Không để thị trường vàng tạo "sắc đỏ" cho biểu đồ kinh tế

(Banker.vn) Cách đây trên 10 năm, câu chuyện nền kinh tế bị “vàng hoá” từng xảy ra khi thị trường vàng liên tục “sốt” nóng, tạo sức hút lớn đối với người người, nhà nhà.
Thời của vàng nhẫn và câu chuyện quản lý thị trường vàng Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành vào cuộc bình ổn thị trường vàng, không để "vàng hóa" nền kinh tế "Bắt đúng bệnh" để có giải pháp quản lý, tránh tình trạng thao túng thị trường vàng

Thị trường vàng trở thành nơi “làm ăn” của giới đầu cơ, còn người dân theo thói quen tìm đến vàng như một "nơi trú ẩn" của đồng tiền. Nhiều hệ luỵ đã xảy ra với nền kinh tế mà phải đến khi có Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường vàng mới lập lại trật tự.

Từ cuối năm 2023 trở lại đây, thị trường vàng lại "nổi sóng" trở lại khi giá vàng liên tục trồi sụt một cách bất thường. Điểm bất thường là ở chỗ giá vàng trong nước tăng cao một cách bất thường với đà tăng của thị trường thế giới.

Không để thị trường vàng tạo
Quang cảnh mua bán vàng tại một số tiệm vàng ở Hà Nội. (Ảnh: Quang Lộc)

Cùng với đó, tuy mặt hàng vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng, song vàng tăng giá mạnh gây ra nhiều hệ luỵ không chỉ với nền kinh tế mà còn khiến người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đã sớm phản ứng với tình hình khi ngay từ tháng 6/2023 đến nay đã có 9 văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan có các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng. Và kiên quyết không để lặp lại, không để xảy ra tình trạng “vàng hoá” nền kinh tế cũng như không để có thêm những thách thức trong điều hành là quan điểm được nêu trong Công điện số 23/CĐ-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ.

Công điện đã đưa ra hàng loạt giải pháp mang tính “cây gậy” về pháp lý để phối hợp các nỗ lực của các Bộ, ngành chức năng trong việc quản lý thị trường vàng không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Cùng đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Các công việc này cần phải được thực thi ngay trong tháng 3 chứ không thể để lâu hơn, không để kéo dài.

Điểm mới nổi bật trong Công điện của Thủ tướng là tiến hành rà soát thị trường kinh doanh vàng để có các xử lý cần thiết với các hành vi các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng.... đi cùng việc cung cấp các thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.

Theo các chuyên gia, công việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng cần thực hiện rốt ráo các chỉ đạo của Thủ tướng nêu trong Công điện; khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao...

Đặc biệt cần sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng mà thực chất là các “nhóm lợi ích”. Nhóm lợi ích này liên minh với nhau để thao túng thị trường, tạo ra cung - cầu “ảo” và những “cơn sốt” vàng nhằm trục lợi bất chính, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân và ảnh hưởng xấu đến chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước.

Việc xử lý này là đặc biệt cần thiết để loại bỏ hiện tượng “thọc dao” phá hoại các nỗ lực điều hành kinh tế cũng như tiếp tay cho các hành vi đe doạ an ninh kinh tế.

Đồng thời đây cũng là thời điểm hoàn toàn thích hợp để tiến hành việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cho phù hợp với bối cảnh mới với định hướng phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng.

Theo: Báo Công Thương