KienlongBank (KLB) rút hồ sơ niêm yết trên HOSE

(Banker.vn) HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), do diễn biến thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông.

HĐQT KienlongBank sẽ báo cáo ĐHĐCĐ tại phiên họp gần nhất về nội dung này và trình ĐHCĐ việc tiếp tục đăng ký niêm yết cổ phiếu vào thời điểm thị trường chứng khoán phát triển thuận lợi, tích cực hơn.

KienlongBank (KLB) rút hồ sơ niêm yết trên HOSE

KienlongBank sẽ thực hiện đàm phán và thanh lý hợp đồng tư vấn niêm yết cổ phiếu đã được KienlongBank ký kết với Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt.

Được biết, Kienlongbank có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2021 và từng muốn đổi tên sang KSBank nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Tháng 8/2022, HOSE thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Kienlongbank, khối lượng 365,3 triệu đơn vị. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Kienlongbank tăng vốn điều lệ từ 3.653 tỷ đồng lên 4.231 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua.

Kế hoạch "tái định vị thương hiệu" được nhà băng triển khai sau khi các nhân sự của SunShine Group góp mặt tại vị trí "chóp bu" của Kienlongbank.

Bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch hiện tại của Kienlongbank từng là Tổng Giám đốc Sunshine Group, Phó Chủ tịch Công ty Sunshine Homes... Hai thành viên HĐQT nhà băng này là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và ông Trần Ngọc Minh (kiêm tổng giám đốc Kienlongbank) cũng đang hoặc đã giữ vị trí quản lý tại công ty thành viên của Sunshine Group,...

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 16/1, cổ phiếu KLB giảm 1,6% về còn 12.000 đồng/cp. So với mức đỉnh hồi tháng 3/2022 là gần 40.000 đồng/cp, thì giá trị của KienlongBank đến nay đã giảm khoảng 70%.

Diễn biến giá cổ phiếu FDC thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu KLB thời gian gần đây. Nguồn: TradingView

Về tình hình kinh doanh, sau 9 tháng đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần ngân hàng tăng 1,32% so với cùng kỳ, đạt 1.537,5 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối mang về lần lượt 234 tỷ đồng và 48 tỷ đồng, tăng gần 30% và 224% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 58% về còn 16,7 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng 21,7%, lên mức 1.044 tỷ đồng. Đồng thời, trích lập dự phòng rủi ro của KLB tăng 5,2 lần so với cùng kỳ lên mức 329 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Kienlongbank báo lãi trước thuế đạt 513 tỷ đồng, giảm gần 42% so với cùng kỳ, nhưng vẫn hoàn thành 79% kế hoạch năm do nền chỉ tiêu đặt ra thấp.

Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Kienlongbank giảm 3,8% so với đầu năm xuống 80.626 tỷ đồng. Trong khi cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 41.060 tỷ đồng, thì tiền gửi của khách hàng đã giảm gần 18% so với đầu năm xuống còn hơn 42.225 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Kienlongbank là số dư nợ xấu tại ngân hàng này tăng 10,76% so với đầu năm lên 801 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 23,9% lên hơn 658 tỷ đồng.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán