Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) có gì mới? Tạo cơ chế linh hoạt triển khai nhà máy điện hạt nhân Đề xuất giảm thủ tục trong triển khai điện hạt nhân |
Chính sách nhân lực cần cụ thể, đủ mạnh
Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 15/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh rằng nhân lực là yếu tố then chốt quyết định thành công hay thất bại của chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở mức định hướng mà chưa có cơ chế cụ thể để thu hút, đào tạo và giữ chân đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực đặc thù này.
![]() |
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh). Ảnh: VPQH |
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung quy định cấp học bổng toàn phần cho người học chuyên ngành năng lượng nguyên tử tại các cơ sở được chỉ định, bao gồm học phí, sinh hoạt phí và tài liệu nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên cần được ưu tiên xét tuyển vào viện nghiên cứu, nhà máy điện hạt nhân và cơ quan quản lý nhà nước, với thời hạn xét tuyển tối đa là ba mươi ngày kể từ khi nộp hồ sơ.
Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị nhà nước cần có cơ chế khuyến khích chuyên gia quốc tế làm việc lâu dài tại Việt Nam thông qua miễn thuế thu nhập cá nhân trong ba năm đầu làm việc. Mô hình này đã phát huy hiệu quả trong một số ngành chiến lược như hàng không, điều khiển tự động và y học hạt nhân.
Đặc thù của lĩnh vực năng lượng nguyên tử đòi hỏi đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có nền tảng kỹ thuật vững vàng, có khả năng chịu trách nhiệm cao và làm việc lâu dài trong điều kiện áp lực cao. Nếu không có chính sách đủ mạnh để thu hút và giữ chân, ngành sẽ thiếu nguồn lực phát triển bền vững trong trung và dài hạn.
Cơ chế tài chính và tham vấn cộng đồng cần rõ ràng
Đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh, hiện dự thảo luật mới chỉ quy định nguyên tắc các tổ chức, cá nhân gây ra sự cố bức xạ phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí khắc phục. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế tài chính cụ thể, quy định này sẽ rất khó thực thi trong thực tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với các tổ chức, cá nhân vận hành thiết bị hạt nhân. Đồng thời, cần thành lập Quỹ bảo đảm an toàn hạt nhân từ nguồn lệ phí cấp phép, viện trợ quốc tế và đóng góp của doanh nghiệp để chi trả phần thiệt hại vượt quá mức bảo hiểm hoặc trong trường hợp chủ thể không đủ năng lực tài chính.
Liên quan đến thủ tục quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân, đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về trách nhiệm tham vấn cộng đồng tại khu vực dự kiến xây dựng. Đây là yếu tố có ý nghĩa then chốt đối với sự đồng thuận xã hội. Việc tổ chức hội thảo, khảo sát và lấy ý kiến người dân không chỉ thể hiện tinh thần dân chủ mà còn giúp ngăn ngừa xung đột tiềm ẩn về môi trường và tái định cư.
An toàn tuyệt đối là nguyên tắc hàng đầu
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá cao việc dự thảo đề xuất thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân, tuy nhiên ông cho rằng không nên giới hạn chỉ một cơ sở như trong nội dung hiện hành, bởi điều này có thể làm cản trở việc phát triển về sau. Cần linh hoạt cho phép thành lập nhiều cơ quan pháp quy nếu điều kiện cho phép, tránh phải sửa luật khi phát sinh nhu cầu thực tiễn.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhưng cảnh báo rằng nếu không quy định rõ ràng đâu là lĩnh vực Nhà nước độc quyền, đâu là phần có thể giao cho tư nhân, sẽ rất nguy hiểm. Việc để tư nhân tự xây dựng lò phản ứng hạt nhân nếu không được kiểm soát sẽ tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng.
Liên quan đến an toàn hạt nhân, ông đề nghị trong luật cần có các điều khoản về thiết kế, thẩm định, hợp tác quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, việc xác định địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải tránh xa khu dân cư, đảm bảo có phương án giải phóng mặt bằng và di dời người dân trước khi xây dựng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề cập đến khai thác, chế biến khoáng sản phóng xạ. Đây là lĩnh vực chưa có tiền lệ tại Việt Nam, cần được quy định thận trọng và tham chiếu Luật Khoáng sản hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ, khả thi.
Ứng dụng y tế cần được ưu tiên trong chính sách
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất thay thế toàn bộ thuật ngữ “bệnh nhân” trong dự thảo bằng cụm từ “người bệnh” để thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, ông kiến nghị bổ sung định nghĩa mới về dược chất phóng xạ, nhằm phù hợp với Luật Dược năm 2016 và thực tiễn sử dụng trong ngành y học hạt nhân.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) |
Về điều chỉnh kỹ thuật, đại biểu kiến nghị gộp các khái niệm “an toàn”, “an toàn bức xạ”, “an toàn hạt nhân” thành một khái niệm thống nhất để dễ thực thi đồng thời đề nghị bổ sung khái niệm “sản xuất, chế biến chất phóng xạ” để điều chỉnh thực tiễn đang diễn ra.
Ông cũng yêu cầu luật cần có điều khoản điều chỉnh việc mua bán, vận chuyển dược chất phóng xạ vì hiện nay các bệnh viện lớn vẫn thường xuyên thực hiện hoạt động này trong điều trị ung thư.
Liên quan đến kỹ thuật chiếu xạ túi máu và chế phẩm máu, đại biểu cho rằng nếu không bổ sung quy định cụ thể, nhiều cơ sở y tế sẽ buộc phải dừng hoạt động này, ảnh hưởng đến công tác ghép tạng. Đồng thời, ông đề nghị bổ sung yêu cầu bắt buộc các cơ sở y tế sử dụng thiết bị bức xạ phải có nhân sự được đào tạo chuyên môn về vật lý y khoa để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.