Kịch bản nào đặt ra đối với nền kinh tế, ngân hàng và khách hàng trong giai đoạn tới

(Banker.vn) Chưa bao giờ nhân loại phải đối diện với một kẻ thù vô hình, “nhỏ bé”, nhưng có sức hủy diệt nằm ngoài mọi dự báo. Kẻ thù đó có tên gọi là Covid-19.

Nó cũng buộc cả thế giới phải đưa ra những quyết sách chưa từng có tiền lệ trong lịch sử để cùng nhau cứu vớt nhân loại và nền kinh tế. Tổn thất mà Covid-19 đã và đang gây ra, được các tổ chức quốc tế như: Liên Hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)... ví như chỉ đứng sau Đại chiến thế giới lần thứ 2. Còn các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế do Covid-19 gây ra còn nặng nề hơn cả cuộc Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929 - 1933, hay khủng hoảng tài chính năm 2008... Vậy, các nhận định này cần được xem xét như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Và liệu nó tác động như thế nào đến nền kinh tế, khách hàng và ngân hàng... của chúng ta trong thời gian tới? Để đi tìm câu trả lời, bài viết muốn phân tích một số tác động do Covid-19 gây ra dựa trên các nhận định nói trên; đồng thời, xem xét các kịch bản kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 do các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước dự báo gần đây. Qua đó, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong nước...tham khảo, có những phương án tốt nhất nhằm khởi động lại cỗ máy kinh tế sau giai đoạn “giãn cách xã hội”/“cách ly xã hội”; đặc biệt, tránh những “bất ngờ” hay những “cú sốc” tiếp theo do sự biến thái khó lường của Covid-19 gây ra.

1. Covid-19 “lọt lưới” các kịch bản kinh tế
 
Mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra với tên gọi ban đầu là nCov (sau đó, WHO chính thức gọi là Covid-19) manh nha xuất hiện vào đầu tháng 12/2019, được các nhà khoa học xác định khởi nguồn tại một chợ hải sản ở TP.Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc và dịch bắt đầu bùng phát mạnh vào cuối tháng 12/2019 và tháng 01/2020. Cũng tại thời điểm này, các quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, nhỏ... trên toàn thế giới đang xây dựng và hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết các kịch bản tăng trưởng kinh tế tại thời điểm đó không hề trừ (-) đi sự xuất hiện và các tác động xấu của Covid-19 có thể gây ra trong các mô hình tăng trưởng. Mặc dù Chính phủ một số nước, đặc biệt là Trung Quốc đã nhìn thấy khá rõ nét sự xuất hiện của Covid cùng với sự hủy hoại sinh mạng con người, tàn phá nền kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn không có dấu hiệu cảnh báo hay điều chỉnh nào về tỷ lệ tăng trưởng (Trung Quốc dự kiến tăng trưởng năm 2020 là 6,2%, nhưng nay theo một số tổ chức quốc tế dự báo thì chỉ ở mức 1,2% thấp nhất kể từ năm 1976 - Nguồn VTV1 lúc 7h20’ ngày 16/4/2020). Nhưng do mức độ tàn phá của Covid-19 vào thời điểm cuối tháng 12/2019 chưa lớn, chưa đủ để làm thay đổi các dự báo và kịch bản tăng trưởng kinh tế của các nước (có thể thông tin về Covid-19 chưa đầy đủ, chưa minh bạch, chưa kịp thời...) nên tất cả vẫn lạc quan duy trì chỉ số tăng trưởng kinh tế như đã định...; 
 
Rõ ràng, nhân loại đã trải qua nhiều đại dịch, chỉ tính riêng trong 2 thập niên trở lại đây, như: dịch SARS năm 2003 bùng phát ở Trung Quốc, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012 bùng phát ở Ả Rập Xê Út, và Ebola giai đoạn 2014 - 2016 bùng phát ở Tây Phi là 3 ví dụ điển hình về dịch bệnh. Mỗi đại dịch đều để lại những tổn thất về người và kinh tế hết sức nặng nề. Nếu xét về yếu tố xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế thì chắc chắn các cuộc đại dịch trước đây phải là một bài học đắt giá cần tham khảo, một yếu tố cần xem xét diễn ra trong một thế giới phẳng, không biên giới ngay khi dịch bệnh Covid-19 manh nha bùng phát tại Trung Quốc, nước chiếm tỷ trọng thương mại lớn trên thế giới. Nhưng tại sao Covid-19 lại "lọt lưới" mọi kịch bản? Phải chăng thế giới đang mải mê theo đuổi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với vô vàn sự sáng tạo về khoa học, công nghệ phục vụ cho lợi ích kinh tế mà quên đi các sáng tạo phòng chữa các loài virus gây bệnh cũng đang âm thầm diễn biến theo chiều hướng “sáng tạo” mà con người chưa hề tính đến? Phải chăng thông tin về Covid-19 không kịp thời, không minh bạch đã đẩy thế giới đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác? Hay Covid-19 xuất hiện để kiểm định tinh thần đoàn kết của thế giới trước một kẻ thù vô hình đang diễn ra trong một thế giới đang bị phân tán bởi các tranh chấp kinh tế?       
 
Quả thực cả thế giới đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác trước sự tấn công và hủy diệt nhanh chóng về người và kinh tế của Covid-19, nên hầu hết các kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 do các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra đều đi sau so với tốc độ tấn công của Covid-19, nhưng tựu trung là ở mức “0” thậm chí là “âm”. Tuy nhiên, mức “âm” là bao nhiêu? nếu Covid-19 không phải là “bệnh cúm” theo mùa như châu Âu và Mỹ ban đầu nhận định, mà là một thứ bệnh lây lan không có hồi kết cho đến khi các nhà khoa học tìm ra vắc xin và thuốc điều trị. Theo WHO, việc tìm ra vắc xin và thuốc điều trị phải mất 18 tháng. Giả sử kể cả khi tìm ra vắc xin điều trị, nó vẫn cứ lây lan, bùng phát đâu đó, lại hết, lại bùng phát... thì sao? có lẽ đây là kịch bản xấu nhất cần phải tính đến. Kịch bản không phải là kế hoạch cố định, kịch bản chỉ là một bản kế hoạch có thể thay đổi liên tục nếu diễn biến thực tế xảy ra xấu hơn hoặc tốt hơn so với kịch bản. Kịch bản nào cũng có phương án đi kèm. Tuy nhiên, như Chính phủ Việt Nam từng đưa ra, đó là: “chúng ta cần phải có kịch bản xấu nhất để có phương án tốt nhất”.  
 
2. Covid-19 kích hoạt Luật thời chiến và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
 
“Khủng hoảng kinh tế” hay “khủng hoàng tài chính”... chỉ gây tổn thất đến lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, Covid-19 là một trong những thảm họa về dịch bệnh và được WHO tuyên bố là đại dịch. Theo định nghĩa thì: “đại dịch là dịch bệnh xuất hiện trên toàn cầu hoặc trên một khu vực rộng lớn xuyên biên giới giữa các quốc gia và thường ảnh hưởng đến rất nhiều người” (nguồn: wikipedia), hậu quả của đại dịch không những gây thiệt hại nặng nề về người mà kéo theo đó là hệ lụy khó lường của toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế mỗi quốc gia nói riêng. Mức độ thiệt hại có thể ở mức “suy giảm”, hoặc có thể ở mức “hết sức nặng nề”, dẫn đến “suy thoái”... và làm đứt gãy từng phần chuỗi cung ứng toàn cầu...; Chính vì vậy, khi sử dụng đến thuật ngữ “đại dịch” thường do WHO tuyên bố để khuyến cáo Chính phủ các nước trên toàn thế giới cùng chung tay đẩy lùi đại dịch. Từ lý do trên, đứng trước sự lây lan không biên giới của Covid-19, ngày 11/3/2020, WHO chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trở thành “đại dịch” sau khi đạt đỉnh tại Trung Quốc vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 và bắt đầu lan ra các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Á... với quy mô lây lan chưa từng có. Mặc dù đã được WHO khuyến cáo, nhưng chỉ đến khi Covid-19 gieo rắc thảm họa nặng nề tại Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức... rồi đến Mỹ... đặc biệt là Italia, Tây Ban Nha, Pháp... với số ca mắc bệnh và tử vong cao gấp nhiều lần so với Trung Quốc chỉ trong vòng 3 tháng (theo thống kê hàng ngày của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến thời điểm 17/4/2020, số người tử vong tại Trung Quốc là 3.342, trong khi đó tại Italia là 22.170, Tây Ban Nha là 19.317, Pháp là 17.920, Anh là 13.729... đặc biệt, Mỹ đã đạt con số kỷ lục 34.617 người). Những con số này đã làm cho cả thế giới “giật mình” trước một đại dịch chưa từng có trong các dự báo trước đó. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, kể từ đại chiến thế giới lần thứ hai, hàng loạt nước lớn như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức... chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp. Thậm chí, ngày 18/3/2020, Mỹ tuyên bố có thể kích hoạt “Luật thời chiến” để huy động các cỗ máy sản xuất kinh tế vào sản xuất khẩn cấp các trang thiết bị, vật tư, máy móc y tế phục vụ chống dịch. Đồng thời, Mỹ và châu Âu đồng loạt ban bố lệnh đóng cửa biên giới, đóng cửa hàng không, đường bộ, đường thủy, nhà hàng, khách sạn, cấm tụ tập đông người... Bên cạnh đó, Chính phủ các nước kêu gọi nhân dân ủng hộ chính sách “giãn cách xã hội” (social distancing) hay “cách ly xã hội”  nhằm mục đích “cố gắng trì hoãn sự lây lan của Covid-19 càng chậm càng tốt”; qua đó, giúp các nhà khoa học có đủ thời gian để tìm ra vắc xin và thuốc điều trị, đặc biệt là không làm vỡ trận ngành y tế (nếu số lượng bệnh nhân nhập viện ở mức cao hơn mức chịu đựng của hệ thống y tế hiện tại dẫn đến vỡ trận”. Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, và một số nước ở châu Âu... là những ví dụ điển hình của vỡ trận ngành y tế. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, những quyết định trên là chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người trước một bóng ma vô hình đang đẩy toàn thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng mới. Từ góc nhìn kinh tế, chúng ta có thể thấy, khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 thực sự đã và đang là một thảm họa của nhân loại, không những gây tổn thất nặng nề về người mà cả về  kinh tế. Theo đánh giá sơ bộ của các tổ chức quốc tế, chỉ tính riêng 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3/2020), đại dịch Covid-19 đã cướp đi 95.000 sinh mạng và thổi bay 5.000 tỷ USD trên toàn thế giới (theo bản tin VTV1 lúc 11h30 ngày 10/4/2020). Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang nằm ngoài mọi kịch bản và mọi dự báo trước thời điểm 31/12/2019 và có thể sẽ gây ra không ít khó khăn cho các dự báo trong thời gian tới. Chính vì vậy, Chính phủ cần chủ động đưa ra các quyết sách trung và dài hạn về phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn và khó đoán định này.  
 
3. Những phản ứng của thị trường trước các tuyên bố và hành động hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ các nước trước thảm họa Covid-19
 
3.1. Những hành động chưa có tiền lệ trong lịch sử của Chính phủ các nước  
 
Đứng trước "đại dịch Covid-19" đang hoành hành, Chính phủ các nước đã tung ra các gói hỗ trợ khẩn cấp chưa từng có trong lịch sử của mỗi nước nhằm cứu vãn nền kinh tế đang trên đà suy thoái và vực dậy “lòng tin” của các nhà đầu tư, cụ thể: ngày 15/3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0 - 0,25%, đây là lần hạ thứ hai diễn ra trong tháng 3 mà FED tiến hành hạ lãi suất, động thái này được coi là chưa có tiền lệ trước đó của FED. Song song với việc cắt giảm lãi suất, Mỹ và EU đồng loạt tuyên bố tung ra các gói cứu trợ hàng ngàn tỷ, thậm chí “không giới hạn”, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, cũng như cố gắng vực dậy nền kinh tế đang bị tổn thương nặng nề vượt qua đại dịch. Đặc biệt, ngày 25/3/2020, Mỹ tung ra gói cứu trợ 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ toàn diện nền kinh tế, trong đó có khoản hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt (khoảng 1.200 USD/người) cho người dân Mỹ để vượt qua đại dịch trong thời gian áp dụng chính sách “xã hội cách ly”...; Về phía Chính phủ Việt Nam, nhận thấy mức độ ngày một  nghiêm trọng của dịch bệnh nCoV, Chính phủ đã sớm có những biện pháp khẩn trương, kịp thời, đặc biệt là ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona gây ra, thành lập Tổ phản ứng nhanh với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan. Ngày 29/01/2020, Ban Bí thư cũng có Công văn số 79-CV/TW gửi các cấp ủy trung ương và địa phương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra; trong đó nêu rõ “phòng, chống dịch nCoV là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách”.  Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch do Ban Bí thư, Thủ tướng, Bộ Y tế và các quy định của pháp luật có liên quan. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh; có quan điểm hết sức rõ ràng đó là "chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân". Về cơ bản, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp và khó lường. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hết sức hiệu quả diễn ra trong điều kiện ngân sách đất nước còn vô cùng hạn hẹp. Song song với chống dịch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế quan trọng, đó là ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19; Theo đó, về phía ngành Ngân hàng, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.  
 
3.2. Phản ứng của thị trường về mặt kinh tế trước đại dịch
 
Mặc dù thế giới và Việt Nam đã có những động thái hỗ trợ mạnh mẽ và chưa có tiền lệ, nhưng hàn thử biểu kinh tế thế giới và Việt Nam không thể tránh khỏi những cú sốc trước đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2020, Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến các phiên giảm sàn, mất bình quân trên 45 điểm/phiên, vào các ngày 9/3, 12/3, 13/3, 20/3, 23/3, 30/3... từ mức Vn-Index đạt gần 1.000 điểm vào đầu năm 2020, nhưng chỉ sau gần 3 tháng diễn ra đại dịch và chịu sự tác động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thế giới, đến 31/3/2020, chỉ số Vn-Index giảm xuống còn 662 điểm và phục hồi mạnh trở lại vào tháng 4 sau khi Chính phủ thực thi quyết liệt các chính sách hỗ trợ, đã giúp VN-Index lấy lại 780 điểm vào ngày 16/4/2020. Nhìn ra thế giới, mặc dù ngày 15/3 sau khi FED cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0 - 0,25%, thị trường chứng khoán thế giới vẫn có những phản ứng trái chiều, giảm sâu chưa từng có ngay trong ngày FED công bố...; Điều đó cho thấy, đại dịch Covid-19 khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế hay tài chính diễn ra trước đó, Covid-19 là thảm họa kép: tổn thất về người và tổn thất về kinh tế; chính vì vậy, Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới coi đây là thảm họa lớn nhất của loài người kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Cho đến thời điểm giữa tháng 3/2020, cả thế giới cùng ban bố lệnh “giãn cách xã hội” (social distancing) cho đến hết tháng 4/2020 và có thể kéo dài lệnh này nếu đỉnh dịch tại châu Âu và Mỹ chưa dừng lại. Như vậy, sau sắc lệnh “giãn cách xã hội/cách ly xã hội”, toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan đến quá trình sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu... trên toàn thế giới bị đứt gãy, tê liệt, nền kinh tế thế giới đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn suy thoái. Theo đánh giá của IMF và WB, trong quý I và quý II, nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng bằng 0, thậm chí là tăng trưởng âm. Trong trường hợp nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020 như một số nhà khoa học nhận định, thì các tuyên bố về hỗ trợ của Chính phủ các nước dù mạnh mẽ đến đâu, với số tiền hỗ trợ lên đến bao nhiêu nghìn tỷ USD cũng không thể phục hồi guồng máy kinh tế thế giới quay trở lại như đầu năm khi chưa có dịch bệnh xảy ra. Có lẽ lúc này, người dân trên toàn thế giới nói chung, mỗi nước nói riêng, cần thông tin về khả năng “dập dịch” của Chính phủ mỗi nước đến đâu? và khi nào dịch mới kết thúc trên quy mô toàn thế giới... đó mới là điều quan trọng. Nghĩa là nền kinh tế nói chung, các thị trường: chứng khoán, bảo hiểm, tài chính, xuất nhập khẩu, đầu tư, lao động... nói riêng sẽ được khôi phục từng bước khi đại dịch được dập tắt trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, nếu đại dịch chưa được dập tắt trên quy mô toàn cầu, mà chỉ "tạm dừng" lại ở một vài quốc gia đơn lẻ nào đó, thì nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng “bế quan tỏa cảng”, tiếp tục bị “đứt gãy” và diễn biến theo chiều hướng khó đoán định. 
 
4. Kịch bản nào đặt ra đối với nền kinh tế, khách hàng và ngân hàng trong và sau đại dịch Covid-19
 
Đại dịch Covid-19 được coi là một trong những thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ thế chiến lần thứ 2; chính vì vậy, tại thời điểm này (tháng 4/2020, tháng mà cả thế giới cùng đồng loạt “xã hội cách ly”) là quá sớm để đưa ra các con số dự báo hay thống kê về những thiệt hại đối với con người và nền kinh tế nói chung trên toàn thế giới, cũng như Việt Nam nói riêng. Vì theo thống kê, hiện tại, cứ mỗi ngày trôi qua, trên thế giới lại có hàng chục ngàn người nhiễm Covid-19 và hàng ngàn người phải ra đi. Nền kinh tế cũng vậy, do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nên mức độ thiệt hại khó có thể ước tính hết; chính vì vậy, ngày 27/3/2020, IMF đã chính thức cảnh báo “đại dịch Covid-19 sẽ bước vào giai đoạn suy thoái còn nặng nề hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”. Đối với Việt Nam, mặc dù, cho đến thời điểm hiện tại (tháng 4/2020), Việt Nam đã thành công bước đầu trong công cuộc “chống dịch như chống giặc”, nhưng hàng loạt khó khăn đang đặt ra phía trước đối với  toàn bộ nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng và khách hàng nói riêng.
 
4.1. Kịch bản đối với nền kinh tế  
 
Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước đang tạm đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 như sau: (i) Một là, nếu đại dịch chỉ tập trung ở Trung Quốc và Hàn Quốc và được chặn đứng vào cuối quý I, thì mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm dự kiến sẽ là 6,2%; tuy nhiên, điều này đã  không xảy ra vì chúng ta đã đi qua quý I và đang bước vào quý II. (ii) Hai là, nếu đại dịch tiếp tục lan rộng trên quy mô toàn cầu và được chặn đứng vào cuối quý II, thì mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến cả năm vào khoảng 6% (kịch bản cơ sở). (iii) Ba là, nếu đại dịch tiếp tục kéo dài dẫn đến khủng hoảng, thì mức tăng trưởng sẽ ở mức 5% năm 2020. Còn đối với các tổ chức quốc tế, họ dự báo như thế nào? trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương thời Covid-19, WB dự báo rằng, trong kịch bản cơ sở, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi giữa quý III và tăng trưởng cả năm dự kiến vào khoảng 4,9%. Còn trong kịch bản kém hơn, nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm, GDP có thể còn thấp hơn và sang năm 2021 và 2022, khi đại dịch đi qua, tăng trưởng sẽ bứt phá ở mức 7,5% và 6,5%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 vào khoảng 4,8%; Riêng Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Rating dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 vào khoảng 3,3% (Nguồn: Bản tin tài chính kinh tế tổng hợp hàng tuần phát trên kênh truyền hình VTV1 lúc 8h30 ngày 11/4/2020). Như vậy, theo các dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam vẫn còn chứa đựng khá nhiều lạc quan với hy vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt vào quý II. Tuy nhiên, trên thực tế, lực đẩy cho tăng trưởng nhìn từ mọi phía trong hiện tại vẫn đang bị "chặn đứng" bởi lệnh phong tỏa trên toàn thế giới vẫn còn hiệu lực để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, để chờ đợi sự phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sau đứt gãy từ các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU...; Trong khi đại dịch vẫn đang tiếp tục bùng phát mạnh và chưa lập đỉnh tại Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Anh... đặc biệt, hiện tượng tái bùng phát Covid-19 đang manh nha trở lại ở Trung Quốc (nhập khẩu trở lại Covid-19 và tự thân bùng phát chưa rõ lý do...) cũng là những vấn đề cần cảnh báo sớm; Do đó, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ở mức 6% hay 5%, thậm chí ở mức 3,3% vẫn chưa có nhiều cơ sở chính xác để dự báo. Bởi vì Covid-19 xuất hiện bất ngờ, lây lan nhanh và tàn phá trên phạm vi toàn cầu. Một quốc gia có thể thành công đơn lẻ trong ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, nhưng lại không thể tự mình tham gia ngay vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, vì nó đang bị đứt gãy ở những quốc gia chưa thành công dập dịch. Do đó, để cỗ máy kinh tế toàn cầu khởi động lại, buộc phần lớn các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... phải cùng thành công. Vì vậy, mọi thống kê, mọi dự báo trong năm 2020 chắc chắn sẽ rất khó đoán định và luôn đi sau Covid-19. Tuy nhiên, đứng trên góc độ vĩ mô, trong dịch bệnh Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để bứt phá, tăng trưởng, đó là: Cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết rốt ráo trước đại dịch, do đó, có thể tiếp tục xảy ra sau đại dịch covid ở mức độ khó dự báo hơn. Trong đó, làn sóng di chuyển công xưởng khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác, như Việt Nam là một lựa chọn đã được nhiều tập đoàn sản xuất lớn có kế hoạch trước đại dịch. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam trở thành công xưởng, hàn gắn các “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch mà Việt Nam cần tận dụng. Đồng thời, Hiệp địnhThương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, cũng là lực đẩy giúp Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn đối với thị trường châu Âu. Đặc biệt là cơ hội mở rộng đối tác sản xuất kinh doanh một số mặt hàng nằm trong chuỗi bị đứt gãy giữa châu Âu và Trung Quốc xảy ra trong đại dịch Covid-19. 
                   
4.2. Kịch bản nào đối với khách hàng  
 
Theo đánh giá sơ bộ, tính đến ngày 21/3/2020 (Nguồn: Bản tin tài chính kinh tế tổng hợp 8h30 - 9h00 phát trên kênh truyền hình VTV1 ngày 21/3/2020), cả nước đã có 16.200 doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Cũng theo bản tin, nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng, thì khoảng 74% doanh nghiệp của Việt Nam rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, thậm chí là phá sản. Bên cạnh đó, cũng theo bản tin, tính đến nay, tổng dư nợ trong nền kinh tế Việt Nam ước vào khoảng 926.000 tỷ đồng nợ không trả đúng hạn, phải cơ cấu lại... Từ con số thống kê này, chúng ta có thể thấy, một vài ngành đang chịu thiệt hại lớn nhất trong đại dịch Covid-19 là hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giao thông vận tải, sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc, da giày, đồ gỗ... và hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước. Cụ thể, theo báo cáo của Hãng hàng không Vietnam Airline, riêng Quý I/2020 lỗ 2.400 tỷ đồng, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng cho biết, nếu tình hình Covid-19 kéo dài hết năm 2020, thì Hãng dự kiến lỗ 20.000 tỷ đồng và không có khả năng chống đỡ (Nguồn: Bản tin tài chính phát trên kênh VTV1 lúc 7h40’ ngày 10/4/2020). Nếu so sánh đại dịch Covid-19 với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thì cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn còn khoảng không gian để thở, để lao động, sản xuất kinh doanh...; để tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu..., để trao đổi đàm phán các hợp đồng xuất nhập khẩu..., để cùng nhau cầm cự bàn bạc tìm lối thoát... Nghĩa là, các hãng hàng không vẫn cất cánh, ngành du lịch vẫn đón nhận khách tham quan, nhà hàng khách sạn vẫn mở cửa..., các doanh nghiệp vẫn tiến hành sản xuất kinh doanh... tuy nhiên, mọi hoạt động đều giảm, dẫn đến doanh thu và thu nhập giảm đi một nửa, thậm chí giảm nhiều hơn, nhưng “vẫn có đồng ra đồng vào” để cầm cự. Ngược lại, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự “đứt gãy” hoàn toàn đối với mọi hoạt động nói trên, nghĩa là muốn bay, muốn đón khách du lịch, muốn sản xuất kinh doanh... của mọi tầng lớp doanh nhân đều không được thực hiện (vì mệnh lệnh “giãn cách xã hội”/”cách ly xã hội để tránh sự lây lan chết chóc của bệnh dịch). Từ đó, không có doanh thu, không có nguồn tiền để trang trải chi phí trả tiền thuê mặt bằng, chi phí trả lãi vay, trả lương, nộp BHXH, y tế... tất cả đang chờ giải ngân các gói hỗ trợ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để cầm cự, đợi ngày Covid-19 đi qua. Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ khẩn cấp 598.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP để hỗ trợ cho mọi tầng lớp dân cư, doanh nghiệp...bị tác động bởi Covid-19. Nhưng các doanh nghiệp từ quy mô tập đoàn, tổng công ty đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa... cần phải xác định rằng, hỗ trợ chỉ mang tính ngắn hạn, tức thời, còn hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, tổn thất sẽ còn nặng nề, đặc biệt là khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy tại một số quốc gia như Trung Quốc trong đại dịch và phần đứt gãy này sẽ được thay thế bằng một quốc gia khác. Chẳng hạn, Mỹ đang kêu gọi các doanh nghiệp của Mỹ quay trở lại sản xuất trong nước để thay thế cho phần đứt gãy trong ngành điện tử, ô tô, y tế... đang đặt tại Trung Quốc...; hay EU nhận thấy, vấn đề lệ thuộc vào chuỗi cung ứng một số nguyên vật liệu để sản xuất khẩu trang hay các trang thiết bị y tế từ phía Trung Quốc đã làm cho các nước châu Âu gặp khó khăn trong đại dịch. Chính vì vậy, Đức đã đề xuất đặt 1 trụ sở sản xuất các trang thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang tại Đức hoặc 1 nước đủ năng lực trong EU để đảm bảo cung ứng ngay lập tức và toàn bộ trang thiết bị y tế cho EU nếu xảy ra đại dịch tiếp theo ở quy mô lớn hơn mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nguồn cung ứng nguyên vật liệu nào, ở bất cứ quốc gia nào khác. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế đánh giá là nặng nề nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 cả về người và kinh tế, điều đó có nghĩa là, mức tàn phá của đại dịch Covid-19 tương ứng với đại chiến thế giới và lẽ dĩ nhiên, sau đại dịch là cuộc tái thiết lại đất nước, tái thiết lại thế giới theo một mô hình kinh tế và cách vận hành khác hơn nhiều so với mô hình hiện tại. Từ góc nhìn này, các doanh nghiệp có thể thấy, bạn hàng trước đại dịch và sau đại dịch bắt đầu có sự dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ luật chơi này sang luật chơi khác...; bên cạnh đó, cung - cầu hàng hóa và dịch vụ sẽ có sự thay đổi lớn, đặc biệt là các ngành vận tải hàng không, du lịch, dịch vụ nhà hàng khách sạn, vui chơi giải trí... sẽ giảm mạnh. Trong đó, sự cảnh giác về khả năng tiếp tục lây lan của Covid-19 và sự hủy diệt không biên giới của nó đối với mọi lứa tuổi đang làm cho nhân loại trên toàn thế giới, đặc biệt là người dân châu Âu bắt đầu đề cao cảnh giác, càng làm cho thói quen đi lại, du lịch, tiêu xài... giảm mạnh và có thể kéo dài cho đến khi thế giới chính thức tuyên bố tìm ra vắc xin và thuốc điều trị. Theo WHO, việc tìm ra vắc xin có thể kéo dài 12 đến 18 tháng. Như vậy, thói quen “cách ly xã hội” hay “giãn cách xã hội” cộng với sự cảnh giác về lây lan dịch bệnh của người dân thế giới có thể kéo dài đến hết năm 2020, sẽ kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp có liên quan như đề cập trên. Chính vì vậy, kịch bản lúc này của các doanh nghiệp là chấp nhận khó khăn, tổn thất, thậm chí dừng cuộc chơi để “khởi nghiệp” lại hoặc từng bước thay đổi hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với xu hướng "tái thiết" sau đại dịch mà thế giới đang chuyển mình cả về nhận thức và hành động. Trong đó, không gian sinh tồn dựa trên nền tảng số, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ 4.0 vào quá trình tái thiết, khởi nghiệp... là chìa khóa then chốt để doanh nghiệp có thể vượt qua những tình huống xấu hơn có thể xảy ra trong tương lai.   
                   
4.3. Kịch bản nào đối với ngành Ngân hàng   
 
Để chống đỡ trước sự tàn phá của bóng ma vô hình Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng bằng Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Về phía ngành Ngân hàng, ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 01 của NHNN, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã vào cuộc, dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó tiến hành ngay việc cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Riêng lãi suất cho vay, toàn bộ các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn và bao trùm toàn bộ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Từ hành động thiết thực này, chúng ta có thể nhìn thấy bức tranh của ngành Ngân hàng trong những quý tới, thậm chí là cả năm 2020, nếu đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục âm ỉ phá hoại nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, chỉ tính đến tháng 3 năm 2020, cả nước đã có 16.200 doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” và cũng theo dự báo, nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì khoảng 74% doanh nghiệp của Việt Nam rơi vào tình trạng “đóng băng” thậm chí là phá sản...; con số này nói lên điều gì? nói lên nỗi lo thanh khoản, nợ xấu và sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Thanh khoản bắt nguồn từ đâu? bắt nguồn chính vòng quay vốn giữa ngân hàng và khách hàng. Nếu vòng quay này trơn tru thì khả năng thanh khoản của ngân hàng dành cho khách hàng thông qua hoạt động cung cấp tín dụng, cũng như các dịch vụ liên quan, kể cả trả gốc và lãi cho hàng chục triệu người dân, hàng trăm ngàn doanh nghiệp có tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán tại ngân hàng... được diễn ra trôi chảy. Ở chiều ngược lại, nếu khách hàng trả nợ cho ngân hàng diễn ra bình thường, đúng hạn thì hoạt động thanh khoản của ngân hàng cũng diễn ra hết sức trơn tru. Nay theo thống kê sơ bộ, đã có 16.200 doanh nghiệp chết lâm sàng và thậm chí lên đến 74% các doanh nghiệp hiện có cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự thì dòng chảy thanh khoản bị tắc nghẽn... và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi tăng cao. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành Ngân hàng phải mất gần 10 năm để khắc phục hậu quả của nợ xấu với nhiều biện pháp mạnh, trong đó bán nợ cho VAMC là một giải pháp để vực dậy sức khỏe của các ngân hàng. Đến cuối năm 2019, hầu hết các ngân hàng thương mại đã tất toán được các khoản vay trái phiếu đặc biệt cho VAMC. Nay toàn ngành Ngân hàng lại tiếp tục lao vào cuộc chiến mới, cuộc chiến chống Covid-19 từ góc nhìn thanh khoản, nợ xấu. Tại thời điểm này là quá sớm để đưa ra các dự báo và nhận định đúng, nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán rằng, đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ để lại một di sản nợ xấu không kém cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thậm chí là lớn hơn rất nhiều và diễn ra trên một phạm vi rộng lớn, bao trùm toàn bộ mọi ngành, mọi nghề, mọi lĩnh vực, mọi đối tượng... Đây là vấn đề mà ngành Ngân hàng cần sớm có biện pháp truyền thông để toàn xã hội biết, để các cơ quan quản lý nhà nước cùng coi “Nợ xấu” xảy ra trong năm 2020 là bài toán chung và cùng nhau phối hợp đưa ra lời giải chung ngay sau khi đại dịch tạm lắng xuống. Bởi nợ xấu lần này do đại dịch Covid-19 tạo ra là hoàn toàn mang tính khách quan, bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế và mọi thành phần; do đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng cần dành cho ngành Ngân hàng để qua đó tạo lực đẩy cho ngành Ngân hàng tiếp sức cho nền kinh tế một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu nợ xấu có thể bùng phát. Hơn nữa, từ góc độ nợ xấu, chúng ta có thể thấy, hàng loạt hệ lụy nảy sinh liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó bài toán lợi nhuận sẽ là điểm nhấn cần xem xét. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (Báo Đầu tư số ra ngày thứ hai 30/3/2020) cho thấy: “tăng trưởng kinh tế quý I năm nay chỉ đạt 3,82%, thấp kỷ lục so với cùng kỳ kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với tính toán ban đầu. Mặc dù tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực kinh tế quý I năm nay đều giảm tốc so với cùng kỳ năm trước, nhưng đáng mừng là một số ngành dịch vụ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như tài chính - ngân hàng và bảo hiểm, thông tin truyền thông, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Trong đó, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế là 3,82%”. Rõ ràng, theo đánh giá, mức tăng trưởng của khối tài chính - ngân hàng và bảo hiểm đang là điểm tựa của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I, nếu Chính phủ không có giải pháp hỗ trợ ngành Ngân hàng trụ vững trong bão táp Covid-19 thì bước sang các quý tiếp theo, tăng trưởng khối này cũng rơi vào giảm tốc. Mặc dù các TCTD cũng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ từ Nghị định 41, nhưng đó chỉ là hỗ trợ mang tính thời vụ, chứ chưa mang tính dài hạn. Bởi vì mức tăng trưởng theo tính toán này chưa tính đến các tác động bởi các hỗ trợ từ phía ngân hàng dành cho khách hàng theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 01 của NHNN và nợ quá hạn, nợ xấu của các doanh nghiệp chưa nảy nở sau cơn mưa Covid-19. Chính vì vậy, bước vào quý II và các quý tiếp theo, nếu đại dịch kéo dài, nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp khó khăn do biện pháp "giãn cách xã hội"/"cách ly xã hội" tiếp tục áp dụng trên toàn thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy thêm... chắc chắn sẽ làm cho hàng chục ngàn doanh nghiệp rơi vào bế tắc, phá sản, không trả được nợ cho ngân hàng và bắt đầu làm cho nợ xấu bùng phát, kéo theo hàng loạt hệ lụy lặp lại như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 là lợi nhuận thấp, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu khó đạt tiêu chuẩn, thanh khoản yếu... và ngành Ngân hàng lại bước vào tiến trình tái cơ cấu mới. Những vấn đề này, cần phải được ngành Ngân hàng tính toán và đưa ra kịch bản xấu nhất để từ đó, có giải pháp tốt nhất nhằm tránh lặp lại những hệ lụy của khủng hoảng tài chính 2008.
 
Tài liệu tham khảo: 
  1. Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 
  2. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19
  3. Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/20202 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất
  4. Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020.                             
  5. Báo Thanh niên số 90, ra ngày 30/3/2020.
  6. Báo Đầu tư, số ra thứ hai ngày 30/3/2020 (GDP quý I tăng trưởng 3,82% cũng là kỳ tích).
  7. Vnexpress số ra ngày 29/3/2020 (ba kịch bản cho kinh tế VN trong đại dịch). 
  8. Vnexpres số ra ngày 31/3/2020 (WB dự báo VN tăng trưởng 4,9% năm nay).
  9. Bản tin kinh tế tài chính tổng hợp phát trên kênh truyền hình VTV1 lúc 8h30 - 9h ngày 21/3/2020, 28/3/2020 và 4/4/2020; 11.4.2020... và các bản tin phát trên kênh truyền hình VTV1 hàng ngày từ 19h - 19h45. 
  10. Trang web: wikipedia và các trang web có liên quan.

TS. Tôn Thanh Tâm
Theo TCNH số 10/2020

Theo Tạp chí Ngân hàng (Link gốc)
Theo:
    Bài cùng chuyên mục