy cập thông tin, đồng thời cân đối giữa bảo mật cá nhân và an ninh. Đồng thời, Chính phủ cần có những hành động, như: chia sẻ dữ liệu công trực tuyến; phát triển khả năng tương tác liên thông giữa các cơ sở dữ liệu; khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu khi các nền tảng và công cụ số mới làm giảm độc quyền của Nhà nước; Bộ chỉ số đo lường kinh tế số và công bố định kỳ.
Để hướng kinh tế số phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và thích ứng, GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh đến 5 trọng tâm chính sách kinh tế số, gồm: (1) Bộ chỉ số đánh giá toàn diện cấu trúc kinh tế số của cả nước, ngành/tỉnh; (2) Đánh giá thực trạng theo các cấu phần kinh tế số; (3) Đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế số, chú ý liên kết vùng. Đặc biệt, không thể để 63 tỉnh thành lại dàn hàng ngang trong chiến lược phát triển kinh tế số như hiện nay; (4) Xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (5) Cần tính đến khả năng về nguồn lực và khung thời gian thực hiện.
Với các quyết sách của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia thời gian qua, đặc biệt là Quyết định số 411/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, GS.TS Trần Thọ Đạt tin rằng: “Đây sẽ là động lực để thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và 2030".
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|