Không chỉ các hãng ô tô, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng giảm 'rót vốn' vào Trung Quốc?

(Banker.vn) Giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài “rót vốn” vào Trung Quốc đã giảm gần 13 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024 khi nhiều doanh nghiệp rút khỏi các liên doanh.
Đà Nẵng: Doanh nghiệp sản xuất lạc quan về đích năm 2024 vượt 40% kế hoạch Vì sao chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 của Bắc Ninh giảm mạnh? Thái Bình hợp tác phát triển xanh cùng các doanh nghiệp Trung Quốc

Dữ liệu mới công bố từ Cục Quản lý Ngoại hối nhà nước Trung Quốc chỉ ra rằng, khoản vay nợ của Trung Quốc từ các nhà đầu tư nước ngoài (thông qua các khoản đầu tư trực tiếp) đã giảm 8,1 tỷ USD trong quý 3.

Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Trung Quốc đã giảm gần 13 tỷ USD trong 9 tháng kể từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh các hãng ô tô, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, công nghệ cũng giảm quy mô hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Japan Times
Bên cạnh các hãng ô tô, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, công nghệ cũng giảm quy mô hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Japan Times

Đáng chú ý, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã sụt giảm trong ba năm qua, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 trong bối cảnh căng thẳng về địa chính trị. Một số nhận định cho rằng, dòng tiền nước ngoài vào quốc gia này giảm bởi nỗi lo về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tình trạng cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty tại Trung Quốc trong nhiều ngành, điển hình như ngành ô tô.

Trong năm nay, nhiều hãng ô tô đã thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc, điển hình như các nhà sản xuất ô tô Nissan Motor và Volkswagen AG. Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất các mặt hàng như Konica Minolta Inc. (chuyên sản xuất thiết bị văn phòng, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị đồ họa, thiết bị quang học của Nhật Bản), Nippon Steel Corp (tập đoàn ngành thép của Nhật Bản) cũng đã thông báo rút khỏi một liên doanh tại Trung Quốc vào tháng Bảy.

Trong khi đó, tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ International Business Machines Corp (IBM) quyết định đóng cửa nhóm nghiên cứu phần cứng tại Trung Quốc. Động thái ảnh hưởng đến khoảng 1.000 nhân viên.

Đặc biệt, nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang và những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ có thể sẽ càng gia tăng áp lực đối với các quyết định đầu tư.

Ông Allan Gabor, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết căng thẳng địa chính trị hiện là mối lo ngại hàng đầu của các thành viên trong tổ chức này.

Dù vậy, các biện pháp kích thích kinh tế được Chính phủ Trung Quốc triển khai vào cuối tháng Chín đã bắt đầu mang lại lợi ích cho một nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, giá trị cổ phiếu mà các nhà đầu tư ngoại sở hữu đã tăng hơn 26% so với tháng Tám. Chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã tăng gần 21% trong tháng Chín, sau khi các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai.

Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc lại có xu hướng tăng mạnh. Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, trong quý 3, các công ty Trung Quốc đã tăng giá trị nắm giữ các tài sản nước ngoài lên khoảng 34 tỷ USD, đưa tổng lượng vốn đầu tư ra ngoài Trung Quốc từ đầu năm đến nay đạt 143 tỷ USD, mức cao thứ ba trong lịch sử trong cùng quý.

Các công ty Trung Quốc, điển hình là hãng ô tô BYD đang nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài để tìm kiếm nguyên liệu thô và mở rộng năng lực sản xuất tại các thị trường quốc tế.

Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục và mở rộng hơn nữa, đặc biệt khi nhiều quốc gia tăng thuế đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc như thép, trong khi Mỹ đang đe dọa áp đặt thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.

Trong năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc thấp nhất kể từ đầu thập niên 1990. Điều này thể hiện cho những thách thức mà quốc gia này gặp phải trong nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nghĩa vụ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán của nước này chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm ngoái, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE). Thước đo này theo dõi lượng vốn FDI mới chảy vào Trung Quốc trong 1 năm thông qua đo dòng tiền của các thực thể do nước ngoài sở hữu tại nước này. Con số của năm 2023 giảm 82% so với năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Điều này cho thấy, ảnh hưởng dai dẳng của các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt mà Trung Quốc áp dụng, ngay cả khi họ đã gỡ bỏ các biện pháp này vào cuối năm 2022.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục