Kinh doanh "điêu đứng", một cổ phiếu "họ P" vẫn không ngừng tăng trần

(Banker.vn) Cổ phiếu PIT tiếp tục có thêm 5 phiên giao dịch ngập trong sắc tím, nối dài chuỗi tăng trần trước đó. Về vấn đề này, Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco, HOSE: PIT) đã có văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Kinh doanh

Lần gần nhất PIT ghi nhận chuỗi tăng trần liên tiếp là vào cuối tháng 10 năm ngoái.

Cụ thể, từ ngày 11 – 17/8, cổ phiếu PIT đều đặn tăng hết biên độ, leo từ vùng giá 7.920 đồng/cp lên ngưỡng 10.350 đồng/cp. Tính đến nay, mã cổ phiếu này đã có chuỗi 10 phiên giao dịch ngập trong sắc tím.

Giải trình về điều này, lãnh đạo Pitco khẳng định, việc cổ phiếu tăng trần là do cung cầu của thị trường và quyết định mua bán cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài kiểm soát của công ty. Doanh nghiệp này không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 17/8 - ngày Pitco tung công văn giải trình, cổ phiếu PIT tiếp tục có thêm một phiên bám đỉnh và đóng cửa ở mức 11.050 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của mã cổ phiếu này từ đầu năm đến nay.

Kinh doanh
Trong ngày Pitco tung công văn giải trình, cổ phiếu PIT tiếp tục tăng trần

So với mức giá đóng cửa 5.200 đồng/cp trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, tính tới ngày 17/8, cổ phiếu PIT đã tăng phi mã 53%. Cùng với đà tăng của cổ phiếu, vốn hoá thị trường của Pitco “nhảy vọt” mức 79 tỷ đồng lên gần 168 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thanh khoản cổ phiếu PIT cũng không còn “lẹt đẹt” ở mức dưới 10.000 đơn vị khớp lệnh mỗi phiên như trước kia mà đã cải thiện lên mức vài chục nghìn, thậm chí lên tới 166.000 đơn vị được khớp lệnh (ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 10/8).

Lần gần nhất PIT ghi nhận chuỗi tăng trần liên tiếp là vào cuối tháng 10 năm ngoái. Cụ thể, sau khi giảm mạnh từ đỉnh lịch sử 13.500 đồng/cp (phiên 10/3/2022) xuống mức “trà đá” 3.460 đồng/cp (phiên 26/10/2022), cổ phiếu PIT bất ngờ bật tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp từ 27/10/2022 - 3/11/2022.

Tuy nhiên, sau chuỗi tăng điểm đó, mã này cũng chỉ loanh quanh ở vùng giá 5.100 đồng/cp. Mãi đến phiên giao dịch ngày 3/8/2023, cổ phiếu PIT mới có “cú bứt phá” tăng 6.98 điểm %, khởi động màn tăng trần bùng nổ.

Dù vậy, cổ phiếu PIT hiện vẫn đang trong diện bị cảnh báo do lợi nhuận lũy kế tại ngày 31/12/2022 của Pitco âm 21,2 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, phía doanh nghiệp cho biết sẽ giảm dần lỗ lũy kế qua việc cải thiện kết quả kinh doanh có lãi hàng quý. Song kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại không hề “đồng pha” với diễn biến cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Kết quả kinh doanh “lệch pha”

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Pitco cho thấy doanh nghiệp này vừa có một kỳ kinh doanh ảm đạm với các kết quả “đi lùi”. Cụ thể, doanh thu trong kỳ đạt 170 tỷ đồng, giảm 40%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 115 triệu đồng, lao dốc tới 86%.

Giải trình về biến động không mấy tích cực này, Pitco cho biết, doanh thu quý II/2023 giảm mạnh là do năm 2023 công ty đã đóng cửa ngành hàng cao su. Bên cạnh đó, năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, các thị trường tiêu thụ chính là châu Âu và Mỹ nguồn cầu giảm. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Luỹ kế nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của Pitco đạt 305 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 162 triệu đồng, giảm 94% so với cùng kỳ.

Được biết, với dự báo chi phí tài chính tăng cao, ngành hàng xăng dầu vẫn gặp nhiều khó khăn, PITCO tỏ ra khá thận trọng trong việc lên một kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp này chỉ kỳ vọng doanh thu tăng nhẹ 2% so với năm 2022 đạt 806 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 3,4 tỷ đồng, giảm gần 11%. Mặc dù những con số đưa ra có phần khiêm tốn, nhưng kết thúc nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành được 38% mục tiêu doanh thu và chưa đầy 5% mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Pitco đạt 292 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn 12%, lên gần 219 tỷ đồng, chiếm tới 75% cơ cấu tài sản. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền trong kỳ giảm nhẹ, xuống còn hơn 9 tỷ đồng còn đầu tư tài chính ngắn hạn không có sự thay đổi, giữ nguyên ở mức 4 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho là chỉ tiêu tăng mạnh nhất, ở mức 12%, lên gần 98 tỷ đồng.

Kết thúc nửa đầu năm 2023, tổng nợ phải trả của Pitco là gần 174 tỷ đồng, cao gấp gần 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, hơn 98,5% cơ cấu nợ doanh nghiệp này là nợ phải trả ngắn hạn (171 tỷ đồng). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới 156 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán