Khởi tố, bắt tạm giam Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng (NDN)

(Banker.vn) Ông Bùi Lê Duy, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX - mã NDN) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngày 21/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Bùi Lê Duy, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Khởi tố, bắt tạm giam Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng (NDN)
Khởi tố, bắt tạm giam thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng (NDN). Hình minh họa

Nhà Đà Nẵng cho rằng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng bắt tạm giam ông Bùi Lê Duy liên quan đến các vấn đề từ trước năm 2008 (trước khi cổ phần hóa) tại Xí nghiệp công trình giao thông và Xây dựng.

Theo tìm hiểu, ông Bùi Lê Duy sinh năm 1978, trình độ Kỹ sư Cơ khí. Trong giai đoạn từ 2001 - 2006 giữ chức Trưởng phòng Thiết bị tại Xí nghiệp Công trình giao thông và xây dựng; giai đoạn năm 2006 đến tháng 8/2007 giữ chức vụ Phó giám đốc tại Xí nghiệp Bê tông Xây dựng; từ tháng 9/2007 đến tháng 4/2008 giữ chức Giám đốc Xí nghiệp Công trình giao thông và xây dựng; từ tháng 5/2018 đến nay là Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT tại Công ty CP Xây lắp Phát triển Nhà Đà Nẵng; từ tháng 6/2020 tới nay là thành viên HĐQT tại Nhà Đà Nẵng; và từ tháng 7/2021 tới nay là Phó Tổng giám đốc tại Nhà Đà Nẵng.

Được biết, đây không phải lãnh đạo duy nhất của Nhà Đà Nẵng bị bắt.

Theo tin từ Báo Công An Nhân Dân, chiều ngày 7/12/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1960), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự.

Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Cơ quan điều tra đã tập trung làm rõ trước các sai phạm của ông Nguyễn Quang Trung trong việc chuyển nhượng nhà đất tại số 186 Trần Phú (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) để thực hiện các biện pháp tố tụng, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Nhà Đà Nẵng tiền thân là doanh nghiệp nhà nước. Theo kết quả điều tra, ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ba ngày, ông Nguyễn Quang Trung đã đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú với giá gần 2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định công ty này đã không đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,5 tỷ đồng vào thời điểm 2009. Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến việc quản lý 7 dự án tại Nhà Đà Nẵng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Trung bắt đầu công tác ở Nhà Đà Nẵng từ năm 1992. Ông Trung đã kinh qua các vị trí như Kế toán trưởng, Phó Giám đốc, Giám đốc rồi lên làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty giai đoạn tháng 4/2010 - 5/2020. Thời điểm bị bắt tạm giam, ông Trung đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nhà Đà Nẵng.

Ngoài Nhà Đà Nẵng, ông Trung còn đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây lắp Phát triển Nhà Đà Nẵng và CTCP Cấp nước Đà Nẵng Ngọc Hồi.

Nhà Đà Nẵng kinh doanh thua lỗ trong 9 tháng đầu năm 2022

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 1,11 tỷ đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 28,77 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 81,39 tỷ đồng, tức giảm 110,16 tỷ đồng.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 2,38 tỷ đồng, giảm 99,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 123,99 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 214,37 tỷ đồng, tức giảm tới 338,36 tỷ đồng.

Được biết, nguyên nhân lỗ đậm trong 9 tháng đầu năm một phần đến từ hụt doanh thu kinh doanh kinh doanh bất động sản và một phần do hoạt động đầu tư thua lỗ cổ phiếu trên sàn. Với việc ghi lỗ trong 9 tháng đầu năm 2022, tính tới 30/9/2022, tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối chỉ còn 52,9 tỷ đồng so với đầu năm là 320,2 tỷ đồng.

Năm 2022, Nhà Đà Nẵng đặt kế hoạch tổng doanh thu 358,77 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 107,25 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với việc ghi nhận lỗ, Công ty còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng giảm 14% so với đầu năm, tương ứng giảm 229,1 tỷ đồng về chỉ còn 1.412,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 880,5 tỷ đồng, chiếm 62,3% tổng tài sản; tồn kho đạt 291,2 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 27,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 36,3 tỷ đồng về 97,6 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 19,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 214,3 tỷ đồng về 880,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/9/2022, Công ty đang đầu tư 399,3 tỷ đồng vào chứng khoán, đã trích lập dự phòng 123,3 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 30,9% tổng danh mục đầu tư chứng khoán. Trong đó, danh mục trích lập lớn chủ yếu đầu tư 128 tỷ đồng cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, trích lập 52,6 tỷ đồng; đầu tư 185,6 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes, trích lập dự phòng 45,1 tỷ đồng; đầu tư 43,7 tỷ đồng cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, trích lập dự phòng 16,1 tỷ đồng; đầu tư 21,36 tỷ đồng cổ phiếu ABB của Ngân hàng TMCP An Bình, trích lập 6,2 tỷ đồng; và các khoản đầu tư khác.

Nguồn: BCTC quý 3/2022 của NDN.
Những mã cổ phiếu Nhà Đà Nẵng đang nắm giữ. Nguồn: BCTC quý III/2022 của NDN

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty cũng đã “cắt” 24,6 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu EIB; bán ra 22,4 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu VNM; bán ra 6,8 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu DGC; bán ra 3,1 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu FLC; bán ra 3,1 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu KBC; bán ra 1,7 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu NBC; bán ra 5,6 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu NVL; bán ra 4,1 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu TTF …

Đối với kế hoạch phát triển dự án mới, theo kế hoạch Công ty sẽ phát triển dự án A2.2 Phan Đăng Lưu. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, giá trị xây dựng dở dang vẫn là 16 tỷ đồng. Như vậy, dự án mới vẫn không có dấu hiệu tiếp tục triển khai.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ

Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC trong báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ có nêu, báo cáo tài chính giữa niên độ của NDN không phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của công ty tại ngày 30/6/2022 và kết quả hoạt động kinh doanh cũng như các luồng lưu chuyển tiền tệ cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2022.

Cơ sở để đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ như trên được trích dẫn trong báo cáo, gồm việc giới hạn phạm vi soát xét về khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của dự án Khu phức hợp Monarchy B – Block B tại ngày 30/6/2022 (nêu trong báo cáo tài chính là hơn 277,5 tỷ đồng). Kiểm toán cho biết không đủ cơ sở đưa ra kết luận về giá trị dở dang này cũng như ảnh hướng của nó đến giá vốn hàng bán đã ghi nhận ở các kỳ kế toán trước.

Thêm nữa, tổng số tiền nhận trước về bán căn hộ của dự án Monarchy B tại ngày 30/6/2022 là 463,6 tỷ đồng. Theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán căn hộ thì Nhà Đà Nẵng phải trả lãi trên số tiền khách hàng đã ứng nếu chậm bàn giao căn hộ quá 3 tháng. Báo cáo tài chính đính kèm chưa ghi nhận khoản lãi dự trả này, ước tính số lãi lũy kế phải trả đến 30/6/2022 là 66,3 tỷ đồng (trong đó lãi dự trả năm 2021 trở về trước là 44,7 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 là 21,5 tỷ đồng).

Theo đó, nếu hạch toán đầy đủ khoản lãi phát sinh do chậm bàn giao căn hộ nêu trên thì Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả” sẽ tăng thêm 21,5 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” sẽ giảm tương ứng.

Đồng thời, trên Bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6/2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả” sẽ tăng thêm 66,3 tỷ đồng, chỉ tiêu “thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” sẽ giảm 13,3 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ giảm đi 55 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/10, cổ phiếu NDN giảm 500 đồng về 7.600 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt 175.460 đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu NDN thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu NDN thời gian gần đây. Nguồn: TradingView

Quỳnh Nga (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán