Nhiều người xếp hàng từ sáng sớm để mua vàng Thần Tài Có nên 'xuống tiền' mua vàng thời điểm hiện tại không? Giá vàng giảm nhiệt, người mua vàng thắng lớn |
Hiện tượng chưa từng có tại "phố vàng"
Những ngày gần đây, tại thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố Trần Nhân Tông – nơi được mệnh danh là "phố vàng", mặc dù không phải ngày vía Thần Tài, nhưng người dân xếp hàng dài chờ bán vàng. Hiện tượng này được cho là chưa từng xảy ra trước đây.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, từ sáng sớm, hàng trăm người đã có mặt trước các cửa hàng vàng lớn như: Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Phú Quý để chờ đến lượt giao dịch. Nhiều người cho biết, họ đến từ 5 giờ sáng để đảm bảo có thể bán được vàng nhân thời điểm giá đang tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Mùi (quận Hai Bà Trưng), người có mặt từ sáng sớm, chia sẻ: “Tôi không định mua vàng đâu, nhưng thấy giá lên nhanh quá, lại sợ mấy hôm nữa còn lên tiếp. Nhà có mấy chỉ tích cóp lâu rồi, giờ tranh thủ đem bán”.
![]() |
Khách xếp hàng dài tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông. |
Câu chuyện của bà Mùi là điển hình cho làn sóng “xả hàng” vàng tích trữ do lo ngại giá sẽ đảo chiều bất ngờ. Không giống dịp Thần Tài – khi người dân chủ yếu mua vàng cầu may, lần này, những người xuất hiện ở phố vàng chủ yếu là người đi bán.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Lâm (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: "Giá vàng SJC lên cao là đã có lời kha khá rồi. Vì năm 2021 tôi mua có giá 56 triệu đồng/lượng thôi, giờ bán ra đã lãi ít nhất là gấp đôi rồi".
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đến mua vì sợ giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa vào những ngày tới.
Chị Nguyễn Thị Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – người vừa mua vào 2 lượng vàng – chia sẻ: “Mua bây giờ còn kịp, chứ vài ngày nữa giá có khi lên 95 triệu đồng/lượng rồi lại tiếc. Tôi không có ý định đầu tư 'lướt sóng', chỉ muốn giữ vàng để phòng khi có việc lớn”.
Tâm lý “mua ngay trước khi quá muộn” khiến lực cầu vàng không hề giảm, thậm chí tăng lên song song với làn sóng bán ra chốt lời. Điều này tạo nên một nghịch lý thị trường: vàng tăng nóng không chỉ vì nguồn cung hạn chế mà còn vì cả người mua và người bán đều... sợ lỗ.
Ghi nhận lúc 16h chiều ngày 20/4, nhiều cửa hàng vàng không chỉ đông nghịt khách mà còn phải phát số thứ tự. Tình trạng chờ đợi kéo dài 1 - 2 tiếng là bình thường.
![]() |
Nhân viên phải phát số thứ tự vì khách quá đông. |
Chị Phạm Hồng Loan, nhân viên bán hàng tại một chi nhánh DOJI cho biết: “Chưa từng thấy ngày thường nào lại đông như vậy, chỉ kém ngày vía Thần Tài chút xíu. Hôm qua nhân viên phải làm đến 21 giờ mới hết khách”.
Tức tốc bán vì sợ đảo chiều?
Cơn sốt vàng trong nước những ngày qua không đơn thuần là hệ quả của giá vàng thế giới tăng mạnh, mà còn là biểu hiện rõ nét của tâm lý lo sợ đảo chiều – yếu tố khiến hàng loạt người dân tranh thủ chốt lời trước khi “sóng lặng”.
Nhớ lại những năm 2020 - 2022, khi giá vàng từng vượt 74 triệu đồng/lượng rồi bất ngờ lao dốc chỉ sau vài phiên, nhiều người dân giờ đây tỏ ra “khôn hơn”. Thay vì giữ lâu, họ bán ngay khi giá chạm đỉnh, dù có thể giá sẽ còn tiếp tục lên.
Anh Lê Quang Trí (quận Cầu Giấy), người vừa bán ra 5 lượng vàng, chia sẻ: “Tôi theo dõi giá mấy hôm rồi. Mỗi ngày tăng vài trăm nghìn, giờ vượt 90 triệu đồng/lượng thì không còn lý do gì để giữ nữa. Lãi rồi thì rút, để đó lại quay đầu thì phí công tích trữ.”
Tâm lý “được là bán”, “chậm là mất”, “trễ là ôm lỗ” hiện diện rõ trong đám đông xếp hàng trước các tiệm vàng những ngày qua. Họ không còn kỳ vọng giữ vàng để nhân đôi tài sản mà đơn thuần xem đây là cơ hội sinh lời nhanh – một kiểu đầu tư ngắn hạn thời bất ổn.
Theo số liệu cập nhật chiều 20/4/2025, thị trường vàng trong nước ghi nhận biến động nhẹ ở một số thương hiệu lớn. Tính tới 15h43, giá vàng miếng SJC tiếp tục giữ ổn định ở mức 112 triệu đồng/lượng (giá mua vào) và 114 triệu đồng/lượng (giá bán ra), không thay đổi so với hôm qua.
Tình trạng tương tự được ghi nhận tại hệ thống DOJI cả ở Hà Nội, cũng như Bảo Tín Minh Châu – các doanh nghiệp này đều duy trì mặt bằng giá vàng miếng tương đương với SJC.
Tuy nhiên, điểm sáng trong ngày là sự điều chỉnh tăng giá tại thương hiệu Phú Quý SJC. Cụ thể, giá mua vào của vàng miếng Phú Quý tăng 1 triệu đồng/lượng, từ mức 110,5 triệu đồng/lượng lên 111,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán ra vẫn giữ nguyên ở mức 114 triệu đồng/lượng.
![]() |
Khách hàng có tâm lý sợ mất lời nên mang vàng đi bán. |
Việc điều chỉnh này khiến khoảng cách chênh lệch mua – bán tại Phú Quý SJC hiện nay chỉ còn 2,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn so với mức 3 triệu đồng/lượng tại các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, PNJ – một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất trong lĩnh vực vàng bạc đá quý – vẫn giữ nguyên mức giá mua vào là 109,5 triệu đồng/lượng và bán ra 113,5 triệu đồng/lượng tại cả TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này phản ánh chính sách ổn định giá của PNJ trong bối cảnh thị trường chưa có cú hích mới.
Nhìn chung, giá vàng miếng trong nước đang có dấu hiệu chững lại sau đợt tăng nóng trong tuần qua. Đây có thể là nguyên nhân khiến người dân có tâm lý sợ mất lời khi giá vàng đảo chiều.
Chị Trần Thị Hằng (Hà Đông), bán ra 3 lượng vào chiều 20/4 bộc bạch: “Giá này là quá đỉnh với tôi rồi. Tôi không dám giữ thêm, vì hôm nay tăng nhưng mai giảm thì tiếc lắm. Mình đâu phải dân đầu tư chuyên nghiệp mà biết điểm dừng đâu!”.
Câu chuyện của chị Hằng là suy nghĩ chung của nhiều người: vàng tăng càng nhanh thì càng khiến người dân lo lắng, bởi họ sợ đằng sau đỉnh giá hôm nay là vực giảm giá ngày mai. Sự hoang mang này khiến thị trường vàng nóng bỏng không chỉ vì nhu cầu, mà vì tâm lý.
Bất kỳ thị trường tài chính nào tăng quá nóng đều mang theo nguy cơ điều chỉnh mạnh. Với vàng, các chuyên gia đều cảnh báo điều đó – nhất là khi xu hướng tăng hiện tại không dựa vào nhu cầu tiêu dùng thực tế, mà đến từ yếu tố tâm lý và kỳ vọng ngắn hạn. |