Khu du lịch Nam Hồ (Lâm Đồng): Để xảy ra hàng loạt sai phạm rồi chỉ rút 'sợi dây kinh nghiệm'

(Banker.vn) Hàng loạt sai phạm tại Dự án Khu du lịch Nam Hồ diễn ra trong một thời gian dài, giúp doanh nghiệp thu về bộn tiền, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.
Khu du lịch Nam Hồ (Lâm Đồng): Nhận góp vốn gấp 2 lần tổng mức đầu tư dự án Lâm Đồng: Hành trình và điểm đến cuối cùng của khoáng sản Lâm Đồng: Cảnh giác với hành vi chiếm đoạt quyền sử dụng, phát hành hoá đơn điện tử

Nhận góp vốn theo kiểu bán một phần dự án

Như Báo Công Thương thông tin trong bài “Khu du lịch Nam Hồ (Lâm Đồng): Nhận góp vốn gấp 2 lần tổng mức đầu tư dự án”, trong quá trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh dự án đã để xảy ra nhiều vi phạm, có dấu hiệu hoạt động không đúng chủ trương đầu tư.

Đáng chú ý, những sai phạm này đã được Thanh tra tỉnh Lâm Đồng thanh tra, kết luận từ năm 2022, nhưng mới đây mới được hé lộ.

Theo đó, việc thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ có 3 sai phạm chủ yếu, gồm: Sử dụng không đúng công năng tại khu thương mại dịch vụ; xây dựng không phép; sai phép so với Giấy phép xây dựng được cấp. Để xảy ra những sai phạm này, nguyên nhân chính từ phía công ty; ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía các cơ quan Nhà nước.

Khu du lịch Nam Hồ (Lâm Đồng): Để xảy ra hàng loạt sai phạm rồi chỉ rút 'sợi dây kinh nghiệm'
Dự án Khu du lịch Nam Hồ có nhiều vi phạm.

Cụ thể, quá trình thực hiện dự án, Công ty Nam Hồ đã 2 lần được điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư; 2 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng; dự án kéo dài qua nhiều năm (được gia hạn 5 lần) thể hiện sự yếu kém trong công tác đầu tư cũng như năng lực tài chính của công ty.

Ngoài những sai phạm và sự yếu kém trên, dự án còn có dấu hiệu hoạt động không đúng theo mục tiêu đầu tư là khu nghỉ dưỡng hiện đại có quy mô phục vụ từ 200-300 khách lưu trú và 500-1.000 khách vãng lai/ngày, đêm nhằm thu hút khách du lịch vào Lâm Đồng và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Về hoạt động kinh doanh, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, từ năm 2006 đến 30/6/2022, Công ty Cổ phần Xây dựng du lịch Nam Hồ có nhận tiền vốn góp của 92 cá nhân góp vốn đầu tư với tổng giá trị góp vốn là 219,7 tỷ đồng.

“Nội dung các hợp đồng góp vốn thể hiện: Giai đoạn 1, các cá nhân sẽ góp vốn xây dựng công trình kiến trúc; giai đoạn 2 hợp tác kinh doanh du lịch. Bên góp vốn được sở hữu công trình đến năm 2055, được chia lãi từ hợp đồng hợp tác kinh doanh du lịch”, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận.

Không chỉ vậy, tại thời điểm thanh tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện có 2 công trình rao bán trên mạng internet, gồm: Công trình nhà nghỉ học sinh, sinh viên ký hiệu số 8.18 (rao bán 17 tỷ); khách sạn trung tâm ký hiệu số 1.3 (rao bán 39 tỷ).

Vì sao không ai bị xử lý trách nhiệm?

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, đối với các tồn tại xảy ra tại dự án, Công ty Nam Hồ là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính. Các sở, ngành và đơn vị có liên quan cũng còn sai sót trong quá trình thực hiện các nội dung liên quan đến dự án.

Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự án đã kéo dài nhiều năm, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý bảo vệ rừng đã nhiều lần thay đổi, điều chỉnh. Việc xây dựng các công trình diễn ra chủ yếu từ năm 2018 đến 2020. Dự án cũng chưa được hưởng ưu đãi đầu tư, các sai sót trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất cũng đang được xem xét để điều chỉnh, việc kiểm tra trật tự xây dựng cũng đã được tiến hành và yêu cầu công ty khắc phục hậu quả.

Từ đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị chỉ xem xét rút kinh nghiệm với các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Do vậy không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan, nhưng cũng cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm để tránh những sai sót trong thời gian tới, cũng như đối với những dự án tương tự đang triển khai trên địa bàn tỉnh”, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đánh giá.

Trên cơ sở đó, ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt kiểm điểm kinh nghiệm trong việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Khu du lịch Nam Hồ; tăng cường kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng tại dự án.

Chỉ đạo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định. Chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với sai sót trong việc thể hiện nội dung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất chưa đầy đủ.

Chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc chưa thực hiện kiểm tra hiện trạng tài nguyên rừng, nhưng vẫn đề xuất cho gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 5778/UBND-ĐC, ngày 10/9/2019. Chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cấp giấy phép xây dựng tại Dự án Khu du lịch nam Hồ còn chưa chặt chẽ...

Nhóm Phóng viên

Theo: Báo Công Thương