Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn ước đạt hơn 2,2 tỷ USD trong 6 tháng

(Banker.vn) Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 2.285 triệu USD.
Tiếp tục gỡ khó, thúc đẩy xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn Lạng Sơn: Đề xuất sớm khôi phục lại các cửa khẩu phụ nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn đạt hơn 1.000 xe/ngày

Đó là thông tin tại buổi Họp báo thường kỳ quý II/2023 do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng 7/7/2023.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh

Ông Phạm Hùng Trường, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, về phát triển kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 5,32% so với cùng kỳ, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,93%, dịch vụ tăng 5,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,63%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn ước đạt hơn 2,2 tỷ USD trong 6 tháng
Ông Phạm Hùng Trường, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Họp báo

Trong đó, phát triển kinh tế cửa khẩu được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tiếp tục triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng lập điều chỉnh cục bộ và chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu chức năng (Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1 và một số dự án khác).

Các cơ quan, ban, ngành chức năng thường xuyên tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Quảng Tây - Trung Quốc để thống nhất các chủ trương chung trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của hai bên.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc bắt đầu thay đổi chính sách phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên thuận lợi, các ngành chức năng tăng cường các giải pháp đảm bảo năng lực thông quan, thúc đẩy tối đa hoạt động xuất nhập khẩu tại 5 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh, cửa khẩu phụ Cốc Nam.

Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 6 tháng ước thực hiện 2.285 triệu USD, đạt 60,1% kế hoạch, tăng 101,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 1.280 triệu USD, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 322,4%, nhập khẩu 1.005 triệu USD, đạt 40,2% kế hoạch, tăng 20,6%. Hàng địa phương xuất khẩu ước 70 triệu USD, đạt 45,45% kế hoạch, tăng 20,69% so với cùng kỳ” - ông Phạm Hùng Trường thông tin.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp trong các tháng đầu năm cơ bản ổn định và tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 5,79% so với cùng kỳ. Có 8/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn cơ bản đạt tiến độ và tăng so với cùng kỳ.

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đến nay đã có 5 cụm công nghiệp được thành lập, quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư, đủ điều kiện triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư 4 cụm công nghiệp, thẩm định hồ sơ thành lập 3 cụm công nghiệp. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào vận hành các dự án thủy điện Bản Nhùng, Bản Lải; hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, lập đề xuất các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, hoạt động thương mại diễn ra sôi động, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 14.245 tỷ đồng, đạt 52,97% kế hoạch, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Sớm thông quan lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn đó là tiếp tục triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma. Đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu chức năng (Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan và một số dự án khác).

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn ước đạt hơn 2,2 tỷ USD trong 6 tháng
Hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Tăng cường nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu và các cơ chế, chính sách của phía Trung Quốc. "Các lực lượng chức năng chủ động các phương án phân luồng, điều tiết, sắp xếp phương tiện không để xảy ra ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc để sớm thông quan lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh" - ông Phạm Hùng Trường cho hay.

Bên cạnh đó, duy trì ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp. Hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển công nghiệp như: Dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn và các cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tập trung thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thành lập các cụm công nghiệp Na Dương 1, 2, 3, Hoà Sơn 1. Đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện các dự án thủy điện; phối hợp hướng dẫn các nhà đầu tư đề xuất các dự án điện gió theo quy định.

Tích cực khai thác và phát triển thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện tốt công tác định hướng phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương. Nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông.

Đồng thời, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch; triển khai các chương trình, đề án lĩnh vực du lịch đã được phê duyệt nhằm phát triển toàn diện, từng bước phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các dự án đầu tư bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn xong Nhà đầu tư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, phấn đấu khởi công trong năm 2023; dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B, phấn đấu khởi công trong quý III/2023.

Mặt khác, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, tiềm năng; hướng dẫn, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương