Khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

(Banker.vn) Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung vào nhóm giải pháp tháo gỡ rào cản pháp lý gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đạt 6% Đông Nam Á trở thành trụ đỡ tăng trưởng ở khu vực châu Á Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp hướng tới phát triển bền vững

Doanh nghiệp vẫn đối diện với khó khăn

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới". Sự kiện nhằm nhận diện và phát huy các động lực tăng trưởng cũ và mới trong năm 2024.

Theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng cần được đẩy mạnh, ngoài ra cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen... Cùng với nhận diện và phát huy các động lực tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra các kiến nghị phù hợp cho doanh nghiệp trong thời gian tới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.

Khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp

Theo thông tin tại diễn đàn, thời gian qua, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục…

Bối cảnh trong nước, kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Cùng với đó, Nghị quyết 58/NQ – CP ngày 21/4/ 2023 của Chính Phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa kinh tế xã hội phát triển.

Khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn

Khôi phục động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư.

Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ, ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

Để thúc đẩy tăng trưởng, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, chúng ta cần phải quyết liệt đổi mới tư duy. Trên thực tế, theo bà Trần Thị Hồng Minh, 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

"Tuy vậy, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế, bởi thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng" - bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định.

Tại diễn đàn, các nhóm giải pháp cụ thể cũng được đưa ra, bao gồm nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)… Hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương