Kiểm toán nhập cuộc, doanh nghiệp FDI ngành dây cáp điện "đổi màu" từ lãi sang lỗ

(Banker.vn) Lợi nhuận sau thuế sau soát xét của Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA) bị điều chỉnh từ 1,6 tỷ đồng xuống âm 873 triệu đồng, khiến mục tiêu có lãi 47 tỷ đồng trong năm 2023 càng xa tầm với.
Kiểm toán nhập cuộc, doanh nghiệp FDI ngành dây cáp điện
Ngày 15/2/2006, cổ phiếu của Dây và Cáp điện Taya chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán TYA. Giá chào sàn khi đó là 34.500 đồng/cổ phiếu, là "ngôi sao" thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Công ty CP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (viết tắt là Dây và Cáp điện Taya) là một trong số ít doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu TYA của Dây và Cáp điện Taya đang được giao dịch trên sàn HOSE với mức giá trên 10.000 đồng/cp.

Theo tìm hiểu, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Tập đoàn Taya (Đài Loan) đã quyết định đầu tư vào Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng của thị trường mới nổi này. Pháp nhân đầu tiên của Tập đoàn Taya ra đời ở Việt Nam dưới tên gọi Công ty Hưng Nghiệp Việt Sơn Minh.

Sau đó, tháng 10/2005, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài này chuyển sang hình thức công ty cổ phần và được đổi tên thành Công ty Dây và Cáp điện Taya Việt Nam.

Trong suốt quá trình phát triển, hai cột mốc lớn của Dây và Cáp điện Taya là đã hoàn tất đầu tư hai cơ sở làm ăn lớn, bao gồm công trình xưởng đúc nguyên liệu đồng đầu tiên cho nhà máy với 2 lò nấu đồng công suất 2.000 tấn/năm/lò (2001); công trình nhà xưởng hiện đại sản xuất dây điển tử và nhà xưởng nung đúc nguyên liệu đồng số 2, trong đó trang bị thêm 2 lò nấu đồng công suất 2.000 tấn/năm/lò (2002).

Năm 2003, Dây và Cáp điện Taya đã mở thêm nhà máy sản xuất đặt tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đây là bước tiến trong kế hoạch phát triển thị trường tại khu vực phía Bắc trở vào TP. Đà Nẵng của Tập đoàn Taya.

Ngày 15/2/2006, cổ phiếu của Dây và Cáp điện Taya chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mã chứng khoán TYA. Giá chào sàn khi đó là 34.500 đồng/cổ phiếu, là "ngôi sao" thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Mới đây, Dây và Cáp điện Taya công bố báo cáo tài chính bán niên sau soát xét 2023 với nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập. Một số chi tiết chính có thể kể đến như:

Tại bảng cân đối kế toán, kiểm toán đã điều chỉnh giảm 28,2 tỷ đồng khoản Phải thu ngắn hạn của khách hàng xuống còn 214,7 tỷ đồng; giảm 5,1 tỷ đồng tại khoản Phải thu ngắn hạn khác xuống 2,6 tỷ đồng...

Phía bên nguồn vốn, khoản mục Người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng giảm 28,2 tỷ đồng giá trị về còn 28,6 tỷ đồng; Phải trả người lao động giảm 3,1 tỷ đồng xuống 2,6 tỷ đồng; Phải trả ngắn hạn khác giảm 4,9 tỷ đồng về 12,4 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản Chi phí phải trả ngắn hạn điều chỉnh tăng 3,1 tỷ đồng lên 5,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong báo cáo kết quả hoạt động, kiểm toán đã tăng giá vốn hàng bán giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 lên 666,6 tỷ đồng, chênh lệch 2,6 tỷ đồng so với số liệu tự quyết của doanh nghiệp. Điều đó dẫn tới lợi nhuận gộp 6 tháng giảm tương ứng 2,6 tỷ đồng xuống 53,4 tỷ đồng.

Mặc dù xét về giá trị tuyệt đối, sự thay đổi trên không quá lớn so với doanh thu hợp nhất của Dây và Cáp điện Taya. Tuy nhiên giữa thời kỳ kinh doanh giảm sút, lợi nhuận sau soát xét của doanh nghiệp đã "đổi màu" từ có lãi "mỏng" sang lỗ ròng.

Cụ thể, tại báo cáo tự lập, lợi nhuận sau thuế bán niên của đại gia FDI ngành dây cáp điện bất ngờ giảm mạnh 95% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 1,6 tỷ đồng.

Bi quan nhất là trong quý II/2023, doanh nghiệp lĩnh khoản lỗ 2,4 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn lợi nhuận 24,3 tỷ đồng của quý II/2022. Theo Dây và Cáp điện Taya, đó là hệ quả của nền kinh tế suy yếu, ngành sản xuất công nghiệp và chế tạo suy giảm đáng kể và xuất khẩu chững lại.

Doanh thu bán hàng bị tổn thất nặng nề, vậy nhưng chi phí tài chính vẫn gia tăng cùng với những tác động giảm giá hàng tồn kho là nguyên do doanh nghiệp thua lỗ trong quý II vừa qua.

Song, sau khi kiểm toán nhập cuộc, lợi nhuận sau thuế của Dây và Cáp điện Taya bị điều chỉnh xuống âm 873 triệu đồng, khiến tình cảnh càng trở nên "thê lương". Để hoàn thành kế hoạch lãi sau thuế 47 tỷ đồng năm 2023, doanh nghiệp sẽ cần "cú hích" lớn để tạo bất ngờ trong nửa cuối năm.

Một doanh nghiệp niêm yết HOSE tạm dừng hoạt động chi nhánh Hải Dương do dịch Covid -19

Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (HOSE – Mã: TYA) mới đây có thông báo về việc tạm dừng hoạt ...

Đa số doanh nghiệp FDI đang niêm yết đều có lãi

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, phần lớn doanh nghiệp FDI đều có lãi và ...

Nghệ An "hút" 165 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc

Dự án Công ty Innovation Precision Việt Nam có tỷ suất đầu tư trên diện tích đất đầu tư cao nhất trong các dự án ...

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán