Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE - Mã: PVT) ghi nhận 2.265 tỷ đồng (+19,6% YoY). Doanh thu ghi nhận sự tăng trưởng nhờ vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là mảng vận chuyển tăng trưởng mạnh (+27% YoY) do: (1) Một số tàu trong đội tàu của PVT đã được gia hạn hợp đồng T/C mới với giá cước cao hơn, và (2) Các tàu mới thực hiện đầu tư đã đóng góp vào doanh thu quý 2/2022.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 34.400 đồng/cp. Hình minh họa |
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của PVT ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ, đạt 41 tỷ đồng (-50,7% YoY) do lãi tiền gửi và lãi cho vay thấp hơn so với quý 2/2021. Thêm vào đó, chi phí tài chính quý 2/2022 tăng mạnh, đạt 73 tỷ đồng (+3,8x YoY) do: (1) Chi phí lãi vay tăng từ khoản vay để tài trợ mở rộng đội tàu, ghi nhận 55 tỷ đồng (+164,8% YoY), và (2) PVT ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 18 tỷ đồng (+6,8x YoY). Những yếu tố này kết hợp đã khiến cho lợi nhuận ròng của PVT đi lùi, đạt 266 tỷ đồng (- 16,5% YoY).
Nguồn: PVT |
Biên lợi nhuận gộp quý 2/2022 của PVT tăng mạnh so với quý 1/2022, đạt 19,5% nhờ vào mức tăng mạnh của biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh cốt lõi là vận chuyển, đạt 20,2% (+6,4 điểm % QoQ). Sự tăng trưởng vượt trội này nhờ vào:
(1) Giá cước vận chuyển mảng dầu thô tăng từ 20-30% so với quý 1/2022, dẫn tới việc các tàu vận chuyển cho NMLD Dung Quất và Nghi Sơn được điều chỉnh giá cước vận chuyển cũng như hợp đồng T/C của tàu PVT Apollo được gia hạn lại với giá cước cao hơn; (2) Diễn biến thị trường vận chuyển dầu sản phẩm và hoá chất tương đối tích cực giúp cho giá cước T/C tăng và một số tàu mới đầu tư của PVT đã có hợp đồng hoạt động ở châu Âu – nơi đang có nhu cầu vận chuyển các sản phẩm xăng dầu cao, và (3) Mảng tàu hàng rời phục hồi cùng nền kinh tế toàn cầu khiến mảng này có tình hình hoạt động tích cực hơn.
KBSV thấy rằng, giá cước tàu chở các mặt hàng lỏng, đặc biệt là dầu thô, dầu sản phẩm & hoá chất – các mảng hoạt động chính của PVT – đã sụt giảm tương đối nhiều do gánh chịu cú sốc khi nhu cầu các sản phẩm về dầu chưa phục hồi hoàn toàn trở lại về mức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá cước đã có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm 2022 khi các nền kinh tế dần hồi phục.
Nguồn: Bloomberg |
Theo số liệu từ EIA, sản lượng tiêu thụ xăng dầu toàn cầu đã vượt qua mốc 100 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2022 từ 98,3 triệu thùng/ngày của một năm trước đó và có thể sẽ tiếp tục duy trì mức này trong cả năm 2022 và 2023. Theo KBSV, đây là một tín hiệu tốt cho ngành vận tải năng lượng khi giá thuê tàu ngày và định hạn (T/C) của ngành đã sụt giảm về mức thấp trong 2 năm qua. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu hồi phục đồng nghĩa với sản lượng vận chuyển dầu thô và thành phẩm qua đường biển tăng, từ đó tạo động lực tăng cước vận tải và cước phí thuê tàu.
Với các mảng vận tải chính của PVT, KBSV nhận thấy tiềm năng từ hai mảng vận tải là vận tải dầu thô và dầu thành phẩm & hoá chất. Với mảng vận tải dầu thô, Nga cung cấp khoảng 25% lượng dầu thô nhập khẩu từ đường biển của châu Âu trong năm 2021. Điều này thể hiện rằng, các nhà máy lọc dầu Châu Âu (đặc biệt là ở Ba Lan, Đức và Hà Lan) phụ thuộc nhiều vào dầu Urals của Nga. EU đã đề xuất một kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu thô Nga qua chu trình cắt giảm hàng năm tới hết năm 2030.
Ngoài ra, KBSV cũng lưu ý thêm rằng, các NMLD cần một khoảng thời gian để nâng cấp các trang thiết bị để có thể thay đổi tỷ lệ sản phẩm trong cơ cấu đầu ra của mình. Điều này cần một thời gian để thực hiện cũng như việc này đi ngược lại với mục tiêu đạt được trung hoà carbon tại COP26 của châu Âu. Do đó, các nước châu Âu sẽ cần tìm kiếm thêm các nguồn thay thế cho nguồn cung nhập khẩu phụ thuộc vào Nga, dẫn tới triển vọng tăng giá cước tàu xăng dầu thành phẩm trong giai đoạn tới.
Dựa trên những quan điểm tích cực nêu trên cho mảng dầu thô và dầu sản phẩm, KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận gộp nửa cuối năm 2022 của PVT lần lượt đạt 3.621 tỷ đồng (+35,2% YoY) và 556 tỷ đồng (+19,8% YoY), trong đó đóng góp chính vào doanh thu tới từ mảng dầu thô đạt 774 tỷ đồng (+27,1% YoY) và mảng dầu sản phẩm & hoá chất đạt 1.256 tỷ đồng (+171,8% YoY).
KBSV đánh giá cao kế hoạch mở rộng đội tàu của PVT. Với vị thế đầu ngành, việc nâng số lượng tàu sẽ giúp cho triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo hơn nhờ vào các tàu mới chạy tuyến định hạn quốc tế với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn so với các chủ tàu nước ngoài.
Nguồn: PVT |
Trong năm 2021, PVT đã bổ sung vào đội tàu của mình thêm 4 tàu mới, trong đó bao gồm 3 tàu xăng dầu thành phẩm và 1 tàu VLGC. PVT có kế hoạch mua thêm 1 tàu VLGC trong nửa cuối năm 2021 nhưng KBSV cho rằng, dịch COVID-19 làm trì hoãn quá trình mua tàu mới. Do đó, KBSV kỳ vọng PVT sẽ mua thêm 1 tàu VLGC nữa trong nửa cuối năm 2022 và có thể hoạt động hết công suất vào năm 2023. Về kế hoạch mua tàu VLCC, KBSV cho rằng, PVT sẽ hoãn kế hoạch mua tàu này tới năm 2023 vì những lý do sau:
Do BSR đã dần chuyển qua đa dạng hoá nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ nhập khẩu dầu nên NMLD Nghi Sơn - NMLD còn lại của Việt Nam sẽ trở thành khách hàng chính trong tương lai của PVT. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vấn đề tài chính đã khiến NMLD Nghi Sơn hạ công suất xuống 60-80% công suất thiết kế, đồng nghĩa với sản lượng vận chuyển ít hơn dành cho PVT.
KBSV cho rằng, tình hình tại Nghi Sơn sẽ chưa thể cải thiện, ít nhất cho tới quý 2/2022, điều này có nghĩa rằng sản lượng dầu thô đầu vào của Nghi Sơn sẽ chỉ ổn định từ năm 2023 trở đi, hàm ý rằng việc đầu tư tàu VLCC để vận chuyển cho Nghi Sơn là chưa cần thiết.
Tuy nhiên, việc mua thêm tàu VLCC sẽ giúp PVT tăng tỷ suất lợi nhuận nhờ sở hữu tàu, từ đó, sẽ giúp đảm bảo hợp đồng dài hạn với Nghi Sơn để vận chuyển 2,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Hiện tại, PVT vận chuyển dầu thô đến nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bằng tàu thuê của SK Shipping với tỷ suất lợi nhuận thấp so với đội tàu hiện tại của doanh nghiệp.
Giá tàu VLCC 10 năm tuổi hiện tại đang ở mức cao ở ngưỡng 54 triệu USD, cao hơn 14,9% so với ngưỡng trung bình 9 năm và vượt kế hoạch BLĐ đề ra (khoảng 47 triệu USD). Do đó KBSV thấy rằng, 2022 chưa phải thời điểm thích hợp để có thể thực hiện mua tàu VLCC.
KBSV dự báo trong nửa cuối năm 2022, PVT sẽ đầu tư mới 2 tàu xăng dầu thành phẩm MR, 1 tàu VLGC, 1 tàu chở hàng rời và xà lan để phục vụ chở than cho nhiệt điện sông Hậu 1; 2023 gồm 1 tàu VLCC, 1 tàu Aframax, 2 tàu xăng dầu thành phẩm gồm 1 tàu LR và 1 tàu MR và 1 tàu hàng rời. Với tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là khoảng 241 triệu USD, KBSV dự kiến tổng công suất đội tàu của PVT sẽ đạt 1.565 nghìn DWT vào cuối năm 2023 so với mức 942 nghìn DWT vào cuối năm 2021.
PVT có kế hoạch thanh lý tàu chở dầu thô PVT Athena cỡ Aframax trong cuối năm nay cũng như 2 tàu xăng dầu thành phẩm là Sông Hậu Eagle và PVT Dragon trong nửa cuối năm 2022. KBSV đã dự báo PVT Athena sẽ được thanh lý và đem về khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho PVT.
Tuy nhiên, sau khi trao đổi với công ty và với diễn biến giá sắt thép vụn từ thanh lý tàu đang tăng cao, KBSV cho rằng, PVT Athena sẽ được thanh lý với giá cao hơn, đem về 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho PVT trong nửa cuối năm 2022. Ngoài ra, KBSV cũng đưa vào dự phóng của mình 45 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ việc thanh lý tàu Sông Hậu Eagle với tải trọng 33,425 DWT. Với tàu PVT Dragon, KBSV cho rằng, PVT sẽ thực hiện thanh lý tàu này trong quý 1/2023, ghi nhận 10 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Nguồn: Go Shipping |
(*) LDT (Light displacement tonnage) là trọng lượng bao gồm trọng lượng thân tàu (vỏ tàu), máy móc, trang thiết bị và phụ tùng. Trọng lượng này là cơ sở để tính toán giá cả khi mua bán tàu được phá dỡ làm làm sắt vụn. 1 LDT ~ 0.25-0.3 DWT.
Tổng kết lại, KBSV dự phóng lợi nhuận từ việc thanh lý tàu của PVT trong cả năm 2022 sẽ đạt 199 tỷ đồng (+424% YoY) gồm 3 tàu được thanh lý là Phương Đông Star (quý 1/2022), PVT Athena và Sông Hậu Eagle (nửa cuối năm 2022). Đây sẽ là một động lực trong ngắn hạn dành cho PVT, theo quan điểm của KBSV khi khoản lợi nhuận 1 lần này chiếm tới 14% lợi nhuận trước thuế năm 2022 theo dự báo của KBSV.
KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVT sẽ lần lượt đạt 9.149 tỷ đồng (+ 24,2% YoY) và 1.139 tỷ đồng (+ 35,9% YoY) dựa trên các giả định sau:
PVT đầu tư 7 tàu mới và thuê tàu trần 3 tàu VLGC, 1 tàu xăng dầu thành phẩm & hoá chất và 1 tàu LPG coaster trong 2022 và các tàu đầu tư mua mới năm 2021 sẽ hoạt động hết công suất.
Giá thuê tàu trung bình tăng 37% YoY nhờ vào triển vọng nửa cuối năm tiếp tục duy trì tích cực khi các hợp đồng T/C được điều chỉnh lại với cước cao hơn.
Giá thuê ngày của Đại Hùng Queen tiếp tục giữ ở mức cao do diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới.
Ghi nhận lợi nhuận một lần đạt 199 tỷ đồng tới từ thanh lý tàu PVT Athena, Phương Đông Star và Sông Hậu Eagle.
KBSV ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PVT sẽ lần lượt đạt 9.837 tỷ đồng (+ 11% YoY) và 1.086 tỷ đồng (- 0,6% YoY) dựa trên các giả định sau:
PVT sẽ đầu tư mua 5 tàu mới trong 2023.
Giá thuê tàu định hạn tiếp tục hồi phục 5% YoY nhờ vào nhu cầu vận chuyển dầu thô được nối lại khi kinh tế thế giới hồi phục.
Giá thuê ngày của Đại Hùng Queen tiếp tục giữ ở mức cao nhờ vào giá dầu thế giới duy trì ở mức cân bằng mới.
Không phát sinh thu nhập bất thường như thanh lý tàu cũ của năm 2022.
KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/E với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị MUA cho PVT với mức giá mục tiêu là 34.400 đồng/cổ phiếu, tương đương với upside 30,8% so với giá đóng cửa 26.300 đồng/cổ phiếu ngày 14/03/2022.
KBSV đưa ra mức giá mục tiêu bằng phương pháp P/E cho PVT là 28.735 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E mục tiêu 2022 = 10.4x – tương đương trung bình P/E 5 năm. KBSV hạ mức P/E với PVT so với báo cáo trước nhằm phản ánh rủi ro mảng vận tải LPG có thể sẽ không tốt như kì vọng đến từ việc dư cung các tàu có trọng tải lớn và giá tàu đang biến động khó lường, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng đội tàu trong tương lai.
Nguồn: Bloomberg |
Tuy nhiên, KBSV cho rằng đây vẫn là một mức định giá hấp dẫn cho PVT với tiềm năng tăng trưởng nhờ vào đội tàu được mở rộng và trẻ hoá sẽ góp phần giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực hơn trong tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.
Khuyến nghị 3 mã cổ phiếu thép tiềm năng nhất trong nửa cuối năm 2022 Chứng khoán Vietcombank – VCBS vừa đưa ra báo cáo triển vọng ngành thép trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, VCBS đưa ra 3 ... |
Xây dựng và Xi măng Quảng Ninh trúng gói thầu đào lò trị giá hơn 82 tỷ đồng Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QNC của Công ty CP Xây dựng và Xi măng Quảng Ninh đang được giao dịch quanh mức ... |
Vinaconex 25 trở thành đối tác của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tại dự án xây dựng trạm cứu hỏa Với việc là nhà thầu duy nhất tham gia, Công ty CP Vinaconex 25 (mã chứng khoán VCC, sàn HNX) đã trúng gói thầu xây ... |
Đức Anh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|