'Khối u' lớn dần trong ngân hàng

(Banker.vn) Số liệu kinh doanh quý II của các ngân hàng cho thấy áp lực nợ xấu đang rất lớn. Nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã vượt trần 3% và được cảnh báo còn tăng cao. Việc này khiến các ngân hàng đang phải đối đầu với nhiều rủi ro.

Tăng đột biến

Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng, đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng mạnh so với trước. Trong đó, nợ xấu tiềm ẩn là 5,34%. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%; thậm chí tại một số ngân hàng, công ty tài chính, tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Còn theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến ngày 30/6, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng là 213.416 tỷ đồng, tăng 33%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ở mức 64.906 tỷ đồng, tăng 79%; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lên 73.881 tỷ đồng, tăng 41%; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 74.628 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm.

'Khối u' lớn dần trong ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu trung bình của 28 ngân hàng ở mức 2,02%, tăng 0,41 điểm % so với đầu năm. Trong 28 ngân hàng, chỉ 2 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm so với đầu năm. Số còn lại đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trên 50%, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm trước. Đáng chú ý, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt “ngưỡng trần” Ngân hàng Nhà nước cho phép là 3%, cá biệt có ngân hàng vượt 20%.

Có thể kể đến, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với tỷ lệ nợ xấu chiếm 4,55% tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng. Tổng nợ xấu nội bảng của ABBank tính đến hết quý II đạt mức 3.820,2 tỷ đồng, tăng 61,5% so với hồi đầu năm. Tại VPBank, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6 là 5.728 tỷ đồng, tăng 23%. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này chiếm 3,88%. Tại TPBank, đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu vọt lên 3.912,7 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh từ mức 0,84% vào đầu năm lên mức 2,21%.

Tương tự, nợ xấu tại Eximbank cũng tăng 54% so với đầu năm lên 3.625 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 1,8% lên 2,75%. Tỷ lệ nợ xấu của VietA Bank tăng từ mức 1,53% đầu năm lên 2,49%, với số nợ xấu tăng 73% lên 1.660 tỷ đồng.

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại Techcombank. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý II tại Techcombank là 5.000 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,72% lên 1,07%. Còn tại Saigonbank, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,12% hồi đầu năm lên 2,3%.

Tại LPBank, nợ xấu đã tăng 65% trong 6 tháng đầu năm, lên mức 5.656 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,46% cuối quý II/2022 lên 2,23% cuối quý II/2023. Tương tự, nợ xấu của BacA Bank tăng 32% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 679 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,55% lên 0,7%. PGBank cũng ghi nhận tổng nợ xấu đến cuối tháng 6 tăng 13% so với đầu năm lên hơn 839 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 2,77%. Tại MB, tổng nợ xấu của nhà băng này trong 6 tháng đầu năm là 7.480 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,44%. Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong quý II. Đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của VIB tăng 1,18 điểm % lên 3,63%; NamABank tăng 1,09 điểm % lên 2,72%; MSB tăng từ mức 1,71% lên 2,56% so với đầu năm;BaoViet Bank tăng từ mức 3,34% đầu năm lên 4,69%; OCB tăng lên 3,18% từ mức 2,23% đầu năm.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu cũng không thoát khỏi xu hướng chung, dù mức tăng có nhẹ hơn. Trong đó, Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%. Mặc dù thấp nhất hệ thống nhưng tỷ lệ nợ xấu ở nhà băng này cũng tăng so với tỷ lệ 0,68% cuối năm 2022.

Tại BIDV, nợ xấu đến ngày 30/6 của nhà băng này ở mức 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 1,16% lên 1,59%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank nhích tăng từ 1,24% lên 1,27%; Agribank tăng từ 1,64% lên 1,77%. Chỉ có 2 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm 2023 là Kienlongbank và SHB. Cụ thể, Kienlongbank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,92% xuống 1,65%. SHB cũng giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,81% xuống 2,58% trong nửa đầu năm 2023.

Trong vòng xoáy rủi ro

Nợ xấu gia tăng không phải điều quá bất ngờ với thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Giới phân tích nhận định, nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cộng với sự đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

'Khối u' lớn dần trong ngân hàng

Điểm tương đồng của các ngân hàng có rủi ro nợ xấu cao là tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, sức khỏe tài chính của các ngân hàng sẽ chịu tác động mạnh và suy giảm khả năng cấp vốn cho nền kinh tế.

Thực tế, dù đã rất cố gắng nhưng gần đây, hoạt động xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có chiều hướng xấu đi. Các ngân hàng khá gian nan trong việc thu hồi nợ xấu, bán tài sản đảm bảo do thị trường trầm lắng và hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được gỡ.

Chứng khoán Vietcombank cho rằng, rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng thêm trong năm 2024 và có sự phân hóa rõ nét. Với nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao.

Theo Vietnam Report, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới. Vì vậy, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản. Còn TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Dù chính sách cơ cấu nợ mới đã được nhà điều hành triển khai quyết liệt nhưng dường như vẫn chưa đủ để ngăn chặn xu hướng nợ xấu tăng tốc tại nhiều ngân hàng.

Tuy đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, nhưng theo giới chuyên gia, hiện chưa phải đỉnh của nợ xấu bởi nhiều khoản nợ vẫn còn được cơ cấu theo Thông tư 02. Đến khi thông tư này hết hiệu lực, những khoản nợ này sẽ chuyển nhóm. Xu hướng nợ nhóm 2 tăng có thể sẽ tiếp diễn trong các quý tới. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai sẽ cao hơn con số thực tế hiện nay.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, cho rằng nợ xấu dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trung bình dưới 3% và tổng dư nợ nhóm 2 trở đi đã tăng chậm lại nhưng áp lực nợ xấu đã tăng rất nhanh và với xu hướng nợ nhóm 2, 3, 4 khá cao như hiện nay thì áp lực nợ xấu nhóm 5 lên hệ thống ngân hàng trong những quý tới là rất rõ ràng. Giới phân tích dự báo nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Trước bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng hết hiệu lực từ cuối năm nay đặt ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, giúp ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng, cũng như duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.

Nợ xấu tăng vọt, CTCK hạ giá mục tiêu đối với cổ phiếu TPB của TPBank

TPBank đã công bố BCTC quý 2/2023 với con số lãi nghìn tỷ, tuy nhiên doanh thu và LNST của nhà băng này đồng loạt ...

Nợ xấu tăng mạnh, 4 "ông lớn" ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ "khủng"

Nợ xấu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV rao bán nhiều khoản nợ, tài sản thế chấp có ...

Chuyện ít biết về "quán quân" nợ xấu tại VietABank - Vicoland Group của ông Bùi Đức Long

Hết quý II, khoản nợ xấu 500 tỷ đồng của Vicoland Group đang chiếm 54% tổng nợ nhóm 5 của VietABank, đồng nghĩa với vị ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán