Khủng hoảng niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2023 giảm 10,4%

(Banker.vn) Quý 3/2023, doanh thu phí bảo hiểm đã giảm 10,4% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ các lùm xùm trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố nhiều dữ liệu đáng chú ý liên quan doanh thu phí bảo hiểm, tăng trưởng tín dụng, số doanh nghiệp thành lập mới, tổng mức bán lẻ...

Khủng hoảng niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2023 giảm 10,4%
Ảnh minh họa

Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm trong quý 3/2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm 6,9% so với 9 tháng đầu năm 2022.

9 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ dự kiến đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7%. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm đã tăng 30,2%, đạt 57.100 tỷ đồng.

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng, tăng 14,4%, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9%.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đi xuống nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ lại có xu hướng tăng do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường, tối ưu hóa quy trình và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Nhóm doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.

Trái ngược lại, ngành bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có do một loạt lùm xùm bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Tiêu biểu như vụ việc người dân mang tiền đến VIB gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên có mặt trong phòng giao dịch tư vấn, khách hàng đã bị nhầm lẫn khái niệm giữa "tiền gửi tiết kiệm đầu tư" và "sản phẩm đầu tư tiết kiệm", để rồi "mua nhầm" sang sản phẩm bảo hiểm của Prudential đang được bán chéo qua ngân hàng.

Khách hàng này khẳng định, họ hoàn toàn không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ. Nếu thực sự quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm, họ đã chủ động liên hệ đến thẳng các doanh nghiệp bảo hiểm để nghe tư vấn, cân nhắc ký hợp đồng thay vì đến ngân hàng trong sự bị động và không có nhiều thời gian để suy xét.

Niềm tin của người dân vào bảo hiểm nhân thọ đi xuống, ảnh hưởng tới doanh thu phí bảo hiểm - hoạt động kinh doanh cốt lõi của các công ty.

Các doanh nghiệp này đã phải dựa vào những mảng kinh doanh khác như tài chính và tối ưu hóa chi phí để đảm bảo lợi nhuận.

Mua bảo hiểm thành mua rủi ro

Điều tưởng như vô lý này đang là thực tế rối bời với nhiều người. Vì vội vã mua khi chưa hiểu đúng về gói bảo hiểm, hợp đồng nếu có đọc cũng không nhớ hết các điều khoản. Khi hiểu ra lợi ích không như mình tưởng thì hợp đồng đã ký rồi.

Lỗi do người mua vội tin lời chào mời quảng cáo. Nhưng cay đắng và éo le hơn là chuyện đi vay tiền bị buộc phải mua bảo hiểm. Người mua có thể không hiểu tới nơi nên mua nhầm nhưng bên bán (ngân hàng và các công ty bảo hiểm) hiểu rất rõ việc mình. Biết bao nhiêu người mua bảo hiểm đã ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận bỏ số tiền đã đóng vì không có khả năng đóng hoặc vì bị vô thế phải mua chứ không có nhu cầu.

Người đi vay, mắc nợ ngân hàng phải lo trả vốn và lãi bở hơi tai, mấy ai muốn mua bảo hiểm. Mua bảo hiểm kiểu này khác gì mua thêm rủi ro khi mất khả năng đóng tiền. Các ngân hàng không thể không thấy rủi ro của khách nhưng vẫn chào mời và ép buộc khách mua.

Ngân hàng hẳn cũng hiểu rất rõ việc khách hàng của mình mua bảo hiểm rồi sau đó phải bỏ ngang, mất tiền. Bây giờ, ngân hàng có thể dễ dàng quay lưng với khách hàng. Ngân hàng nào sai mức độ nào cần được làm rõ, xử lý nghiêm.

Hải Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán